Các bộ “đấu” nhau, doanh nghiệp khủng hoảng vì thông quan

 

Không chỉ cổng thông tin một cửa quốc gia bị lỗi trong vài ngày qua khiến việc thông quan gặp sự cố, mà hơn nửa năm qua, doanh nghiệp nhập khẩu bị khủng hoảng trong việc khai báo hải quan, ách tắc gây thiệt hại tính bằng cả ngàn tỉ đồng do các bộ “đấu” nhau về quy trình.

 

Hàng tỉ đô la “đổ” đi vì thủ tục hải quan?

Hôm 29-1, tại Hải quan khu vực 3 (Hải Phòng), khi tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu cùng lãnh đạo các Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra đột xuất việc thông quan tại Hải quan Hải phòng, đoàn chờ 30 phút mà hải quan không thể mở nổi một bộ hồ sơ điện tử hoàn chỉnh phản ánh lược sử giao dịch – thông quan của một doanh nghiệp. Trong khi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan là các đơn vị đi đầu trong ứng dụng điện tử và cải cách thủ tục hành chính: kê khai, nộp thuế điện tử.

Sự việc này đã được ghi nhận đầy đủ trong nội dung làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng. Nó cho thấy, không phải đỉnh điểm khủng hoảng thông quan là ba ngày (23-1 đến hết 26-1), khi Cổng thông tin một cửa quốc gia bị tê liệt hoàn toàn khiến quá trình làm các thủ tục điện tử với các bộ chuyên ngành bị ảnh hưởng, nhiều lúc phải chuyển qua làm hồ sơ giấy khiến tổng thể khâu thông quan bị kéo dài, hàng phải lưu kho bãi. Các chi cục hải quan Hà Nội, Cát Lái… đều gặp sự cố ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sau đó Tổng cục Hải quan (TCHQ) ra văn bản bác thông tin cổng quốc gia bị sập, mà chỉ hệ thống V5 (một trong hai cổng thông tin điện tử khai báo thủ tục – NV) bị sập.

Tại buổi làm việc với Hải quan Hải Phòng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh là tình trạng ách tắc thông quan hàng hóa không phải thời điểm này mới bùng phát cao độ, khiến doanh nghiệp gặp khủng hoảng. Theo ông Dũng, giữa năm 2018, Bộ Tài chính đã có báo cáo cho Thủ tướng trước tình trạng dư luận rất quan tâm và lên tiếng về các lô hàng, container phế liệu nhập khẩu bị ách tắc. Đến 15-1 vừa qua, ông Dũng chủ trì họp cùng các đơn vị liên quan xem lại đơn khiếu nại của doanh nghiệp Hàn Quốc khi doanh nghiệp này nhập hàng từ tháng 6-2018 nhưng không thông quan được vì cho biết phải chờ hướng dẫn của TCHQ. Điều đó dẫn đến tính trạng nhà máy thì không có nguyên liệu còn doanh nghiệp thì không lấy được hàng về dù hàng đủ quy chuẩn. Nhưng khi có chỉ đạo cụ thể thì 2 ngày sau được thông quan ngay. Ông Dũng cho biết thêm là Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm với các lô hàng tương tự nhưng đến nay không có dịch chuyển. Tại cảng Cát Lái, tình trạng này còn nặng nề hơn. Ngày 15-1, Tổng Cục Hải quan phải xin lỗi doanh nghiệp và hứa ngày 17-1 thông quan.

Chưa có thống kê cụ thể việc chậm giải phóng hàng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu gây ra thiệt hại tính toán có tổng giá trị bao nhiêu. Nhưng chắc chắn con số này là không nhỏ. Ví dụ của ông Dũng: “một lô hàng đã “tắc” tại cảng từ tháng 6-2018 đến nay với chi phí lưu kho bãi 40-50 đô la Mỹ/ngày thì nửa năm, thiệt hại bao nhiêu tỉ đồng”. Và khẳng định đó là lý do mà rất nhiều doanh nghiệp kêu cứu vì sự vô cảm của các cơ quan quản lý sẽ “bóp chết” doanh nghiệp, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.

Tuy chưa thống kê được thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu trong thời gian gần nhất và nửa năm qua vì thủ tục thông quan nhưng trong một báo cáo mà Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu GATF gửi cho Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng năm 2017 đã cho biết giá trị thương mại hàng hóa mất đi do sự chẫm trễ giải phòng hàng: “Theo World Bank, cứ một ngày hàng hóa xuất nhập khẩu bị chậm trễ làm thủ tục sẽ làm giảm thương mại hàng năm nhiều hơn 1%. Như năm 2015, cứ 1 ngày chậm xuất hàng đi, Việt Nam mất khoảng 1,62 tỉ đô la Mỹ. Tương tự, nếu một ngày trì trệ các thủ tục xuất khẩu lỗi thời sẽ làm Việt Nam mất đi hơn 3,2 tỉ đô”.

 

 

Các bộ đòi làm rõ trách nhiệm của nhau

Tên là Cổng kết nối một cửa quốc gia về hải quan nhưng để thông quan, doanh nghiệp phải khai báo lên ít nhất hai hệ thống khi muốn thông quan và lấy được hàng hóa bao gồm: thông quan tự động NNACCS và hệ thống thông quan điện tử V5. Trong đó, thông tin tờ khai được khai báo lên hệ thống VNACCS còn kèm theo danh sách container. Còn chứng từ điện tử được khai báo trên hệ thống V5.

Hệ thống giám sát hải quan tự động VASSCM do hải quan vận hành, kết nối giữa hải quan và các doanh nghiệp vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng để điện tử hóa toàn bộ quá trình theo dõi, giám sát và giải phóng hàng hóa một cách tự động. Sau khi doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng nhận được thông tin cho phép đưa hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát Hải quan từ hệ thống V5 thì sẽ cho phép doanh nghiệp lấy hàng.

Lý thuyết là thế nhưng trước thời điểm 29-10-2018, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không thông quan được vì Hải quan cho biết không thể kiểm tra thông quan khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư 08,09 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với phế liệu và có hiệu lực ngay cuối tháng 10-2018 thì cơ quan hải quan vẫn không cho thông quan với lý do chưa có hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Hải quan. Chính sách đã thông, hải quan lại bắt doanh nghiệp nộp phí lưu kho bãi quá lớn trong khi lỗi không phải do doanh nghiệp.

Trong buổi làm việc với tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân thừa nhận tình trạng tồn đọng có phần lỗi của bộ này khi các đoàn kiểm tra phế liệu quá cồng kềnh, phương pháp kiểm tra trên thực tế cũng có vấn đề. Song ông yêu cầu Hải quan phải chịu trách nhiệm. Còn Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn cho rằng việc nhập khẩu phế liệu đang qua nhiều lần cấp phép và các Sở Tài nguyên và Môi trường không đủ người để kiểm tra các container phế liệu nhập khẩu nên dẫn đến tình trạng các lô hàng chờ kiểm tra kéo dài cả tháng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ đạo TCHQ làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp theo hướng mở tờ khai tại thời điểm nào áp dụng theo chính sách thời điểm đó, đúng quy chuẩn là được thông quan. Đặc biệt, không cần giấy xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường như hiện nay mà chỉ cần giám định chất lượng của đơn vị độc lập là được thông quan do giấy tờ của sở không có giá trị .

Tất cả những vụ việc trên cho thấy, cổng kết nối một cửa quốc gia về xuất nhập khẩu không chỉ trục trặc về công nghệ thông tin mà trục trặc nằm chính ở các cơ quan quản lý, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

 

Ngọc Lan