Ngành thanh toán “thay máu” nhờ công nghệ

 

Công nghệ đang làm thay đổi bộ mặt ngành thanh toán, khi một loạt cuộc sáp nhập giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên kết đang lần lượt được công bố.

 

Thế giới buồn tẻ của ngành thanh toán đang đảo lộn nhờ đợt sóng sáp nhập giữa các doanh nghiệp lớn trong ngành. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của những doanh nghiệp này không mấy theo hướng truyền thống, mà khá mới mẻ với những dịch vụ kết nối giữa các ngân hàng, thương nhân và người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, công ty dạng này đã càn quét các đối thủ yếu hơn trong nỗ lực cắt giảm chi phí, cũng như cải thiện dịch vụ để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hiện nay, những doanh nghiệp này bắt đầu liên kết với nhau để bắt kịp những thay đổi chóng mặt trong ngành thanh toán truyền thống.

Trong suốt bốn thập kỷ qua, giới ngân hàng và thương gia phụ thuộc vào ba cách chính để nhận tiền từ người tiêu dùng: chi phiếu, tiền mặt và các loại thẻ. Trong khi nhiều giao dịch đã được chuyển lên nền tảng mạng internet, sau đó là mạng di động, các công cụ như thẻ thanh toán và tài khoản ngân hàng vẫn không mấy thay đổi.

Thế nhưng, thực tế trên đang dần chuyển biến khi nhiều cách thức mới nhằm gửi, để dành và chuyển tiền dần xuất hiện qua từng năm. Xu hướng này diễn ra đặc biệt mạnh các thị trường mới nổi, nơi thanh toán thẻ và chi phiếu không mấy thông dụng.

Nhiều người tiêu dùng tại Trung Quốc và Ấn Độ đang bỏ qua các loại thẻ thanh toán, mà sử dụng thẳng các phương thức tiết kiệm và thanh toán mới. Ví dụ như ứng dụng Alipay của Ant Financial Services Group (Trung Quốc) và Paytm của Berkshire Hathaway (Ấn Độ).

Điển hình là thương vụ mới nhất giữa Fidelity National Information Services (FIS) và Worldpay. Theo đó, FIS mua lại hãng xử lý thanh toán điện tử lớn nhất nước Anh với giá 35 tỷ USD. Thương vụ này được công bố chỉ vài tháng sau khi Fiserv chi 22 tỷ mua lại First Data.

Các ngân hàng liên kết với FIS cho nhiều dịch vụ khác nhau, từ lưu trữ và quản lý thông tin các tài khoản cơ bản, tới các công việc văn phòng phức tạp như điều hành các hoạt động giao dịch. Trong khi đó, Worldpay kết nối thương nhân với các mạng lưới vận hành giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ trả trước, cùng nhiều phương thức thanh toán khác.

 

Ngành thanh toán "thay máu" nhờ công nghệ

Ngay cả tại các thị trường lâu đời, những hệ thống truyền thống cũng đang gặp sức ép lớn từ sự thay đổi trên. Tại châu Âu, các luật lệ mới buộc ngân hàng “mở cửa” dữ liệu tài khoản khách hàng cho các hãng tài chính công nghệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng đang nỗ lực nhằm phát triển hệ thống thanh toán thời gian thực, có thể lập tức chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng đến các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

FIS và Worldpay đều được cho là trái tim của hệ thống cũ, tiếp cận hàng nghìn tỷ USD giao dịch. Bằng cách hợp lực, hai hãng này đang cố gắng không bị thụt lùi lại phía sau.

Những doanh nghiệp như Worldpay và First Data đang biến đổi ngành công nghiệp này với hàng loạt thương vụ thành công.

Năm 2017, Worldpay đạt được thỏa thuận giao dịch trị giá 10,6 tỷ USD với Vantiv, đối thủ cạnh tranh của họ tại Mỹ. Ba năm sau, Vantiv mua lại hệ thống thanh toán Mercury Payment Systems với giá 1,7 tỷ USD.

Thông qua thương vụ Worldpay, FIS được dự đoán sẽ tiếp cận được với 40 tỷ giao dịch thương mại điện tử và nhiều loại giao dịch khác. FIS cho biết họ hiện đang hoạt động tại 130 quốc gia, trong khi đó Worldpay hoạt động tại 146 quốc gia.

Cả hai doanh nghiệp trên đều cho rằng việc kết hợp dữ liệu ngân hàng và thương gia sẽ giúp chống lại các hành vi lừa đảo, vốn hoành hành trên các phương thức thanh toán truyền thống.

 

THÁI DUY