- 25/05/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Thực hành ESG ở doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng là chìa khóa thu hút dòng vốn đầu tư khổng lồ từ quốc tế.
Áp dụng ESG đang là xu thế tất yếu, nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo ước tính của Bloomberg, đến năm 2050, tổng giá trị tài sản ESG toàn cầu có thể lên đến quy mô khổng lồ, khoảng 50 nghìn tỷ USD.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế ESG. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo thuộc Hiệp hội Ngân hàng, ESG ngày càng trở thành yếu tố được cân nhắc nhiều khi đưa ra quyết định đầu tư của nhiều định chế tài chính. Việc xem xét các tiêu chuẩn ESG không chỉ hướng tới đảm bảo tính bền vững cho môi trường và xã hội mà còn là một góc nhìn rộng hơn để xem xét rủi ro và cơ hội của dự án, doanh nghiệp.
Mặt khác, ESG cũng là điểm cộng lớn để doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư nước ngoài hoặc tiếp cận tín dụng lãi suất ưu đãi. Đây là những trợ lực đáng quý trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ông Sơn cho biết, trên thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích xem xét khía cạnh ESG trong hoạt động của ngành ngân hàng, có thể kể đến như Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chỉ thị số 03 năm 2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Sổ tay hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 15 ngành kinh tế có rủi ro cao nhất đối với môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…
Những chính sách này được xem như là nền tảng ban đầu để thiết lập hệ thống khung ESG vào hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, thuận theo xu thế tất yếu của thế giới.
Theo bà Đinh Hồng Hạnh, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ tài chính, Bộ phận tư vấn ESG của PwC Đông Nam Á, tích hợp ESG vào trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ đem lại “cơ hội vàng” để ngân hàng, tổ chức tài chính đổi mới, phát triển và tạo ra sự khác biệt.
Tại hội thảo Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam, bà Hạnh chia sẻ một số kết quả nghiên cứu của PwC thể hiện sự tích cực của ngành tài chính Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện đã có 5 ngân hàng và 3 công ty chứng khoán, bảo hiểm được công nhận về tiêu chuẩn phát triển bền vững. Mặt khác, sự tham gia của ngành dịch vụ tài chính đầu tư vào rổ cổ phiếu phát triển bền vững (VNSI) cũng được nâng cao đáng kể trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, đại diện PwC cũng chỉ ra một số điểm yếu trong quá trình thực hành ESG của ngành dịch vụ tài chính. Cụ thể, theo kết quả khảo sát Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của ngành dịch vụ tài chính do PwC thực hiện, chỉ có 27% đơn vị đặt ESG vào chiến lược kinh doanh, còn có đến 47% vẫn chỉ thực hành ESG ở mức độ “tuân thủ và quản lý rủi ro”.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng chỉ số rủi ro ESG vẫn còn gặp nhiều thách thức, trong đó các vướng mắc chính là khó đưa thêm những nội dung liên quan đến ESG vào khung rủi ro đã có sẵn; chất lượng công bố thông tin về ESG của các đối tác vẫn chưa cao và chưa có các quy định rõ ràng về quản lý rủi ro theo ESG.
Để thúc đẩy việc thực hành ESG trong các tổ chức tài chính, ông Abhinav Mirsha, Giám đốc dịch vụ tư vấn quản lý rủi ro, PwC Đông Nam Á, đề nghị, Việt Nam cần chú trọng thúc đẩy thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh phát triển để mở rộng cơ hội tài trợ, đầu tư vào các dự án ESG. Đây là việc cần được triển khai sớm bởi theo đánh giá của PwC, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho tài chính xanh, trái phiếu xanh.
Ông Mirsha cho biết, thông thường, sau khi phát hành trái phiếu xanh, tương tác giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành trái phiếu được tăng lên, từ đó củng cố uy tín cũng như khẳng định cam kết bền vững của doanh nghiệp. Thu nhập từ trái phiếu xanh cũng sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, từ đó có mức lãi suất thấp hơn thông thường.
Nói cách khác, trái phiếu xanh là giải pháp hữu hiệu về nguồn vốn trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay.
Để hỗ trợ khách hàng phát hành trái phiếu xanh, chuyên gia của PwC khuyến nghị, ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tích cực xây dựng năng lực cả về đào tạo và truyền thông tới doanh nghiệp và nhà thầu về các dự án trái phiếu xanh; nâng cao trình độ quản lý dữ liệu về ESG của khách hàng, đồng thời mạnh dạn thoái vốn khỏi những dự án không thực hiện đúng tiêu chí ESG như đã cam kết.
Hoàng Đông – TheLEADER