Doanh nghiệp Việt Nam liệu đã sẵn sàng chuyển đổi số?

Theo khảo sát mới đây, gần một nửa doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng một giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng, do giải pháp chưa phù hợp, hoặc hiện tại doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng.

Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 vừa chính thức được công bố với chủ đề “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Phát triển doanh nghiệp triển khai.

Báo cáo dựa trên kết quả khảo sát đối với 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng; bán buôn và bán lẻ; giáo dục và đào tạo; bất động sản… Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp và trên 80% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chỉ 12,6% là doanh nghiệp lớn.

Bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, năm 2022, những tác động sau đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số đã được nhiều doanh nghiệp nhìn nhận và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng và tăng tốc trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.

Về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, 48,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã từng sử dụng một giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc hiện tại doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được mục tiêu chuyển đổi số đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.

Bên cạnh đó, 35,3% đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu là đưa dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” để lưu trữ trên hệ thống); chỉ 2,2% doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Một số nghiệp vụ được doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số nhiều là: Quản lý xe, vận chuyển hàng hóa; kế toán; thương mại điện tử…

Về đầu tư cho chuyển đổi số, báo cáo cho biết chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ; 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Lo ngại hơn, có hơn 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.

Dù vậy, kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy những bước trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp so với năm 2021, thể hiện ở số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phụ trách Văn phòng chuyển đổi số – Cục Phát triển doanh nghiệp nhận định, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số.

Bước đầu, các doanh nghiệp đã áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh, giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng.

Tuy nhiên, theo bà Quyên, mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn khá rời rạc, nhằm đáp ứng theo nhu cầu tức thì mà chưa có kết nối giữa các giải pháp trong chuyển đổi số.

Theo Việt Hưng – TheLEADER