Chu kỳ mới của thị trường thương mại điện tử

Hoàn cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại điện tử phải nhắm đến mô hình phát triển bền vững, thay vì chỉ ganh đua những chỉ số ngắn hạn hay cạnh tranh về giá.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 12/2022, công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán từ nay đến năm 2026, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Đông Nam Á tăng gấp ba lần, với tốc độ tăng trưởng kép là 22%.

Cũng theo tổ chức này, thị trường TMĐT Đông Nam Á đang ở ngưỡng cửa giai đoạn thứ hai (10 năm tiếp theo tính từ chu kỳ đầu tiên 2013-2023).

Dù 2023 là năm đầu tiên trong chu kỳ mới của thị trường TMĐT, nhưng mọi thứ dường như không dễ dàng bởi các “cơn gió ngược”: Lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao.

Hoàn cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp TMĐT phải nhắm đến mô hình phát triển bền vững thay vì chỉ ganh đua những chỉ số ngắn hạn hay cạnh tranh về giá.

McKinsey dự đoán những phát kiến công nghệ tiên tiến sẽ trở thành thách thức với doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội để các đơn vị hướng đến nấc thang mới, đặc biệt là nhóm ngành TMĐT.

Nổi bật hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này góp phần tạo nên ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp TMĐT, nhờ khả năng tối ưu hoạt động vận hành thông qua: Cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu dịch vụ khách hàng, phân tích – dự đoán nhu cầu thị trường dựa trên dữ liệu lớn và tăng hiệu suất vận hành hạ tầng logistics.

Nói cách khác, AI là giải pháp giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và năng suất hơn, linh động thích ứng trước mọi tác động từ bên ngoài.

Gần đây, sự xuất hiện của ChatGPT được xem là bước đột phá đáng chú ý của giới công nghệ. Dù nhiều ý kiến cho rằng ứng dụng này đe dọa “soán ngôi” các ngành nghề, ông Matt Janaway – Giám đốc Điều hành Marketing Labs – vẫn nhận định ChatGPT sẽ sớm trở thành “cánh tay phải” của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT.

Bước sang chu kỳ phát triển mới, sự kỳ vọng của người tiêu dùng vào các trải nghiệm trên sàn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển cao hơn. Đồng nghĩa, họ sẽ ngày càng mua sắm thông minh và liên tục nâng cao kỳ vọng vào các trải nghiệm mới lạ, tinh tế hơn trong các sản phẩm hay nhu cầu dịch vụ cơ bản.

Báo cáo SYNC Đông Nam Á 2022 do Meta phối hợp Bain & Company thực hiện đã chỉ ra, 53% người tiêu dùng Đông Nam Á đã thay đổi thương hiệu mua sắm.

Còn theo báo cáo Year in Search 2022 của Google về hành vi tìm kiếm tại Việt Nam, trên cả yếu tố giá cả, người tiêu dùng quan tâm về mặt giá trị và có xu hướng lựa chọn dịch vụ, sản phẩm phù hợp hệ giá trị riêng.

Theo đó, để thành công trong chu kỳ mới, doanh nghiệp TMĐT cần nỗ lực gấp bội trong hành trình thấu hiểu người tiêu dùng, đồng thời kiến tạo nhiều giá trị.

Trước đây, độ rộng của danh mục sản phẩm là chìa khóa giúp doanh nghiệp thương mại điện tử thu hút khách hàng. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nhiều đơn vị chú trọng tăng chiều rộng bằng việc liên tục giới thiệu sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền tảng và nhu cầu người dùng ngày càng tinh tế, mở rộng danh mục sản phẩm theo chiều ngang là chưa đủ. Các doanh nghiệp cần đi vào chiều sâu, đồng nghĩa việc tập trung vào chất lượng sản phẩm được kinh doanh trên nền tảng.

Việc kiện toàn cả chiều rộng và chiều sâu sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển theo hướng bền vững và tạo kết nối vững chắc với khách hàng.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Anh Dũng – Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, ở chu kỳ mới, các chương trình khuyến mại vẫn không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược giữ chân khách hàng trên sàn TMĐT.

Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp cần cân đối các yếu tố khác, tìm giải pháp tiếp cận người dùng tinh tế hơn thay vì tập trung giảm giá.

“Việc đầu tư vào công nghệ, thấu hiểu sâu sắc người dùng và cải tiến chất lượng dịch vụ, danh mục sản phẩm là những trọng tâm của chiến lược phát triển tương lai”, ông Đặng Anh Dũng khẳng định.

Theo Việt Hưng – TheLEADER