DIỄN ĐÀN CFO VIỆT NAM 2012 “TÁI CẤU TRÚC TÀI CHÍNH VƯỢT KHỦNG HOẢNG”

Ngày 17 tháng 10 năm 2012, Diễn đàn Giám đốc Tài chính (CFO) Việt Nam 2012 – Vietnam CFO Forum 2012 – với chủ đề “Tái cấu trúc Tài chính vượt khủng hoảng” do Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO) phối hợp cùng Hiệp hội Giám đốc tài chính Nhật Bản (JACFO) và Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức đã diễn ra tại khách sạn New World, TP Hồ Chí Minh.

Diễn đàn CFO Việt Nam 2012 là một trong những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản trị tài chính doanh nghiệp thường xuyên giữa các thành viên của Hiệp hội quốc tế các Nhà quản trị Tài chính cấp cao (IAFEI)  – một tổ chức quốc tế uy tín có 18 Hiệp hội Giám đốc Tài chính (CFO) quốc gia là thành viên với hơn 16.000 các nhà quản trị Tài chính cấp cao tham gia sinh hoạt.

Ông Hiroshi Yaguchi- Chủ tịch IAFEI  phát biểu khai mạc Diễn đàn CFO Việt Nam 2012

Diễn đàn đã chào đón sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện của Hiệp hội quốc tế các Nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI), Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Liên minh Tư vấn Doanh nghiệp Quốc tế (AICA), các thành viên VCFO, JACFO, ACCA, đại diện các tổ chức Tài chính – Kế toán – Kiểm toán trong nước và quốc tế, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, các Giám đốc doanh nghiệp và các CFO, các nhân sự quản lý tài chính cấp cao, cùng đông đảo các phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về sự kiện này.

Cơ quan truyền thông tác nghiệp tại Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn CFO Việt Nam 2012

Diễn đàn CFO 2012 được tổ chức trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất, hàng tồn kho lớn và có dấu hiệu rõ ràng của tình trạng mất khả năng thanh toán. Trước tình hình đó, việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là tái cấu trúc tài chính đã trở thành một yêu cầu cấp thiết quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thành – với bài trình bày về tình hình kinh tế vĩ mô

Trong bản báo cáo trình bày tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành – Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về châu Á tại trường Harvard Kenedy, Giảng viên Chính sách công – Giám đốc Chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright chỉ ra những vấn đề về cấu trúc tài chính của Việt Nam.Theo ông, hiện tại sức khỏe của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không tốt, thậm chí có thể nói là suy giảm mạnh so với trước nếu nhìn vào con số hàng tồn kho và chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến PMI. Trong khi đó, vốn ra nền kinh tế không nhiều, vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải tự lực để tìm ra hướng đi cho mình để không rơi vào tình trạng giải thể, đóng cửa.

Tại Diễn đàn, trên góc độ của nhà quản lý doanh nghiệp, bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT DHG Pharma đã nói lên sự kỳ vọng của CEO đối với CFO hiện nay. Theo bà Việt Nga, hiện nay các CFO cần phải đánh được hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp và đưa ra được các phương án đầu tư cho doanh nghiệp để đạt hiệu quả cáo nhất. Đồng thời, các CFO cũng cần phải có các kỹ năng để đảm bảo công việc hiệu quả: thuyết phục, trình bày, phân tích vấn đề và sự bản lĩnh, tự tin.

Cùng vấn đề này, ông Reza Ali – Giám đốc khối thị trường mới nổi châu Á của ACCA lại cho rằng, người chủ doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện và có lộ trình tốt cho CFO giải quyết các vấn đề. Bởi hầu hết khó khăn, khủng hoảng là do doanh nghiệp quản lý yếu kém chứ không phải mọi khó khăn cũng đều đến từ các lý do khách quan của nền kinh tế.

Về tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, ông Lê Hải Phong – Giám đốc tài chính Tập đoàn Bảo Việt cho rằng, trong điều kiện kinh tế như lúc này, việc quản lý dòng tiền có vai trò cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát được dòng tiền doanh nghiệp mới có khả năng sống còn. Doanh nghiệp phải biết được tiền của mình lưu thông như thế nào để có giải pháp thay đổi tài chính hiệu quả.Ưu tiên của doanh nghiệp không phải là tạo ra lợi nhuận lớn mà là tối ưu hóa quản lý dòng tiền vào – dòng tiền ra để có thể vượt qua khủng hoảng chung. Trong đó, nên liên tục lưu ý đòn bẩy nợ để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.Từ trái sang: Ông Reza Ali – Giám đốc thị trường mới nổi, Châu Á, ACCA, Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT DHG Pharma, Ông Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà Quàn trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Ông Nguyễn Bá Quỳnh – Giám đốc Quốc gia, Nhóm Phần Mềm, IBM Việt Nam, Ông Lê Hải Phong – Giám đốc tài chính,

Tập đoàn Bảo ViệtTrong phần thảo luận, các chuyên gia tài chính tập trung thảo luận xung quanh việc tái cấu trúc tài chính, một vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Theo đó, trong tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải chịu nhiều tổn thất lớn, nợ nần chồng chất và có dấu hiệu rõ ràng của tình trạng mất khả năng thanh toán, việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là tái cấu trúc tài chính, được coi là một giải pháp hiệu quả để giúp doanh nghiệp loại bỏ các vấn đề tài chính, cải thiện thanh khoản kinh doanh và thiết lập lại một cấu trúc vốn mạnh mẽ để tài trợ cho sự tăng trưởng trong tương lai. Tái cấu trúc tài chính cũng là cốt lõi của toàn bộ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp

Để tồn tại và vượt qua khủng hoảng, trước mắt doanh nghiệp nhất thiết phải tập trung thực hiện tốt việc kiểm soát dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản trị rủi ro. Nhưng để tiếp tục tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp cần chú ý đầu tư vào nguồn nhân lực, quy trình quản  trị chuẩn mực, công nghệ phù hợp và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế đang có sự quan tâm mạnh mẽ vào thị trường Châu Á, đặc biệt là thị trường Việt Nam.

Tham gia trong phần thảo luận về huy động vốn cho doanh nghiệp, Ông Ward A. Wickwire – Giám đốc điều hành Liên minh Tư vấn Doanh nghiệp Quốc tế (AICA) đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn để doanh nghiệp Việt Nam có thể vận dụng trong việc tiếp cận huy động các nguồn vốn nước ngoài một cách tối ưu. Ông Masao Konomi, chủ tịch Konomi Inc, đồng thời là thành viên của AICA cũng cho biết rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản có quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, nguồn vốn giá rẻ tại Nhật rất dồi dào, do đó, nếu có lịch sử tín dụng tốt doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp từ các ngân hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ông Trương Tuấn Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc AsiaInvest thì để thuận lợi trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng ngay vào việc tổ chức xây dựng và vận hành các quy trình quản lý tài chính mang tính chuyên nghiệp.

Trong phần phát biểu bế mạc Diễn đàn CFO Việt Nam 2012, Ông Nguyễn Ngọc Bách cũng khẳng định rằng với đội ngũ các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn trong nghiều nghành nghề và chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị tài chính doanh nghiệp, Câu lạc bộ CFO Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và tư vấn những phương án thiết thực giúp doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc tài chính thành công.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Diễn đàn CFO Việt Nam được tổ chức. Diễn đàn đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, là nơi gặp gỡ chia sẻ các kinh nghiệm quản lý tài chính thực tiễn tốt nhất và thảo luận các xu hướng mới về tình hình kinh tế giữa cộng đồng tài chính Việt Nam cùng với các đồng nghiệp quốc tế.