Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tìm cơ hội

Việc đầu tư ứng dụng các công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Nền sản xuất của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, công nghệ số là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp các doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng và cạnh tranh.

Là một trong những doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, Công ty cổ phần Khóa Việt – Tiệp những năm gần đây đã tạo ra nhiều bước đột phá về chất lượng sản phẩm, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm giá trị công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt – Tiệp cho biết, những năm trước đây, khóa Việt – Tiệp là thương hiệu chiếm thị phần lớn ở trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì sản phẩm đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu nội địa và cả nước ngoài. Để tiếp tục giữ vững thị trường, chỉ có một con đường là đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất và khẳng định vị thế.

Theo ông Tuấn, để phù hợp với xu hướng, bên cạnh các sản phẩm khóa truyền thống, công ty đã đầu tư phát triển hàng loạt các sản phẩm khóa điện tử thông minh; liên tục đầu tư đổi mới thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến để sản xuất các loại khóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi năm, đơn vị dành 35 đến 40 tỷ đồng để đầu tư nhập khẩu hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hiện đại. Đến nay, 80% hệ thống máy móc sản xuất của doanh nghiệp đã được tự động hóa. Nhờ đó, năng suất lao động tăng 42%, năng lực sản xuất đạt trên 23 triệu sản phẩm mỗi năm.

Hiện nay Khóa Việt – Tiệp đã trở thành doanh nghiệp sản xuất khóa lớn và hiện đại nhất Việt Nam, chuyên sản xuất các loại khóa và một số hàng kim khí tiêu dùng cao cấp. Bằng chất lượng sản phẩm, Khóa Việt – Tiệp không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước với hơn 400 đại lý và hơn 2.000 cửa hàng trên toàn quốc mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Nam Phi, Nigeria, Cuba, Lào, Dubai…

Theo ông Tuấn, công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ thiết kế, đặt hàng, nhập kho, gia công, lắp ráp, kiểm tra chất lượng đến giao hàng. Cùng với đó là tối ưu hóa sử dụng nguồn lực như máy móc, thiết bị, nguyên liệu và nhân công để tăng năng suất…

Ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex chia sẻ, bên cạnh việc đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại, thời gian qua doanh nghiệp cũng đã ứng dụng triển khai các phần mềm quản trị trong sản xuất. Đơn cử như phần mềm quản trị sản xuất sợi từ đầu năm 2021. Đến nay, qua gần 2 năm vận hành, về cơ bản hệ thống đã đạt được yêu cầu đề ra, trong đó có đảm bảo số liệu được cung cấp kịp thời, chính xác. Hanosimex xác định thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là mục tiêu cơ bản trong thời gian tới để góp phần vào vận hành và quản trị sản xuất kinh doanh nhanh, hiệu quả.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc đầu tư ứng dụng các công nghệ mới sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số. Tận dụng được những công nghệ mới này, các doanh nghiệp sản xuất sẽ mau chóng vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong thời đại số.

Theo Nguyễn Minh – thoibaonganhang