Để quản trị doanh nghiệp Việt ngang tầm quốc tế

Việc kết hợp một cách hài hoà giữa trí tuệ Việt và kinh nghiệm toàn cầu đã giúp Deloitte Private tạo nên sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp soi chiếu và nâng cao năng lực quản trị của chính mình trên con đường trở thành doanh nghiệp được quản trị tốt nhất (Best Managed Companies), ngang tầm quốc tế.

Với hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Nga cộng với kinh nghiệm trực tiếp quản lý tại một số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, ông Phạm Đình Huỳnh, vẫn luôn nuôi trong mình mong muốn có cơ hội đồng hành cùng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, để khẳng định trí tuệ của người Việt trên trường quốc tế.

Tinh thần đó được ông Huỳnh mang theo trong lần trở lại Deloitte với vị trí Giám đốc Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân (Deloitte Private). Đây là khối dịch vụ của Deloitte Việt Nam ra mắt vào đầu năm 2021, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn được thiết kế chuyên biệt cho các doanh nghiệp tư nhân bao gồm quản lý tài sản, tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh doanh, thiết kế và quản lý văn phòng gia đình, bên cạnh các dịch vụ chuyên môn của Deloitte toàn cầu như tư vấn tài chính, tư vấn quản trị rủi ro, tư vấn thuế & pháp lý, kiểm toán và đảm bảo.

“Mục tiêu của Deloitte Private là mang các kiến thức tốt nhất mà Deloitte có được để chia sẻ với các doanh nghiệp tư nhân trên hành trình phát triển và trường tồn”, ông Huỳnh cho biết.

Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp Việt ngang tầm quốc tế
Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc Deloitte Private

Cũng với mục tiêu đó, khi ra mắt Deloitte Private, chương trình Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất (Best Managed Companies) chính thức được khởi động năm đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình cung cấp một nền tảng để lãnh đạo của các doanh nghiệp có thể tự đánh giá và đối sánh với những doanh nghiệp tư nhân tốt nhất trên thế giới.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private cho biết, sau gần 180 năm, Deloitte đã có rất nhiều kinh nghiệm phục vụ các doanh nghiệp lớn trên thế giới, trong đó có gần 90% doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty hàng đầu trên thế giới (Fortune Global 500) và hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân lớn khác.

Từ những kinh nghiệm đó, Deloitte Private đã đúc rút ra công thức thành công chung của các doanh nghiệp này, từ đó xây dựng lên bộ tiêu chí của chương trình đến nay đã triển khai tại Việt Nam được hai năm.

Theo ông Minh, các doanh nghiệp được đánh giá là doanh nghiệp được quản trị tốt nhất phải trải qua một quá trình “khám sức khoẻ” và đánh giá độc lập, nghiêm ngặt của hội đồng giám khảo là các chuyên gia kinh tế uy tín của Việt Nam về các kỹ năng và thực tiễn quản lý; trên bốn khía cạnh: chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự đổi mới, văn hóa doanh nghiệp, quản trị công ty và tài chính.

Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp Việt ngang tầm quốc tế 1
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private, Deloitte Việt Nam

Cụ thể, trụ cột về chiến lược kinh doanh sẽ đánh giá liệu doanh nghiệp có phương pháp luận để phát triển chiến lược kinh doanh thể hiện trong mối quan hệ với các bên liên quan; có đủ khả năng và các công cụ để thực thi chiến lược, và truyền đạt rõ ràng và nhất quán đến tất cả cấp trong tổ chức.

Về năng lực cạnh tranh và sự đổi mới, doanh nghiệp được quản trị tốt nhất phải biết vận dụng và phát triển được các năng lực cạnh tranh và nguồn lực giá trị; có định hướng triển khai; tập trung vào năng suất và đổi mới; và có tư duy chiến lược trong việc tuyển dụng nhân sự để thực thi chiến lược kinh doanh của mình.

Về văn hóa doanh nghiệp và cam kết, doanh nghiệp phải tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp và giá trị trường tồn; tích cực phát triển nhân viên và đội ngũ lãnh đạo; xây dựng một hệ thống phúc lợi toàn diện; tạo nên nền văn hóa hòa nhập; và thường xuyên chú trọng giải quyết các vấn đề nội bộ.

Còn về quản trị công ty và tài chính, doanh nghiệp cần biết thiết lập hệ thống quản trị công ty bền vững; sử dụng bộ chỉ số đo lường hiệu quả (KPIs) để quản lý quá trình; duy trì bảng cân đối kế toán mạnh khỏe; và áp dụng các phương pháp quản trị tài chính cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, cải thiện tỷ suất lợi nhuận hoạt động và tăng hiệu quả sử dụng tài sản.

Không chỉ dừng lại ở danh hiệu, ông Minh cho biết, các doanh nghiệp, bao gồm cả nhiều đơn vị chưa tham gia chương trình, đã lựa chọn bốn trụ cột như tấm gương soi chiếu năng lực của doanh nghiệp. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng sử dụng quy trình này để không ngừng cải thiện các chiến lược, giúp xây dựng các kế hoạch nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tăng trưởng.

“Triển khai chương trình doanh nghiệp được quản trị tốt nhất tại Việt Nam, chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp có khát khao học hỏi và mong muốn nâng cao năng lực quản trị ngang tầm quốc tế”, ông Minh cho biết.

Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp Việt ngang tầm quốc tế 2
4 trụ cột của doanh nghiệp được quản trị tốt nhất

Việc kết hợp một cách hài hoà giữa trí tuệ Việt và kinh nghiệm của quốc tế đã giúp Deloitte Private tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp các doanh nghiệp soi chiếu và nâng cao năng lực quản trị của chính mình trên con đường trở thành doanh nghiệp được quản trị tốt nhất, ngang tầm quốc tế.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là hai trong số những người được Deloitte Private mời làm thành viên hội đồng giám khảo của chương trình trong hai năm qua.

Ông Hiếu đánh giá, chương trình mang lại cách tiếp cận không phải mới, nhưng rất hiệu quả – dựa trên bằng chứng thực tế. Đấy là cách tiếp cận phù hợp với những người làm chính sách cũng như những doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh.

Làm việc ở Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI) suốt 37 năm liên tục, cũng từng là thành viên tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bà Phạm Chi Lan dành trọn sự nghiệp của mình để cống hiến cho sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam. Kể cả khi đã về hưu cách đây 20 năm, cho đến hiện tại, bà vẫn chưa bao giờ ngừng theo đuổi những nỗ lực để đóng góp và cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực quản trị để phát triển mạnh mẽ và trường tồn.

“Tất nhiên, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng có nhiều điều cần cải thiện, nhưng tôi luôn đặc biệt quan tâm đến sự ra đời và phát triển, cũng như một môi trường bình đẳng cho khu vực tư nhân tại Việt Nam”, bà Lan chia sẻ.

Bà cho rằng, việc đưa chương trình Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất vào Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp nhận thức và cố gắng xây dựng hệ thống quản trị tốt, mà còn giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt hiểu thêm các vấn đề về quản trị, từ đó đạt được những chuẩn mực quản trị tốt hơn.

Chia sẻ về kế hoạch dài hạn, ông Minh cho biết, trung thành với giá trị mà Deloitte đã đặt ra từ những ngày đầu thành lập là “Make an impact that matters – Kiến tạo những giá trị ảnh hưởng tích cực”, Deloitte sẽ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ từng doanh nghiệp cụ thể nâng cao năng lực quản trị mà xa hơn là hỗ trợ Nhà nước đưa ra các thông lệ tốt nhất (best practices) để các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân nâng cao năng lực và khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò của mình.

“Chúng tôi cũng đang đặt ra tham vọng xuất bản cuốn sách trắng (whitepaper) như một cẩm nang về quản trị được đúc kết từ kinh nghiệm của các doanh nghiệp được quản trị tốt nhất. Câu chuyện doanh nghiệp ra nước ngoài là thứ đang diễn ra và họ không thể đi một mình, họ cần đi cùng cả nền kinh tế”, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ.

Quỳnh Chi – TheLEADER