Các công thức tính lương cơ bản trong doanh nghiệp

Tiền lương là vấn đề mà cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều đặc biệt quan tâm. Bài viết cung cấp công thức tính lương cơ bản và các lưu ý trong tính lương kể từ năm 2018.

Lương bổng là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất từ cả 2 phía là doanh nghiệp và người lao động. Từ góc độ nhà quản lý, việc tính toán bảng lương một cách chính xác giúp doanh nghiệp thực hiện trơn tru các giao dịch tài chính và truyền đạt thông tin một cách minh bạch tới người lao động, từ đó giúp công ty thu hút và giữ chân nhân tài. 

Vậy đâu là những hình thức trả lương trong doanh nghiệp mà người làm nhân sự và chủ doanh nghiệp nhất định phải biết?

 

1. Cách tính lương theo thời gian

Đây là phương pháp tính phổ biến nhất, dựa trên thời gian làm việc, cấp bậc công việc và bậc lương của người lao động. Để tính lương theo cách này, người lao động và doanh nghiệp cần nắm rõ các yếu tố sau:

1.1. Lương cơ bản

Đây là lương thỏa thuận của giám đốc với người lao động, là cơ sở tính bảo hiểm, các khoản trích, và tiền lương thực lĩnh của người lao động. Lương cơ bản không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của chính phủ tại thời điểm giao kết hợp đồng. Đặc biệt đối với lao động đã qua học nghề thì phải được cộng thêm 7% lương tối thiểu nữa.

Kể từ ngày 25/01/2018, mức lương tối thiểu vùng 1 là 3.980.000 theo Nghị định 141/2017. Như vậy nếu đang làm việc tại vùng 1, đã qua đào tạo từ cấp nghề trở lên (đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng…) thì mức lương thấp nhất mà bạn được nhận là: 3.750.000 * 7% = 4.258.600.Tương tự, mức lương tối thiểu vùng 2 đã tăng lên 3.530.000 đồng, vùng 3 là 3.090.000 đồng và vùng 4 là 2.760.000 đồng/tháng. 

 

1.2. Phụ cấp

Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, hoặc phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Một số loạt phụ cấp thường gặp là:

– Phụ cấp chức vụ, chức danh;
– Phụ cấp trách nhiệm;
– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 
– Phụ cấp thâm niên; 
– Phụ cấp khu vực; 
– Phụ cấp lưu động; 
– Phụ cấp thu hút;… 

Các loại phụ cấp nếu có, sẽ được quy định rõ trong hợp đồng lao động hoặc trong quy chế lương thưởng của công ty. 

 

1.3. Ngày công thực tế

Đây số ngày bạn đi làm trong tháng, thường được thống kê dựa trên bảng chấm công.

Từ các thông số trên, doanh nghiệp có 2 cách tính lương cho người lao động

Cách 1: Khi doanh nghiệp không quy định ngày công chuẩn.

“Lương tháng” = “Lương cơ bản”+ “Phụ cấp (nếu có)” / “ngày công chuẩn của tháng” x “số ngày làm việc thực tế”

Ngày công chuẩn là ngày làm việc trong tháng, không bao gồm các ngày nghỉ ví dụ như nghỉ chủ nhật, nghỉ lễ. Tháng 30 và 31 ngày có tối đa 26 ngày công chuẩn. Tháng 28 ngày thì ngày công chuẩn có thể chênh lệch một chút. 

Ví dụ tháng 10/2017 có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. Nhân viên A được trả lương 5 triệu đồng/ tháng (đã bao gồm cả phụ cấp). 

– Nếu A nghỉ một ngày, số ngày đi làm thực tế của A là 26, bằng số ngày công chuẩn của tháng. A vẫn nhận lương đầy đủ: Lương tháng = (5.000.000/26)*26. 

– Nếu A không nghỉ mà vẫn đi làm đầy đủ, tiền lương ngày thứ 27 được tính bằng Lương ghi trên hợp đồng/26. (5.000.000/26)

Cách 2: Doanh nghiệp quy định ngày công chuẩn

Doanh nghiệp tự quy định là 24 hoặc 26 ngày. 

Ví dụ công ty của A quy định ngày công chuẩn là 26.

“Lương tháng” = “Lương” + “Phụ cấp (nếu có)” / “26” x “ngày công thực tế làm việc”

– Tháng 10/2017, có 31 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ và được hưởng: Lương tháng = 5.000.000/26*27

– Nếu A nghỉ phép 1 ngày vào tháng này thì A vẫn được nhận đủ số lương theo hợp đồng lao động (do vẫn đủ 26 ngày công).

– Tháng 02/2018, có 28 ngày, 4 ngày chủ nhật. A đi làm đầy đủ 24 ngày. Lương tháng = 5.000.000/26*24 

 

2. Cách tính lương theo sản phẩm

Đây là hình thức thức trả lương dựa trên chất lượng và số lượng sản phẩm hoặc phần trăm công việc mà người lao động đã hoàn thành. Do gắn chặt năng suất lao động với thù lao lao động, hình thức này thường được áp dụng khi cần khuyến khích năng năng suất, tăng số lượng sản phẩm.

Công thức tính lương theo sản phẩm khá đơn giản:

Lương sản phẩm = Đơn giá sản phẩm * Số lượng sản phẩm

 

3. Cách trả lương khoán

Đây là hình thức trả lương khi người lao động hoàn thành được đúng khối lượng công việc theo thỏa thuận giữa hai bên.

– Công thức tính:  Lương = Mức lương khoán * Tỷ lệ % hoàn thành công việc

Thông thường, lương khoán được áp dụng cho những công việc mang tính chất thời vụ.

 

4. Cách tính lương theo doanh thu 

Đây là hình thức trả lương dựa trên doanh số đạt được của nhóm hoặc cá nhân. Phương thức này thường được áp dụng phổ biến với nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh. 

 

5. Cách tính lương làm thêm giờ

Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm có quy định:

Người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được hưởng ít nhất 150% so với đơn giá tiền lương đang được hưởng. Nếu làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần – ít nhất bằng 200%. Nếu làm việc trong ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương.

Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% đơn giá tiền lương được hưởng. Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì được hưởng thêm 20%. Như vậy nếu làm vào ngày thường, thì người sẽ được trả ít nhất là: 150% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% lương của ngày làm việc bình thường  = 200% lương của ngày làm việc bình thường;

Làm thêm vào ban đêm của ngày nghỉ hàng tuần, người lao động được hưởng ít nhất: 200% lương của ngày làm việc bình thường + 30% lương của ngày làm việc bình thường + 20% x 200% lương của ngày làm việc bình thường = 270% lương của ngày làm việc bình thường.

Kết luận

Tiền lương là một phạm trù phức tạp đòi hỏi sự tính toán hợp lý, chính xác từ phía chủ doanh nghiệp. Việc theo dõi đầy đủ công tác quản lý tiền lương và điều chỉnh khi cần là một việc làm cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển và ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì một đội ngũ lao động không chỉ chất lượng mà còn nhiệt tình cống hiến vì mục tiêu phát triển của công ty.

– Tham Khảo –