Doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0: ‘Con cá nhanh’ sẽ thắng ‘con cá chậm’

 

Nếu như trước đây, bối cảnh cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là “cá lớn nuốt cá bé” thì nay, với sự bùng nổ và phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), xu hướng này đã thay đổi trở thành “con cá nhanh thắng con cá chậm”.

 
 
4.0

Do đó, nếu biết đón bắt những thành tựu của CMCN 4.0 sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) – vốn hạn chế về nhiều mặt, có thể tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

Sức ép cạnh tranh rất lớn      

Tại Tọa đàm “Kinh doanh thời nay – Khó khăn và giải pháp dành cho DNNVV Việt Nam” tổ chức ngày 9/5, ông Quang Minh – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bizen Việt Nam cho biết, DNNVV Việt Nam đang đứng trước hai bối cảnh rất lớn là xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước và sự bùng nổ, phát triển của CMCN 4.0. Cả hai bối cảnh này đều đem đến cả cơ hội và thách thức đan xen cho DN. 

Trước hết, đối với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, hiện Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã tạo cơ hội cho các DN Việt, đặc biệt là DNNVV có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu… Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam tăng cường mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các DN, tập đoàn nước ngoài trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh, quản trị DN, quản trị nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng đặt DN Việt đứng trước rất nhiều thách thức. Theo đó, cùng với việc hàng hóa của Việt Nam có thể rộng đường hơn vào thị trường các nước nhờ lợi thế từ việc cắt giảm thuế quan, chúng ta cũng phải mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Điều đó sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, dưới tác động của hội nhập, nhiều DN, tập đoàn nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó sẽ hút nguồn lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến cho việc tuyển dụng nhân sự, lao động của các DNNVV sẽ trở nên khó khăn hơn…

Yếu tố thứ hai tác động đến DN đó là sự phát triển của CMCN 4.0. Theo ông Minh, nếu như trước đây khi chưa diễn ra CMCN 4.0,  bối cảnh cạnh tranh của các DN Việt Nam là “cá lớn nuốt cá bé”, thì nay với sự bùng nổ, phát triển của CMCN 4.0 với những trụ cột như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (bigdata), internet vạn vật…, xu hướng này đã thay đổi trở thành “con cá nhanh thắng con cá chậm”. Do đó, nếu biết đón bắt những thành tựu của CMCN 4.0 ứng dụng vào mọi khâu trong hoạt động của DN, sẽ là cơ hội rất lớn để các DNNVV Việt Nam có thể tồn tại và phát triển bền vững. Ngược lại, nếu DN không nắm bắt được xu hướng này tất yếu không thể cạnh tranh được, thậm chí có thể phải đóng cửa.

Minh bạch là yếu tố quan trọng hàng đầu của DN   

Bà Lê Thị Cẩm Vân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Danny cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV hiện nay là thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn để có đủ nguồn vốn cung ứng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc DN khó tiếp cận các nguồn vốn, kể cả vốn tín dụng ngân hàng (NH) hay nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, theo bà Vân, một mặt xuất phát từ việc các DNNVV rất hạn chế về năng lực xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển trong trung và dài hạn, cũng như không chứng minh được hiệu quả, tính khả thi của các phương án sản xuất kinh doanh đã đưa ra. Quan trọng hơn, nhiều DNNVV vẫn có thói quen làm ăn, kinh doanh thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến uy tín, lòng tin của DN đối với các đối tác, trong đó có các NH, quỹ đầu tư. 

“Nhiều DNNVV hiện vẫn kê khai, lưu trữ 2, 3 loại sổ sách kế toán khác nhau để “đối phó” với cơ quan thuế hay dùng để cung cấp thông tin đến NH khi vay vốn. Tuy nhiên, tư duy, thói quen này chỉ đem lại “thiệt đơn, thiệt kép” cho DN mà thôi. Bởi, nếu DN không minh bạch thì không thể tiếp cận vốn tín dụng NH. Mặt khác, hiện các quy định pháp luật về thuế đã khá đầy đủ, chặt chẽ để hạn chế tình trạng lách thuế, trốn thuế. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, triển khai hóa đơn điện tử… đã tăng cường tối đa hiệu quả trong quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Hiện mức thuế thu nhập DN đã khá phù hợp, do đó, DN có những hành động lách thuế, trốn thuế, nếu bị phát hiện việc xử phạt sẽ cao hơn rất nhiều khoản thuế mà DN phải đóng” – bà Vân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, theo bà Đặng Thanh Vân – Chủ tịch Công ty cổ phần Thương hiệu và quản trị Thanhs, để kinh doanh thành công, DN cũng cần chú trọng đến xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm. Bởi thương hiệu không đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của DN này với DN khác, mà cao hơn, đây là tài sản vô hình rất có giá trị, là uy tín của DN và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của DN…

 
Diệu Thiện