6 ngành tạo nhiều cơ hội mua bán sáp nhập

PwC cho biết, các ngành như công nghệ, truyền thông, tài chính số sẽ tạo nhiều cơ hội cho hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong 2023.

PwC vừa công bố báo cáo Xu hướng M&A toàn cầu và Việt Nam. Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo dịch vụ tư vấn giao dịch của PwC Việt Nam cho biết, 2023 được kỳ vọng là một năm hứa hẹn của hoạt động M&A. Tại Việt Nam, kết quả khảo sát chỉ ra, trong năm nay, có 6 ngành nổi lên, tạo cơ hội cho thị trường.

Đầu tiên là công nghệ, truyền thông và viễn thông. Số hóa vẫn là mối quan tâm chính với nhiều doanh nghiệp trong năm nay. Tương tự năm trước, các giao dịch phần mềm sẽ tiếp tục chiếm phần lớn, khoảng 71% số lượng và 74% giá trị. Viễn thông, metaverse và trò chơi điện tử sẽ là các lĩnh vực nóng, thu hút hoạt động M&A vào năm 2023.

Tiếp theo là sản xuất công nghiệp và ôtô. Theo PwC, việc tối ưu hóa danh mục đầu tư sẽ thúc đẩy việc thoái vốn và mua lại, đặc biệt là những hoạt động tập trung vào tính bền vững và đẩy nhanh quá trình số hóa. Ngành dịch vụ tài chính với sự gián đoạn từ các nền tảng giao dịch và fintech đang tạo ra những biến đổi nhanh trên thị trường nói chung. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động M&A khi các nhà giao dịch tìm cách thu hút năng lực số.

Ngoài ra, các ngành gồm năng lượng (hiện là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư); tiêu dùng; y tế và sức khoẻ (bao gồm: công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển sản phẩm y tế, công nghệ y tế; số hoá y tế) cũng được dự kiến hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư.

Trên bình diện toàn cầu, PwC đánh giá, thị trường M&A sẽ có khả năng tăng trưởng nửa sau của năm nay khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp cân bằng được rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn.

Theo khảo sát của đơn vị này, dù đang chịu tác động từ lo ngại suy thoái, lãi suất tăng, giá cố phiếu giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị, 60% CEO toàn cầu khẳng định không muốn trì hoãn các giao dịch M&A. Các CEO đánh giá M&A tiếp tục là công cụ giúp họ tái định vị doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và đạt được kết quả bền vững trong dài hạn.

Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra, tại một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, trong 2 năm qua đã có sự sụt giảm lớn về số lượng, quy mô giao dịch.

Tại Mỹ, số lượng giao dịch quy mô lớn (có giá trị vượt quá 5 tỷ USD) gần như giảm một nửa từ 81 xuống 42 từ năm 2021 đến 2022. Mức sụt giảm trở nên đáng kể hơn trong nửa cuối năm, chỉ có 16 giao dịch quy mô lớn so với 26 giao dịch trong nửa đầu năm 2022.

Còn Trung Quốc là nước có sự sụt giảm lớn nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với số lượng M&A giảm 46%, giá trị giảm 35%. Nguyên nhân là ảnh hưởng của Covid-19 và nhu cầu xuất khẩu suy giảm. Bên cạnh đó, các công ty muốn tiếp cận thị trường châu Á cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài Trung Quốc – như Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ và xếp thứ hai trong khu vực chỉ sau Trung Quốc.

Đức Minh – VNExpress