- 13/12/2018
- Posted by: admin
- Category: Thuế
Bộ Tài chính cho biết, tình hình nợ đọng thuế từ đầu năm tới nay vẫn diễn biến phức tạp, tiền nợ thuế có xu hướng tăng lên theo các tháng. Tính đến 30/9/2018, tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý (không bao gồm tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ chờ xử lý, đang khiếu nại) tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó nhóm tiền thuế nợ có khả năng thu chiếm tỷ trọng 58% tổng số tiền thuế nợ, tăng 15,2% so với thời điểm 31/12/2017. Hầu hết các địa phương số nợ đọng thuế tăng so với thời điểm 31/12/2017.
Số nợ thuế tăng cao nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Một số Cục Thuế, Chi cục Thuế chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, chưa thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý nợ, chưa chỉ đạo ráo riết, kịp thời và tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nộp thuế, công khai thông tin nộp thuế, và xử lý nợ chờ điều chỉnh, chờ xử lý, chưa làm các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ xóa nợ thuế đối với khoản nợ không còn khả năng thu hồi theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao, kéo dài, ngày càng phức tạp, nhất là ở một số thành phố lớn.
Vì vậy, để tăng cường xử lý nợ đọng thuế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, lập các đoàn kiểm tra đột xuất, chuyên đề về công tác xử lý nợ đọng thuế, hàng tháng tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tổng cục Thuế cũng phải chỉ đạo các cục thuế xây dựng phương án xử lý nợ đọng, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án chung và giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phê duyệt phương án xử lý nợ đọng đối với từng cục thuế. Đồng thời tiếp tục rà soát vướng mắc trong quy trình quản lý thu nợ thuế để sửa đổi, hoàn thiện Quy trình quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế; khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội xử lý các khoản nợ không có khả năng thu vào ngân sách.
Bộ Tài chính yêu cầu các cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương rà soát số nợ đọng trên địa bàn, xây dựng phương án thu hồi, báo cáo UBND tỉnh, TP và Tổng cục Thuế phê duyệt chậm nhất là ngày 31/10.
Nhiệm vụ xử lý nợ thuế sẽ được giao cụ thể cho từng lãnh đạo cục, trưởng phòng, chi cục trưởng và cán bộ quản lý nợ.
Tại Chỉ thị, Bộ Tài chính yêu cầu định kỳ hàng tháng các cục thuế phải thống kê danh sách tổ chức, cá nhân nợ thuế lớn trên địa bàn, đề xuất giải pháp báo cáo UBND tỉnh, TP; công khai thông tin người nộp thuế chây ì nợ trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó phải giải quyết kịp thời các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xử lý dứt điểm các khoản nợ đang xử lý trước ngày 31/12; lập thủ tục xoá nợ tiền thuế đối với các trường hợp được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ Tài chính yêu cầu chi cục thuế và chi cục thuế khu vực phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường và các phòng, ban thuộc UBND quận, huyện thu hồi nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước.
(T.H)