Đẩy mạnh các giải pháp cho người lao động vay vốn nhằm đẩy lùi “tín dụng đen”

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, tăng khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng đối với cán bộ nhân viên, công nhân và người lao động nhằm hạn chế “tín dụng đen” ngày càng “nở rộ” là một trong những giải pháp quan trọng mà ngành ngân hàng cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng cần thực hiện…

Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhận định: “Việc tăng khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng đối với cán bộ nhân viên, công nhân và người lao động có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống “tín dụng đen” và tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong bối cảnh công nghệ thông tin và các dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng phát triển”.

TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN NGUỒN VỐN CHÍNH THỐNG

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi TP.HCM, đến nay dư nợ cho vay tiêu dùng đạt trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà để ở; liên quan đến bất động sản, nhưng là tiêu dùng, mua để ở, với mục đích để sử dụng đạt 643.000 tỷ đồng, chiếm 62,2% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Về gói tín dụng 20.000 tỷ đồng của 2 công ty tài chính lớn trong hệ thống (HD Saison và FE Credit), đến nay đã giải ngân gần 181 tỷ đồng, với hơn 9.000 khách hàng được vay vốn để chi tiêu, tiêu dùng phục vụ đời sống (mua phương tiện sinh hoạt, đi lại và phục vụ các nhu cầu của cuộc sống…) với lãi suất ưu đãi.

Đối với khu vực khu công nghiệp và khu chế xuất, các ngân hàng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và công nhân tiếp cận nguồn vốn chính thống. Tính đến nay, dư nợ cho vay tại các khu công nghiệp đạt 214.918 tỷ đồng, hỗ trợ cho 3.491 doanh nghiệp, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, qua hoạt động này, không chỉ đáp ứng nhu vốn cho doanh nghiệp phát triển, mà còn tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất tiếp cận thuận lợi dịch vụ ngân hàng. Trong đó, có dịch vụ chi trả lương qua tài khoản và sử dụng phổ biến thẻ ATM.

“Việc đáp ứng tốt nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng không chỉ phòng chống tín dụng đen và lừa đảo trên không gian mạng mà còn góp phần quan trọng vào việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân”, ông Lệnh nhấn mạnh.

BA GIẢI PHÁP CĂN BẢN

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng những giải pháp căn bản, bền vững nhằm phòng chống “tín dụng đen” và lừa đảo trên không gian mạng có thể xem xét theo 3 phương diện chính.

Thứ nhất, việc tạo điều kiện tốt nhất, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho đội ngũ công nhân, người lao động: cho vay, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền… để chi tiêu, tiêu dùng cá nhân, để tiết kiệm và tích lũy hiệu quả… cũng như thông tin, tư vấn cho người lao động về dịch vụ ngân hàng, góp phần quan trọng vào việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân.

Trên thực tế, công tác này được ngành ngân hàng tổ chức triển khai thực hiện tốt thông qua hoạt động tín dụng tiêu dùng; cho vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; cho vay doanh nghiệp để xây nhà ở cho công nhân thuê và các giải pháp chính sách khác.

Thứ hai, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng, cùng những chính sách có liên quan đã và đang hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân và người lao động tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng. Trong đó, việc thực hiện tốt cơ chế chính sách và sử dụng đồng bộ nguồn lực chính sách về nhà ở cho công nhân thuê; nhà ở xã hội; cho vay giải quyết việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay tiêu dùng… thông qua hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; ngân hàng chăm sóc xã hội và các công ty tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn cho công nhân.

Theo đó, với những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung về chính sách và điều kiện vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, các chính sách về cho vay giải quyết việc làm; vay Ngân hàng hương mại có giá trị khoản vay nhỏ (dưới 100 triệu đồng) không phải cung cấp phương án sử dụng vốn, cũng như vay vốn bằng phương tiện điện tử với những khoản vay nhỏ…

“Đó là những thay đổi có tác động tích cực với mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn, trong đó có công nhân và người lao động. Chính sách đã và đang hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tiếp cận tốt nhất vốn, dịch vụ ngân hàng để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Lệnh cho biết.

Thứ ba, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp nói chung và tại các khu công nghiệp – khu chế xuất nói riêng. Sự phát tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp trong các khu vực này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân và người lao động từ duy trì và tạo nhiều việc làm mới; tăng thu nhập; chăm lo đời sống người lao động…

Bên cạnh đó, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, việc mở rộng và phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, với những phương thức như thẻ ngân hàng, QRcode, ví điện tử cũng rất thuận lợi cho công nhân và người lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình này, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách; tư vấn hướng dẫn sử dụng dịch vụ; cung cấp các giải pháp bảo mật và đặc biệt ý thức người lao động trong bảo mật thông tin cá nhân, với ý nghĩa như là bảo vệ tài sản của cá nhân.

Vân Nguyễn – VnEconomy

CFO Việt Nam hân hoan chào đón sự tham gia hợp tác nhiệt tình và đông đảo của Quý Doanh nghiệp,  Quý Anh/Chị nhằm tăng thêm chất lượng và quy mô hoạt động, đồng thời  mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng Quản trị Tài chính Việt Nam.

Rất nhiều Hoạt động Bổ ích đang chờ đón Quý Anh/Chị.