- 05/10/2017
- Posted by: admin
- Category: Quản trị Điều hành
Đa nhiệm không phải lúc nào cũng là thói quen tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ hoặc công ty mới khởi nghiệp.
Trên Entrepreneur, nhà tư vấn startup, diễn giả, nhà đầu tư Kc Agu cho rằng, khi mới bắt đầu kinh doanh, để có thể kiếm thêm được nhiều tiền hơn, thay vì cố gắng làm mọi thứ cùng lúc, các nhà khởi nghiệp hãy tập trung phát triển những thói quen sau đây mỗi ngày:
1. Tiết kiệm
Tiết kiệm thực sự là một thói quen mà các doanh nghiệp startup nên rèn luyện và đưa vào chiến lược kinh doanh tổng thể.
Luôn có một khoản ngân sách lớn lẽ ra đã có thể được cắt giảm. Trong giai đoạn mới khởi nghiệp, nếu bạn nhìn thấy một cách nào đó để tiết giảm chi phí, hãy áp dụng nó. Tiết kiệm càng nhiều, bạn càng giữ lại được nhiều tiền hơn.
Hãy tự hỏi mỗi khi cần mua bất cứ thứ gì: “Tôi có thể mua được với giá rẻ hơn ở nơi nào khác?”. Khi đó, não sẽ làm việc để giúp bạn có được những ý tưởng tiết giảm chi phí tổng thể. Nếu luyện tập và duy trì đủ lâu, việc tiết kiệm sẽ trở thành một thói quen kinh doanh cốt lõi. Tiết kiệm càng nhiều, “hầu bao” của công ty càng “rủng rỉnh”.
2. Theo dõi chỉ một chỉ số kinh doanh chính
Càng cố gắng xử lý mọi thứ cùng lúc, chúng ta càng có xu hướng trì hoãn toàn bộ quá trình. Thay vì cố gắng kiểm tra, theo dõi mọi chỉ số có liên quan đến công việc kinh doanh, sẽ tốt hơn nếu chỉ tập trung vào một chỉ số duy nhất.
Hãy bắt đầu bằng cách chọn ra một chỉ số quan trọng nhất đối với lĩnh vực kinh doanh của bạn để theo dõi trong hôm nay.
Việc tập trung tìm hiểu một chỉ số kinh doanh cốt lõi và theo dõi nó mỗi ngày nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng điều quan trọng là chúng ta đang rèn luyện một thói quen – thứ gần như bất biến và khó thay đổi theo thời gian.
3. Ra khỏi vùng an toàn
Não có cơ chế tự nhiên là giữ cho chúng ta không làm những điều có thể mang áp lực đến cho mình. Do đó, nó luôn cố gắng để đặt chúng ta vào một vị trí an toàn và thoải mái. Nhưng khi ở trong vùng an toàn, bạn sẽ không thể tạo ra được tác động gì cả.
Đó là lý do vì sao cần phải kéo bản thân ra khỏi đó. Hãy đặt áp lực để hoàn thành một phần việc gì đó mà có vẻ như khó thể hoàn thành trong một ngày. Ví dụ, một nhà văn nên đặt chỉ tiêu viết 6.000 từ/ngày trong khi trung bình chỉ có thể viết khoảng 3.000 từ/ngày. Nghe có vẻ khó khăn, nhưng đó là việc hoàn toàn có thể nếu bạn chỉ tập trung vào một nhiệm vụ và thực hiện nó một cách hoàn hảo.
Càng thực hiện nhiều phần việc “khổng lồ” mỗi ngày cho các mục tiêu kinh doanh, bạn càng gặt hái nhiều thành quả hơn trong một tuần, một tháng, một năm…
4. Học hỏi một bí mật cạnh tranh
Các công ty luôn được dẫn dắt bởi nhiều bí mật cạnh tranh. Dù không thể biết tất cả bí mật của đối thủ, bạn vẫn có thể học hỏi một vài chiến thuật của họ và áp dụng vào công việc kinh doanh của riêng mình.
Hãy bắt đầu ngày làm việc bằng cách xem điều gì đang diễn ra với một đối thủ thông qua các tin tức về họ. Bạn cũng có thể làm điều này tốt hơn bằng cách theo dõi các trang web tổng hợp tin tức. Biết càng nhiều về đối thủ, chiến lược kinh doanh của bạn càng hiệu quả hơn.
5. Học “nghệ thuật ủy thác”
Đây là một trong những thói quen cơ bản giúp tạo ra nhiều thu nhập hơn cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Doanh nhân có xu hướng muốn tự mình làm mọi thứ vì nghĩ rằng không ai có thể làm tốt hơn họ. Cách tư duy này kiềm giữ doanh nghiệp khó thể tăng trưởng dài hạn, và gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của doanh nhân. Tự ép mình làm việc quá tải cả ngày không phải là cách tốt nhất để chăm lo cho sức khỏe và sự phát triển doanh nghiệp.
Hãy “kéo căng” công ty, không phải bản thân bạn hoặc sức khỏe của bạn. Hãy san sẻ trách nhiệm cho mọi người và tập trung vào những phần việc khác.
Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, năng lượng và tiền bạc. Hãy viết ra câu “Hôm nay, tôi sẽ ủy thác công việc” ở một nơi nào đó mà bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy, cài đặt nó thành một lời nhắc nhở mỗi ngày trên điện thoại. Đừng dừng lại cho đến khi bạn có thể dễ dàng ủy thác công việc đều đặn mỗi ngày.