Cơ hội ứng dụng ChatGPT với ngành tài chính thế nào

Giới ngân hàng chưa thiện cảm với ChatGPT vì pháp lý và bảo mật nhưng vẫn có triển vọng dùng để tối ưu KYC, chống gian lận, theo chuyên gia.

Ra mắt tháng 11 năm ngoái, ChatGPT chỉ mất hai tháng để đạt được 100 triệu người dùng. Giữa tháng 3, phiên bản nâng cấp ChatGPT-4 được tung ra, với dữ liệu đầu vào nhiều hơn và đa phương thức hơn từ chữ viết đến hình ảnh, giọng nói, video.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thật ra không mới, nhưng theo ông Phillip L. Wright, COO HSBC Việt Nam, ChatGPT tạo sức hút lớn do nó dễ tiếp cận hơn nhờ bất kỳ ai cũng có thể dùng mà không cần là kỹ sư công nghệ.

Ngoài ra, sự xuất hiện của ChatGPT đánh dấu bước chuyển về mối quan tâm của doanh nghiệp. Trước đây, các mô hình máy học dự đoán (predictive machine learning) là trung tâm chú ý, trong khi giờ các mô hình AI tự tạo nội dung mới (generative AI) như ChatGPT lên ngôi.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc công ty Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt – đơn vị triển khai nền tảng thanh toán Payoo, nhận xét ChatGPT-4 “lợi hại” hơn do có hàng trăm nghìn tỷ tham số so với 175 tỷ tham số của phiên bản cũ. “Bộ nhớ cực lớn, hoạt động 24/7, ứng dụng này có thể hỗ trợ xử lý nhiều tác vụ hơn, sẽ tạo một cuộc cách mạng lớn hơn về hỗ trợ con người”, ông Lĩnh đánh giá.

Các generative AI như ChatGPT có thể giúp nâng cao tính năng chatbot hoặc công nghệ chống gian lận đang có của các ngân hàng. Ảnh: Pixabay
Các “generative AI” như ChatGPT có thể giúp nâng cao tính năng chatbot hoặc công nghệ chống gian lận đang có của các ngân hàng. Ảnh: Pixabay

Tuy nhiên, với ngành được coi là “bảo thủ” với những quy định chặt chẽ như ngân hàng, ứng dụng “generative AI” như ChatGPT đang ra sao?

Trên thế giới, nhiều ngân hàng lớn bao gồm Bank of America, Citigroup, Deutsche Bank, Goldman Sachs và JPMorgan đều đã cấm nhân viên sử dụng ChatGPT. Riêng Goldman thử nghiệm một nền tảng tương tự, theo CNBC.

Trong khi đó, Alantra, một ngân hàng đầu tư tầm trung tại Ireland, cho biết đang nghiên cứu ứng dụng ChatGPT để giải quyết bớt khối lượng công việc cho nhân viên trong bối cảnh cần giữ chân lao động.

“Tiềm năng của ChatGPT-4 rất đáng quan tâm. Chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu giải pháp này hay giải pháp tương tự có thể đẩy nhanh hiệu quả các công cụ hiện có hay không”, Patricia Pascual Ramsay, Giám đốc các hoạt động kinh doanh mới nói với Financial News.

Nhưng nhìn chung, các ngân hàng trên thế giới chưa thân thiện với ChatGPT. Phó giáo sư Vikram R. Bhargava tại Trường Kinh doanh, Đại học George Washington lý giải ngân hàng là ngành được quản lý rất chặt chẽ và công nghệ này còn mới với nhà băng lẫn cơ quan quản lý.

Nhà nghiên cứu Michael Schrage của Viện Công Nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết vấn đề của ngành ngân hàng là họ quan tâm về các quy định quyền riêng tư, tuân thủ quy trình bảo mật trong khi không rõ cách OpenAI (công ty sở hữu ChatGPT) đang quản lý, thu thập và phân tích dữ liệu thế nào.

Ở Việt Nam, chưa có ngân hàng nào công bố chính thức việc ứng dụng ChatGPT. Tương tự như các chuyên gia quốc tế, ông Phillip L. Wright của HSBC Việt Nam nhận định vẫn còn những băn khoăn trong giai đoạn này về tính rủi ro khi ứng dụng các thế hệ generative AI như ChatGPT.

“Tôi cho rằng những rủi ro đó sẽ dần thuyên giảm khi thị trường dần phát triển, quy định quản lý hoàn thiện hơn cũng như hiểu biết của người dân tăng lên”, ông nói.

Riêng một số công ty Fintech (công nghệ tài chính), ứng dụng này đã bắt đầu được dùng để hỗ trợ cho công việc của nhân viên. Ông Ngô Trung Lĩnh của Payoo cho hay công ty đã cấp tài khoản ChatGPT cho mỗi phòng ban để nhân viên trải nghiệm. Theo thống kê, các tác vụ được ChatGPT hỗ trợ nhiều nhất là soạn email cho khách hàng, dịch văn bản, gợi ý những ý tưởng cho các dự án nội bộ, gợi ý sắp xếp hồ sơ, phân loại tài liệu.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận ứng dụng trí tuệ nhân tạo này sẽ là xu thế tất yếu, cả trong lĩnh vực tài chính. Ông Phillip L. Wright đưa ra hai dự báo triển vọng cho việc áp dụng các công cụ như ChatGPT vào ngành này. Với ngân hàng bán lẻ, ứng dụng phổ biến nhất là dùng nó tạo dữ liệu giả lập để huấn luyện cho các thuật toán máy học trong quy trình định danh khách hàng (KYC), giúp quy trình này hiệu quả hơn. Nó cũng có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng ngôn ngữ giao tiếp cho trợ lý ảo (voicebot hoặc chatbot).

Với dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, ChatGPT có thể thúc đẩy hiệu suất nhóm tác vụ back-office (bộ phận thực hiện công việc hành chính), ví dụ như đánh giá nhanh về tình hình tài chính khách hàng theo thời gian thực. Nó cũng hỗ trợ huấn luyện các thuật toán dự báo kết quả kinh doanh trong các điều kiện kinh tế nhất định. Ngoài ra, generative AI cũng được ứng dụng để phát hiện giao dịch bất thường.

Nếu được triển khai vào ngành tài chính, Tiến sĩ Vacslav Glukhov, một nhà nghiên cứu AI tại Anh, cho rằng nó chủ yếu áp dụng cho công việc đòi hỏi phân tích các số liệu và thử nghiệm các ý tưởng đã có.

“Nếu bạn đang tạo các báo cáo dựa trên số liệu và văn bản với các lập luận thuyết phục, rất nhiều công việc có thể được tự động hóa”, ông nói. Trong khi đó, những gì không thể tự động hóa là các ý tưởng hoàn toàn mới. “Đó chỉ là một mô hình ngôn ngữ – nó không thể nghĩ ra thứ gì mới, dựa trên các kết nối mà cỗ máy chưa được huấn luyện để tạo ra”, ông giải thích.

Nhiều giám đốc tài chính (CFO) đã thận trọng và thử nghiệm AI nhưng sẽ mất một thời gian trước khi họ cảm thấy thoải mái với việc dùng ChatGPT, Alexander Bant, Trưởng bộ phận nghiên cứu về CFO tại Gartner, dự báo.

Phó giáo sư Vikram R. Bhargava cho rằng để tổ chức tài chính cởi mở hơn với ChatGPT, họ cần biết cách sử dụng công cụ này hợp pháp theo khuôn khổ chính sách quản lý của ngành. Tuy nhiên, vẫn có một số công việc mà giới dịch vụ tài chính có thể ứng dụng ngay, thiên về những phần việc nằm trong quy trình chuyên môn liên quan đến tiền bạc.

“Giả sử một nhân viên cấp thấp không viết được email rõ ràng và ngắn gọn nhất thì sử dụng ChatGPT có thể tạo điều kiện giao tiếp tốt hơn”, ông Bhargava ví dụ.

Ngoài ra, theo ông, để các công cụ AI trở thành ứng dụng thường trực trong công việc, không chỉ xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp mà còn từ tính chủ động tiếp cận công nghệ của nhân viên.

Viễn Thông – VNExpress