CFO Vietnam – Bản tin tháng 05/2021

“Bản tin CFO Việt Nam, tháng 05/2021.”
Aerial view of container cargo ship in sea.
Ban Biên Tập
Lê Hải Phong; Hương Vũ; Nguyễn Hữu Thành; Lê Hồng Lĩnh

Trong số này

Đơn vị Tài trợ Bản tin

Click (+) để xem chi tiết Bản tin

Trân trọng cảm ơn các Quý Đối tác, Quý Thành viên đã đóng góp tin bài. 

Bản tin thuế tháng 5/2021 của CFO Việt Nam cập nhật những điểm chính sau đây:

(+) Thời gian nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021

Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 19/4/2021. Dưới đây là phần tóm tắt nội dung Nghị định.

I. Đối tượng áp dụng
Ngoài các đối tượng áp dụng được quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP (bao gồm cả hoạt động kinh doanh bất động sản), Nghị định số 52/2021/NĐ-CP mở rộng thêm các đối tượng sau:
• Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;
• Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);
• Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị;
• Thoát nước và xử lý nước thải;
• Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;
• Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.

II. Nội dung gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất như sau:
– Đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh):

+ Trường hợp kê khai theo tháng:
o thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6/2021 được gia hạn 05 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định (tức là lần lượt chậm nhất là ngày 20/09/2021, 20/10/2021, 20/11/2021, 20/12/2021);
o thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế tháng 7/2021 được gia hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định (tức là lần lượt chậm nhất là ngày 20/12/2021);
o thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế tháng 8/2021 được gia hạn 03 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định (tức là lần lượt chậm nhất là ngày 20/12/2021)

+ Trường hợp kê khai theo quý: thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế quý 1 và quý 2/2021 được gia hạn 05 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định (tức là lần lượt chậm nhất là ngày 30/09/2021 và 31/12/2021).
– Đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý 1, quý 2 năm 2021: Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định.
– Đối với thuế GTGT, TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phát sinh phải nộp năm 2021: thời hạn nộp chậm nhất là ngày 31/12/2021
– Đối với tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của đối tượng được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm: Thời gian gia hạn là 06 tháng, kể từ ngày 31/05/2021.

Lưu ý: Theo Nghị định này:
– Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế được gia hạn trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.
– Ngành kinh tế, lĩnh vực của đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định là ngành lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2020 hoặc năm 2021.
– Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau, trong đó có ngành kinh tế. lĩnh vực quy đinh trong phần “Đối tượng áp dụng” nêu trên thì doanh nghiệp được gia hạn toàn bộ số thuế GTGT, thuế TNDN phải nộp và tiền thuê đất đối với toàn bộ Quyết định, Hợp đồng thuê đất trực tiếp của Nhà nước.
– Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng xin gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức không có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN.
– Để được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế phải nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn nộp thuế theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và tiền chậm nộp phát sinh tương ứng (nếu có) vào ngân sách nhà nước trước ngày 30 tháng 7 năm 2021.

III. Thủ tục gia hạn
• Người nộp thuế trực tiếp kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo mẫu quy định cho cơ quan thuế trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất đươc gia hạn cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc quý) theo quy định hoặc chậm nhất là ngày 30/7/2021 nếu không nộp cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc quý) theo quy định.
• Trường hợp người nộp thuế có các khoản được gia hạn thuộc nhiều địa bàn cơ quan thuế quản lý khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm truyền thông tin gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế quản lý có liên quan.
Quy định và hướng dẫn tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

(+) Hướng dẫn về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Trường hợp đơn vị có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ lũy kế từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, nếu trong kỳ hoàn có tháng hoặc giai đoạn không phát sinh doanh thu xuất khẩu, thì đơn vị không được hoàn thuế GTGT cho tháng hoặc giai đoạn đó.
Hướng dẫn tại Công văn 1125/TCT-CS ngày 15/4/2021 của Tổng cục Thuế.

(+) Vướng mắc liên quan đến chi phí khấu hao và thuế GTGT của máy móc, thiết bị y tế đem cho mượn
Bộ Tài chính có công văn số 16661/BTC-QLCS ngày 08/12/2017 đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo : “…các cơ quan đơn vị khám chữa bệnh không thực hiện mượn máy hoặc cho phép đặt máy, tránh tình trạng phụ thuộc vào đơn vị cho mượn máy, đặt máy để thực hiện bán vật tư, hóa chất… ” và công văn số 6009/BTC-QLCS ngày 24/5/2018 gửi Bộ Y tế nêu : “Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc cơ quan, tổ chức, đơn vị được “mượn” tài sản để sử dụng”.

Theo báo cáo của Công ty, công ty TNHH Roche Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực phân phối thiết bị y tế thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn, người nộp thuế còn có nghĩa vụ tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan.
Căn cứ các quy định trên, hình thức kinh doanh thuốc thử và đặt máy chẩn đoán cho cơ sở y tế công lập chưa được hệ thống pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực y tế và quản lý tài sản công quy định cụ thể. Do đó, việc Công ty đề nghị được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và tính khấu hao tài sản cố định đối với các máy móc, thiết bị nói trên là chưa có cơ sở.
Hướng dẫn tại Công văn số 1111/TCT-DNL ngày 15/4/2021 của Tổng cục Thuế.

(+) Kê khai thuế GTGT và phát hành hóa đơn đối với Địa điểm kinh doanh
– Trường hợp người nộp thuế hạch toán riêng được nghĩa vụ thuế của từng địa điểm kinh doanh hoặc có các địa điểm kinh doanh thuộc ngành nghề, hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điểu 11 Nhị định số 126/2020/NĐ-CP thì đơn vị chủ quản của địa điểm kinh doanh sử dụng mã số thuế của mình để kê khai cho địa điểm kinh doanh và thông báo phát hành hóa đơn, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế nơi có địa điểm kinh doanh.
– Trường hợp người nộp thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính có địa điểm kinh doanh khác tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và thông báo phát hành hóa đơn, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Hướng dẫn tại Công văn số 598/TCT-KK ngày 10/3/2021 của Tổng cục Thuế.

(+) Chính sách thuế đối với mua nhà chung cư
– Trường hợp Công ty là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua căn hộ chung cư thì chỉ được sử dụng căn hộ cho những người làm việc tại Công ty ở; không được cho thuê lại, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.
– Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, Công ty có thể tặng, cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp Công ty bán căn hộ phải xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế GTGT và thuế TNDN theo quy định.
Hướng dẫn tại Công văn số 568/CTBNI-TTHT ngày 7/4/2021 của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.

(+) Xử lý vi phạm về hóa đơn
– Trường hợp người nộp thuế vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt hành chính về quản lý thuế, thời hiệu xử phạt là 05 năm.
– Nếu cũng trường hợp vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn như trên nhưng không dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, thời hiệu xử phạt là 01 năm.
Hướng dẫn tại Công văn số 1596/CTBGI-TTHT ngày 13/4/2021 của Cục Thuế tỉnh Bắc Giang.

(+) Chi phí môi giới bán hàng cho cá nhân
– Trường hợp Công ty có phát sinh chi môi giới bán hàng cho cá nhân, chi phí được thực hiện mang tính chất thường xuyên thì cá nhân liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định. Hồ sơ để khoản chi được tính vào chi phí được trừ:
+ Đối với mức doanh thu chịu thuế GTGT từ 100 triệu đồng/năm trở lên: Hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán.
+ Đối với mức doanh thu chịu thuế GTGT dưới ngưỡng 100 triệu đồng/năm: Hợp đồng, Bảng kê 01/TNDN (Thông tư số 78/2014/TT-BTC), chứng từ thanh toán.
– Trường hợp Công ty ký hợp đồng với cá nhân không kinh doanh để thực hiện môi giới bán hàng và cá nhân được hưởng hoa hồng thì thu nhập của cá nhân được xác định là tiền lương, tiền công. Công ty thực hiện tính, khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập. Hồ sơ để được tính vào chi phí được trừ gồm: Hợp đồng, chứng từ khấu trừ thuế, chứng từ thanh toán.
– Trường hợp cá nhân môi giới là người lao động của Công ty có ký Hợp đồng Lao động từ 3 tháng trở lên thì toàn bộ tiền hoa hồng môi giới được cộng vào cùng với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân để thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN. Khoản hoa hồng này được tính vào chi phí được trừ.
Hướng dẫn tại Công văn số 4255/CT-TTHT ngày 28/4/2021 của Cục thuế tỉnh Đồng Nai.

(+) Ưu đãi thuế TNDN đối với dự án chuyển đổi chủ sở hữu
Trường hợp dự án đầu tư hình thành từ việc chuyển đổi chủ sở hữu (bao gồm cả trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới nhưng vẫn kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh; mua lại dự án đầu tư đang hoạt động) thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mới.

Hướng dẫn tại Công văn số 2464/CT-TTHT ngày 6/4/2021 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

(+) Xử lý thuế đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ
Trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu (NK) đối hàng hóa NK để sản xuất xuất khẩu (XK) trước ngày 1/9/2016 nhưng đã đưa vào sản xuất hàng XK và đã XK sản phẩm sau ngày 1/9/2016 theo loại hình XNK tại chỗ theo Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và không thuộc trường hợp được xử lý theo công văn số 879/TCHQ-TXNK ngày 23/2/2021 của Tổng cục Hải quan.
Hướng dẫn tại Công văn số 1869/TCHQ-TXNK ngày 20/4/2021 của Tổng cục Hải quan.

(+) Quy định chi phí được trừ đối với khoản ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp chống dịch Covid-19
– Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ quy định bao gồm: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; Cơ sở y tế; Đơn vị lực lượng vũ trang; Tổ chức được giao làm cơ sở cách ly tập trung; Cơ sở giáo dục; Cơ quan báo chí; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tổ chức Đảng, Đoàn, Công đoàn cấp trung ương và địa phương; cơ quan chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng chống Covid-19 các cấp; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; Quỹ từ thiện, nhân đạo có chức năng huy động tài trợ theo quy định pháp luật.
– Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm: Biên bản xác nhận theo mẫu kèm Nghị định này hoặc văn bản xác nhận có chữ ký, dấu 2 bên; Hóa đơn chứng từ hợp pháp.
– Nghị định này áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN 2020 và 2021.
Quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/3/2021.

(+) Hướng dẫn chính sách thuế về chi phí cho lao động người nước ngoài liên quan đến phòng chống dịch Covid-19

Nghị quyết số 16/NQ-CP (thay thế Nghịp quyết số 37/NQ-CP) áp dụng từ ngày 8/2/2021, theo đó người nước ngoài đang ở Việt Nam hoặc nhập cảnh từ nước ngoài kể từ ngày 8/2/2021 mà thuộc đối tượng phải cách ly tập trung chống dịch, có trách nhiệm tự chi trả các khoản chi phí bao gồm:

– Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh đến cơ sở cách ly;
– Chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành;
– Các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (bao gồm cả khử trùng, diệt khuẩn, bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự và chi phí khác) theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.

Do vậy, trường hợp các chi phí nêu trên do Công ty trả thay lao động nước ngoài thì các khoản trả thay này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo Khoản 2.đ Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

– Riêng đối với khoản tiền thuê nhà cho lao động nước ngoài: Công ty không tính tiền nhà trả thay cho cá nhân tại nơi ở trước đó tương ứng với thời gian cá nhân cách ly y tế vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của lao động nước ngoài.

Hướng dẫn tại Công văn số 317/CTBNI-TTHT ngày 11/3/2021 và 352/CTBNI-TTHT ngày 16/3/2021 của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh.

(+) Hướng dẫn chính sách thuế TNCN đối với quà tặng vàng cho khách hàng

Trường hợp Công ty tặng quà (sản phẩm vàng) cho khách hàng là cá nhân nếu quà tặng mà khách hàng cá nhân nhận được không phải các tài sản đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật, không thuộc các khoản được quy định tại Khoản 10 Điều 2 Tông tư số 111/2013/TT-BTC thì không phải chịu thuế TNCN từ quà tặng.

Hướng dẫn tại Công văn số 334/CTQNI-TTHT ngày 15/1/2021 của Cục thuế tỉnh Quảng Ninh.

(+) Hướng dẫn thuế TNCN đối với khoản khoán chi tiền điện thoại cho người lao động

Trường hợp Công ty có khoán chi phụ cấp tiền điện thoại cho người lao động, nếu khoản phụ cấp này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty thì không tình vao thu nhập chịu thuế TNDN của người lao động.

Trường hợp Công ty chi tiền điện thoại cao hơn mức khoán chi đã được quy định thì phân chi cao hơn này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Hướng dẫn tại Công văn số 186/CT-TTHT ngày 19/1/2021 của Cục thuế tỉnh Long An.

(+) Hướng dẫn chính sách thuế thuế TNCN đối với khoản thanh toán cho người lao động đã chết

– Nếu trong năm tính thuế 2020, người lao động (NLĐ) (đã chết) có 1 nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công duy nhất tại văn phòng đại diện (VPĐD) thì VPĐD thực hiện quyết toán thuế TNCN thay cho NLĐ theo quy định (không phải cấp chứng từ thuế TNCN cho NLĐ). Người hưởng thừa kế có trách nhiệm nộp thuế TNCN còn phải nộp hoặc được hoàn số thuế nộp thừa theo quy định.

– Năm 2021, VPĐD chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công năm 2020 theo quy chế của VPĐD cho NLĐ nhưng tại thời điểm chi trả NLĐ đã chết nên VPĐD chi trả cho người thừa kế hợp pháp của NLĐ thì khoản thu nhập này không thuộc đối tượng chịu thuế TNCN. VPĐD không phải khấu trừ thuế TNCN khi chi trả cho người thừa kế.

– Đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công năm 2021 mà VPĐD chi trả cho NLĐ nhưng tại thời điểm chi trả NLĐ đã chết, Cục thuế TP. Hà Nội đang có văn bản báo cáo Tổng cục Thuế xin hướng dẫn cụ thể.

Hướng dẫn tại Công văn số 9582/CTHN-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 21/3/2021.

(+) Hướng dẫn về việc kê khai, nộp thay thuế TNCN đối với khoản chiết khấu thương mại dành cho cá nhân kinh doanh

Trường hợp Công ty chi trả các khoản chiết khấu thương mại cho cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì khoản tiền này thuộc diện chịu thuế TNCN theo tỷ lệ 1%. Công ty chi trả Khoản “chiết khấu thương mại” cho cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân theo tờ khai thuế mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Công ty ghi cụm từ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký tên, đóng dấu của Công ty. Công ty nộp hồ sơ khai thuế thay cho cá nhân tại Chi cục Thuế nơi Công ty đặt trụ sở. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn thể hiện người nộp thuế là cá nhân kinh doanh.

Hướng dẫn tại Công văn số 647/CTHDU-TTHT của Cục thuế tỉnh Hải Dương ngày 1/2/2021.

(+) Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp (“DN”) công nghệ cao (“CNC”), DN CNC phải đáp ứng Điểm a, b Khoản 1 Điều 18 Luật CNC số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Khoản 3 Điều 76 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau:

1. Doanh thu (DT) từ sản phẩm CNC phải đạt ít nhất 70% trong tổng DT thuần hàng năm của doanh nghiệp.
2. Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho R&D; chi cho hoạt động đào tạo nghiên cứu R&D của DN, các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động R&D; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị tổng DT thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, nhập khẩu và mua nội địa) hàng năm:

a) Đối với DN có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng, tổng lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;
b) Đối với DN có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng, tổng lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
c) Đối với DN không thuộc a, b trên phải đạt ít nhất 2%

3. Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện R&D có trình độ từ cao đẳng trở lên của DN (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:
a) Đối với DN có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng, tổng lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
b) Đối với DN có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng, tổng lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;
c) Đối với DN không thuộc a, b trên phải đạt ít nhất 5%.
Hướng dẫn tại Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3/2021, hiệu lực từ ngày 30/4/2021 thay thế cho Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg.

(+) Hướng dẫn về quản lý thuế đối với giao dịch “Lan đột biến”

1. Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán “Lan đột biến” của tổ chức

a) Về thuế GTGT:

– Trường hợp “Lan đột biến” do doanh nghiệp (DN), tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
– Trường hợp do DN, hợp tác xã (HTX) nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho DN, HTX ở khâu kinh doanh (KD) thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
– Trường hợp do DN, HTX nộp thuế GTGT theo pp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân KD và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu KD thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.
– Trường hợp do DN, HTX và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bán ở khâu KD thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

b) Về thuế TNDN:

Trường hợp tổ chức, DN có thu nhập từ việc bán “Lan đột biến” thì thuộc đối tượng phải nộp thuế TNDN theo quy định. Nếu đáp ứng quy định Khoản 1 Điều 4 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 (sửa đổi tại Khoản 2 Điều 1 Luật thuế TNDN số 71/2014/QH13) thì được miễn thuế TNDN.

2. Trường hợp phát sinh giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân

– Hộ, cá nhân KD có phát sinh giao dịch mua bán “Lan đột biến” thì thuộc diện điều chỉnh của thuế GTGT theo thuế suất 1% và thuế TNCN theo thuế suất 0,5%.
– Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế GTGT theo Khoản 1 Điều 1 Luật thuế GTGT số 106/2016/QH13 và được miễn thuế TNCN theo Điều 4 Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12.

Hướng dẫn tại Công văn số 833/TCT-DNNCN của Tổng Cục thuế ngày 25/3/2021.

(+) Hướng dẫn về chính sách thuế GTGT và thuế TNCN trong trường hợp doanh nghiệp tặng quà cho người lao động

Trường hợp Công ty có tặng quà cho cán bộ nhân viên theo đúng quy định của pháp luật thì căn cứ các quy định, nguyên tắc hóa đơn và thuế như sau:

1. Về hóa đơn và giá tính thuế GTGT:

– Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có tặng quà cho nhân viên thì Công ty phải lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.
– Giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

2. Về thuế TNCN:

Trường hợp Công ty tặng quà cho nhân viên nếu quà tặng mà nhân viên nhận được không phải là các tài sản phải dăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật và không thuộc các khoản được quy định tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì không phải chịu thuế TNCN từ quà tặng.
Hướng dẫn tại Công văn số 2844/CTBDU-TTHT của Cục Thuế tỉnh Bình Dương ngày 19/2/2021.

(+) Hướng dẫn về chính sách thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trong các công trình tôn giáo

Trong 26 nhóm hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 31/2013/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) không có quy định hàng hóa nhập khẩu là hạng mục công đức phục vụ việc thờ tự trong công trình tôn giáo.

Do vậy không có cơ sở pháp lý để xử lý không thu thuế GTGT đối với 02 pho Tượng Phật ngọc nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam cho chùa.
Hướng dẫn tại Công văn số 1110/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 10/3/2021.

(+) Hướng dẫn về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện mặt trời của doanh nghiệp

Nếu cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán, thực hiện dự án điện mặt trời thuộc mã ngành kinh tế cấp 4 là 3511 – Sản xuất điện; cấp 5 là 35116 – Điện mặt trời (Theo Quyết định số 27/2018.QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phu ban hành hệ thống ngành Việt Nam) có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng áp dụng tỷ lệ thuế GTGT trên doanh thu đối với hoạt động sản xuất là 3% theo quyddinhj tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Hướng dẫn tại Công văn số 430/CT-TTHT của Cục thuế tỉnh Long An ngày 5/2/2021.

(+) Hướng dẫn xử lý thuế nhập khẩu và thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được đưa đi thuê gia công

– Trường hợp doanh nghiệp (DN) chưa bị ấn định thuế thì cơ quan hải quan (HQ) không ban hành quyết định ấn định thuế.

– Trường hợp DN đã bị ấn định thuế nhưng chưa nộp số tiền thuế bị ấn định vào ngân sách Nhà nước (NSNN) thì cơ quan HQ thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc hủy quyết định ấn định thuế theo Khoản 5.h Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

– Trường hợp DN đã bị ấn định thuế và đã nộp số tiền thuế bị ấn định vào NSNN thì cơ quan HQ thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc hủy quyết định ấn định thuế theo Khoản 5.h Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Số tiền thuế mà DN đã nộp được xử lý theo quy định về xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại Điều 60 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và Khoản 64, 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

– Về thuế GTGT xử lý như sau:

+ Đối với số thuế GTGT bị ấn định, đã nộp và chưa được CQT quản lý giải quyết hoàn thuế thì cơ quan HQ thực hiện hoàn trả theo quy định.
+ Căn cứ quyết định của cơ quan HQ, DN thực hiện việc kê khai điều chỉnh số thuế GTGT đầu vào bị ấn định đã được cơ quan HQ hoàn trả nêu trên theo quy định.
Hướng dẫn tại Công văn số 879/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 23/2/2021.

(+) Hướng dẫn về việc kê khai nộp thuế và chính sách thuế GTGT đối với hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh của doanh nghiệp

Trường hợp năm 2021, Công ty có hoạt động kinh doanh bán hàng vãng lai tại nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính thì Công ty thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh theo hướng dẫn Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
Từ năm 2022 (năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực), việc kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh được thực hiện theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Hướng dẫn tại Công văn số 7800/CTHT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 17/3/2021.

(+) Hướng dẫn về thời điểm lập hóa đơn điện tử

Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động cung cấp dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền. Trường hợp tô chức cung ứng dịch vụ thự hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Hướng dẫn tại Công văn số 94/CTPTH-TTHT của Cục thuế tỉnh Phú Thọ ngày 22/1/2021.

(+) Hướng dẫn xử lý phế liệu gia công hàng xuất khẩu

Trường hợp Công ty nhận gia công hàng hóa cho công ty mẹ, trong quá trình gia công sản phẩm, khi nhận nguyện vật liệu (NVL) để gia công, Công ty phát hiện NVL bị hỏng, không sử dụng được và báo cho công ty mẹ, sau đó công ty mẹ ủy quyền cho Công ty xử lý NVL lỗi hỏng và bán phế liệu sau khi xử lý cho doanh nghiệp khác ở Việt Nam (theo Phụ lục hợp đồng gia công) thì Công ty thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, thủ tục ủy nhiệm lập hóa đơn thay cho công ty mẹ (Điều 17 Thông tư số 39/2014/TT-BTC).

Về nghĩa vụ thuế: Do tiền bán phế liệu ở Việt Nam được thanh toán trực tiếp cho công ty mẹ, Công ty chỉ giao hàng theo chỉ định, nên không tính vào doanh thu hoạt động của Công ty. Công ty mẹ có trách nhiệm nộp thuế nhà thầu, doanh nghiệp tại Việt Nam mua phế liệu có trách nhiệm kê khai nộp thay theo Thông tư số 103/2014/TT-BTC.

Hướng dẫn tại Công văn số 356/CTBNI-TTHT của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ngày 16/3/2021.

(+) Hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN trong trường hợp điều chuyển bán thành phẩm đi gia công tiếp

Trường hợp Công ty không thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm dây điện tại nhà máy ở Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải mà điều chuyển bán thành phẩm của Công ty đi tiếp tục gia công 02 công đoạn sản xuất tại doanh nghiệp thông thường ở bên ngoài địa bàn Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, sau đó điều chuyển trở lại Công ty để tiếp tục quá trình kiểm tra, đóng gói sản phẩm. Nếu việc gia công bên ngoài chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp không phát sinh thêm nguyên vật liệu, không liên quan các doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết, thì đây là khoản chi phí phục vụ hoạt động suản xuất kinh doanh của Công ty. Vì vậy, toàn bộ thu nhập của Công ty từ việc sản xuất kinh doanh sản phẩm dây điện vẫn được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn.
Hướng dẫn tại Công văn số 655/CTHPH-TTHT của Cục thuế TP. Hải Phòng ngày 29/3/2021.

(+) Hướng dẫn về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi hỗ trợ cho người lao động khi tạm hoãn hợp đồng lao động trong thời gian thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19

Trường hợp trong thời gian thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, nguồn nguyên vật liệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến không bố trí đủ việc làm cho người lao động, doanh nghiệp có khoản chi hỗ trợ để giữ chân người lao động khi tạm hoãn hợp đồng lao động (2 triệu đồng/người/tháng) thì khoản chi này không có tính chất của tiền lương ngừng việc theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động, không phải là khoản chi phúc lợi, khoản chi này phù hợp với quy định về tạm hoãn hợp đồng lao động tại Điều 32 Bộ luật Lao động.

Nếu khoản chi này được xác định là khoản chi khác cho người lao động và có chứng từ theo quy định của pháp luật thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Hướng dẫn tại Công văn số 507/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 2/3/2021.

(+) Hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

Hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, một số điểm lưu ý:

– Người nộp thuế (NNT) thực hiện giao dịch thuế điện tử phải có khả năng truy cập và sử dụng internet, có địa chỉ thư điện tử, có chữ ký số hoặc có số điện thoại di động được một công ty viễn thông ở Việt Nam cấp đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế, trừ trường hợp NNT lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

– NNT cũng có thể lựa chọn nhiều phương thức giao dịch như: trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (TCT); Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của TCT; Cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của TCT. Song song với đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN cũng được TCT chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của TCT; dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.

– Riêng hồ sơ khai thuế, NNT được lựa chọn thêm phương thức lập hồ sơ khai thuế bằng phần mềm, công cụ hỗ trợ kê khai do cơ quan thuế cung cấp, hoặc của NNT đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế, sau đó truy cập vào Cổng thông tin điện tử mà NNT lựa chọn, ký điện tử và gửi hồ sơ khai thuế điện tử đến cơ quan thuế. Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế bao gồm cả tài liệu theo quy định của pháp luật mà NNT không gửi được theo phương thức điện tử thì NNT gửi trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính.

– NNT, cơ quan thuế, các tổ chức cá nhân khác có liên quan, đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Hướng dẫn tại Thông tư số 19/2021/TT-BTC của của Bộ Tài chính ngày 21/3/2021, hiệu lực kể từ ngay 3/5/2021.

(+) Hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính về thuế

Trường hợp Nghị định số 125/2020 có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, người nộp thuế (NNT) nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có hạn nộp trước ngày 5/12/2020 mà theo Nghị định số 129/2013/NĐ-CP đã xác định được thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì áp dụng văn bản tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP để xử lý.

Trường hợp mức xử phạt tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nhẹ hơn mức xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP thì áp dụng quy định của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử lý.

Hướng dẫn tại Công văn số 761/TCT-PC của Tổng cục Thuế ngày 22/3/2021.

HỢP ĐỒNG MUA BÁN – SOÁT XÉT VÀ CÁC LƯU Ý VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN

(Trong vai trò Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bên Bán)

Lê Văn Quân – Trợ lý Luật sư

Phạm Quốc Tuấn – Luật sư Trưởng

Công ty Luật TNHH DIMAC

Click vào đây để xem bản PDF

Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng tăng trở lại trong hai năm tới, vượt qua tác động của đại dịch Covid-19

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo “Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình 2021 – Góc nhìn Việt Nam” lần đầu được hãng kiểm toán PwC ra mắt nhằm mang đến cái nhìn thực tế về những trăn trở hiện nay và định hướng phát triển của các doanh nghiệp gia đình đứng trước môi trường kinh doanh và xã hội đang thay đổi.

Khảo sát doanh nghiệp gia đình toàn cầu lần thứ 10 của PwC, được thực hiện với sự tham gia của hơn 2.800 lãnh đạo doanh nghiệp tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 33 lãnh đạo và người ra quyết định từ các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu tại Việt Nam đã đóng góp ý kiến qua phỏng vấn trực tuyến.

Theo báo cáo, 65% số doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự báo doanh nghiệp sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Triển vọng cho năm 2022 tích cực hơn, với 33% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ – cao hơn tỷ lệ ghi nhận được ở cấp độ khu vực là 28% và trên toàn cầu là 21%.

Hướng đến những kỳ vọng này, báo cáo cho biết, mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu. 55% lãnh đạo doanh nghiệp gia đình khẳng định sẽ tập trung phát triển, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường; 52% cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới.

Trong bối cảnh đại dịch đang đánh dấu những thay đổi mang tính lâu dài, việc nhìn nhận lại hoặc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng là mối quan tâm ưu tiên đối với 52% doanh nghiệp được khảo sát.

Báo cáo cũng chỉ ra sự chuyển dịch rõ nét của các doanh nghiệp gia đình theo hướng đa dạng hóa kinh doanh và có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn.

Báo cáo cũng chỉ ra sự chuyển dịch rõ nét của các doanh nghiệp gia đình theo hướng đa dạng hóa kinh doanh và có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn. Mặc dù mô hình vận hành chủ yếu hiện nay của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là do chủ sở hữu hoặc gia đình quản lý (lần lượt 52% và 36%), nhưng điều này dự kiến sẽ thay đổi theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý hoặc điều hành, với tỷ lệ tăng từ 12% năm nay lên 60% trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, 45% doanh nghiệp gia đình đang hướng tới các mục tiêu kinh doanh đa dạng hơn trong 5 năm tới; hơn một nửa (52%) doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát dự kiến thế hệ kế nghiệp sẽ trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, chỉ 36% doanh nghiệp cho biết đã định sẵn kế hoạch kế thừa một cách chính thức và minh bạch.

Đáng chú ý, dù kết quả từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình chú trọng sáng kiến kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ, nhưng tiến bộ đạt được trong những lĩnh vực này còn hạn chế. 30% doanh nghiệp được hỏi tự đánh giá là mạnh về kỹ thuật số, thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 38%. Chỉ 9% doanh nghiệp gia đình Việt Nam hoàn toàn tự tin vào năng lực số của mình.

“Sự chênh lệch này phần nào có thể được lý giải bởi mức độ kháng cự đối với thay đổi còn ở mức cao, với 67% các doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát, cao hơn đáng kể so với cấp độ khu vực là 29% và trên thế giới là 33%”, PwC nhận định.

Theo VNEconomy

TheLEADER Những thay đổi trong chi tiêu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã trở nên thận trọng hơn giữa bối cảnh đại dịch, cũng như thay đổi thói quen tiêu dùng từ bên ngoài sang tại nhà, theo khảo sát của Deloitte.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, tỷ lệ người tham gia khảo sát có dự định cắt giảm chi tiêu đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, 36% người được hỏi đã chia sẻ quan điểm trên, trong khi con số này ở khảo sát tương tự năm trước chỉ là 6%.

Người dân có xu hướng dành nhiều ưu tiên hơn cho các mặt hàng trong danh mục nhu yếu phẩm thiết yếu trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của gia đình, Deloitte cho biết.

So với khảo sát trước, chi mua thực phẩm (bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, tươi sống và đồ hộp) tăng từ 34% lên 42%, chi phí nhà ở và tiện ích cũng tăng từ 7% lên 12%. Những thay đổi này trong hành vi tiêu dùng nhiều khả năng là do ảnh hưởng của việc người dân phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như ở nhà nhiều hơn hoặc tự nấu ăn.

Deloitte ghi nhận một vài khác biệt nhỏ về phân bổ tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của người dân ở các thành phố.

Phân bổ chi tiêu theo địa phương.

Trong khi thói quen chi tiêu của những người tham gia khảo sát ở Hà Nội và TP.HCM khá tương đồng với nhau, người dân ở Đà Nẵng lại chi mua thực phẩm (chế biến sẵn và tươi sống) nhiều hơn, còn người Cần Thơ tiêu tốn nhiều cho các sản phẩm nhà ở và tiện ích.

Về cơ bản, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu đồng nghĩa với việc người dân cắt giảm chi phí tiêu dùng cho các danh mục sản phẩm dịch vụ khác. Chẳng hạn, họ đã giảm mua sản phẩm điện tử dân dụng từ 10% xuống 0,2%, còn mức chi cho dịch vụ giải trí và du lịch từ 4% xuống chỉ còn 0,4% so với năm 2019.

Nếu như cắt giảm ngân sách cho giải trí và du lịch được giải thích là do tình trạng hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, thì việc giảm chi tiêu cho điện tử dân dụng đã phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong thời kỳ bất ổn này.

Một điểm đáng lưu tâm là các người tham gia khảo sát ở TP.HCM dường như sẵn sàng dành thêm ngân sách gia đình cho các dịch vụ không thiết yếu hơn, trong khi người tiêu dùng Cần Thơ không như vậy. 80% ngân sách hàng tháng của họ được chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu.

Xét theo mức thu nhập hộ gia đình hàng tháng, nhìn chung, có thể thấy với mức thu nhập hàng tháng càng cao, người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển dịch từ các nhu yếu phẩm thiết yếu sang chi tiêu tùy ý. Đặc biệt, sự dịch chuyển rõ nét nhất là từ nhóm nhà ở và tiện ích sang quần áo và giày dép, và các sản phẩm định hình phong cách sống khác.

Cơ cấu chi tiêu theo thu nhập hộ gia đình hàng tháng.

Những người tham gia khảo sát cũng có xu hướng dành nhiều tiền hơn cho giáo dục và các sản phẩm tài chính cá nhân như bảo hiểm, phúc lợi và tiết kiệm khi họ có nhu nhập cao hơn, đặc biệt đối với những hộ gia đình có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Điều thú vị là tất cả mọi người tham gia khảo sát, dù với các mức thu nhập hộ gia đình khác nhau đều có tỷ lệ chi tiêu cho các sản phẩm giải trí như đồ uống có cồn và thuốc lá như nhau. Hành vi này có thể lý giải là do đây đều là các sản phẩm có giá cả phải chăng, được bán lẻ rộng rãi.

Thay đổi trong kế hoạch chi tiêu phản ánh cách thức vận hành mới của kinh tế tiêu dùng

Đối với nhu cầu thiết yếu, người Việt Nam có xu hướng tích trữ hàng hóa nhiều hơn trong đại dịch, chẳng hạn như vào thời điểm cách ly xã hội toàn TP.HCM, doanh số bán bánh mì ăn liền và sữa hộp đã tăng tương ứng thêm 112% và 12% so với cùng kỳ năm trước, theo Kantar.

Trong năm 2020, mặc dù người tiêu dùng Việt Nam đã giảm quy mô giỏ hàng về số lượng các mặt hàng được mua trên mỗi lần mua sắm hàng tạp hóa, tương đương mức của năm 2019, nhưng giá trị giỏ hàng của người tiêu dùng lại tăng cao đáng kể.

Điều này cho thấy mặc dù tiêu dùng đã trở lại như bình thường, nhưng người dân lại sẵn sàng chi nhiều hơn cho mỗi đơn vị hàng hóa.

Những thay đổi trong kế hoạch chi tiêu của hộ gia đình về một số mặt hàng trong danh mục nhu yếu phẩm dưới ảnh hưởng của Covid-19.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn, đó là gia tăng chi tiêu hàng tháng vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù Covid-19 rõ ràng là một trong những ‘cú hích’ thúc đẩy việc người dân quan tâm hơn đến sức khỏe, nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ý thức nâng cao sức khỏe của người dân cũng đã là một xu hướng.

Ngược lại, chi tiêu hàng tháng theo kế hoạch của các hộ gia đình dành cho đi lại đã giảm do các biện pháp giãn cách xã hội khiến người dân tiết chế nhu cầu đi lại bên ngoài.

Tương tự, chi dùng cho dịch vụ giáo dục cũng hạn chế. Ở khu vực thành thị, ngoài việc học chính khóa, phụ huynh còn cho con cái tham gia các lớp luyện thi, lớp học kỹ năng để cạnh tranh suất vào các trường nổi tiếng.

Dưới tác động của đại dịch, trong khi khối trường công vẫn nhận được trợ cấp của Chính phủ thì các trường luyện thi, trường dạy kỹ năng này hầu như phải tạm đóng cửa, theo đó, mức chi tiêu của người dân trong các dịch vụ này cũng giảm đi tương ứng.

Đối với các sản phẩm tiện ích, người tiêu dùng dường như đã mạnh mẽ cắt giảm toàn bộ chi tiêu, trừ hai nhóm dịch vụ Internet và đồ vệ sinh gia dụng.

Các danh mục sản phẩm như nghỉ ngơi giải trí, ăn tiệm, karaoke và quán bar cũng bị cắt giảm hầu hết, chủ yếu do tình trạng đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động trong bối cảnh Covid-19.

Theo Deloitte, có hai điều mà các doanh nghiệp có thể rút ra từ đây.

Thứ nhất, chúng đang được coi là sản phẩm không thiết yếu, do đó dễ bị ảnh hưởng về doanh số hơn trong thời kỳ đại dịch hoặc suy thoái.

Thứ hai, trong một thập kỷ vừa qua, đây là nhóm hàng hóa dịch vụ chứng kiến mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Tình trạng này như một lời nhắc nhở thẳng thắn rằng độ co giãn về cầu đối với các danh mục sản phẩm rất cao. Nếu như có bất kỳ cú sốc thị trường nào xảy ra thì các sản phẩm này sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn.

Vào ngày 20 tháng 5 năm 2021, CFO Việt Nam phối hợp cùng với EY tổ chức buổi hội thảo trực tuyến dành cho Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng phòng thuế, Kế toán thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là các khách hàng của EY và thành viên CFO Việt Nam. Buổi Hội thảo đã thu hút được hơn 1.200 người tham dự online.

Buổi Hội thảo chia sẻ và Cập nhật các chính sách thuế và chuyển giá – Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia từ các cuộc thanh kiểm tra và cập nhật những thay đổi trong chính sách thuế mới cho năm 2021, do Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN)

Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp đồng thời mang đến cho người tham dự những cập nhật mới nhất về chính sách thuế cũng như các kinh nghiệm thực tiễn về rủi ro, sai sót mà doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình thanh, kiểm tra thuế và chuyển giá trong thời gian gần đây.