- 06/03/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Không nên quá lo ngại về những rủi ro đối với nền kinh tế và hãy tin tưởng hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp”.
* Nhiều khả năng Anh vẫn sẽ rời Liên minh Châu Âu vào đúng ngày 29/3 trong khi đàm phán thương mại Mỹ – Trung chỉ dừng lại ở việc Mỹ hoãn tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông, những rủi ro bên ngoài nào có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM |
– Tình hình thế giới bất ổn có thể dẫn đến những rủi ro không chỉ về kinh tế, mà còn liên quan đến tự do hàng hải hay Biển Đông. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors (S&P) dự báo đà tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn sẽ chậm lại và kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 3,6% trong năm 2019. Trong bối cảnh đó, những kết quả tốt của kinh tế năm 2018 vẫn có thể có trong năm 2019, nếu Việt Nam tranh thủ được những cơ hội mới.
Theo dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng bình quân đạt khoảng 3,88%. Nhưng quan trọng hơn là phải nhìn nhận đầy đủ cơ hội và rủi ro của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn.
* Nhưng mức độ rủi ro có thể lớn đến đâu, thưa ông?
– Như đã nói, kinh tế thế giới được đánh giá có thể tăng trưởng chậm lại do nền kinh tế đầu tàu như Trung Quốc hay Mỹ đều có thể suy giảm, thậm chí đó có thể là cơ sở để Mỹ làm chậm lại quá trình tăng lãi suất đồng USD. Nhưng không nên thổi phồng những lo ngại mà bi quan với nền kinh tế nước nhà. Cần nhìn những rủi ro kinh tế thế giới như sức ép để nhận thức đúng vấn đề, tiếp tục có những cải cách mạnh hơn nhằm bù đắp những tác động bên ngoài, nhất là tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, nhưng chưa thực sự bền vững. Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa trở lại mức tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990 – 2006. Do đó, trong năm 2019, Chính phủ nên tiếp tục tập trung vào cải thiện kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro cho khu vực kinh tế tư nhân.
* Theo ông thì trong bối cảnh đó, nền kinh tế nước ta có thể kỳ vọng vào những động lực nào?
– Tôi nghĩ, chúng ta có thể kỳ vọng vào ba động lực.
Thứ nhất, những chuyển biến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, khi Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các nước và thực thi các chính sách cải cách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển.
Thứ hai, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đồng thời tham gia đàm phán với các đối tác để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác. Hiệu lực từ các hiệp định thương mại tự do cần thời gian nhất định, song các nhà đầu tư đã nắm rõ những lợi ích mà các hiệp định này mang lại nên đã có những chuẩn bị để đón đầu cơ hội.
Thứ ba, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong 6 tháng qua đã dẫn đến những lo ngại có thể tác động đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nhìn ở góc độ khác, doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy được sự sáng tạo, khai thác được các thị trường ngách, những thị trường trước đây vốn do Trung Quốc chi phối. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thế chỗ ở một số ngành hàng, khi hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn.
Như vậy, hãy tin tưởng hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Những rủi ro bên ngoài nên được tiên liệu và nhìn nhận, từ đó Chính phủ sẽ có những chính sách ứng phó. Khi đó, doanh nghiệp sẽ yên tâm và linh hoạt hơn trong chiến lược kinh doanh.
* Cảm ơn ông!
SONG ANH