Đối với thủ tục kê khai thuế GTGT lĩnh vực dịch vụ viễn thông tại cấp cục thuế: 

 Tổng cục Thuế đề nghị bãi bỏ thủ tục “Kê khai GTGT đối với dịch vụ viễn thông”. Lý giải gộp vào thủ tục kế khai thuế GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp. Tại Điều 5, 6 Thông tư số 35/2011/TT-BTC quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập bảng phân bổ thuế GTGT đầu vào cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc và trụ sở chính Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2011/TT-BTC gửi cho Tổng cục Thuế, cục thuế địa phương (nơi đơn vị hạch toán phụ thuộc đăng ký thuế) và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, đồng thời gửi bảng kê hóa đơn, chứng từ hóa đơn, dịch vụ mua vào (trong đó nêu rõ giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào (chưa có thuế GTGT) và số thuế GTGT đầu vào) để đầu tư cho toàn hệ thống hạ tầng viễn thông của cơ sở kinh doanh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính trước ngày thứ 20 của tháng sau thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào; cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi đúng trụ sở chính và tại các địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc” theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 35.

Căn cứ quy định tại Khoản 4 (nơi nộp thuế), Điều 20, Điều 21 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định bãi bỏ các nội dung liên quan đến Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra… Cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không phải gửi Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, do đó việc khai thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông không còn đặc thù riêng nên bãi bỏ và gộp vào thủ tục kê khai GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp phù hợp.

Tổng cục Thuế kiến nghị: Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố bãi bỏ thủ tục này. Chi phí tuân thủ tiết kiệm được là 0 đồng/1 năm (do gộp vào thủ tục khai thuế GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp phù hợp).

Thủ tục khai khoản thu điều tiết tháng (cấp cục thuế): Bãi bỏ thủ tục “Khai khoản thu điều tiết tháng”.

Tại khoản 2, Điều 2 Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 03/9/2016 quy định: “Điều 2. Điều khoản thi hành… Kể từ ngày 01/01/2017 bãi bỏ quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty Bình Sơn nêu tại Điều 1, Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg và quy định tại quyết định này”

Tại Khoản 4, Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:

“154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn phảm quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”

Căn cứ các quy định trên, Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/03/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn và Thông tư số 177/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/3/2013 hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, sẽ hết hiệu lực một phần đối với nội dung quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty Bình Sơn.

Tổng cục Thuế kiến nghị thực thi: Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố bãi bỏ thủ tục này. Chi phí tuân thủ tiết kiệm được hơn 2,4 tỷ đồng/1 năm.

Thủ tục khai quyết toán khoản thu điều tiết năm (cấp cục thuế): Bãi bỏ thủ tục khai quyết toán khoản thu điều tiết năm.

Lý do tại Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 03/9/2016 quy định: Điều 2. Điều khoản thi hành…. 2. Kể từ ngày 01/01/2017, bãi bỏ quy định về thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty Bình Sơn nêu tại Điều 1, Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg và quy định tại quyết định này.”

Tại Khoản 4, Điều 154 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy định: “154. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”

Tổng cục Thuế kiến nghị thực thi: Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố bãi bỏ thủ tục này.

Chi phí tuân thủ tiết kiệm được 154.000 đồng/1 năm.

Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp (cấp cục thuế, chi cục thuế):  Tổng cục Thuế đề xuất bãi bỏ thủ tục hoàn thuế GTGT này.

Lý do: Thủ tục hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp quy định tại Điều 56 Thông tư số 156/2013/TT-BTC, trong đó quy định phạm vi áp dụng thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp. Thông tư số 92/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính đã được bãi bỏ theo quy định tại Khoản 1, Điều 168 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.

Việc hoàn thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, hiện đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 34/2014/TT-BTC ngày 12/9/2014 của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp. Căn cứ quy định trên, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, không còn quy định về phạm vi áp dụng từ ngày 01/11/2013.

Theo kết quả rà soát các quy định liên quan đến một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ để phù hợp với bối cảnh, tình hình mới Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính đang dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ soạn thảo thông tư bãi bỏ quy định hoàn đối với trường hợp này.

Kiến nghị thực thi: Sửa Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định liên quan đến hoàn thuế GTGT.

Chi phí tuân thủ tiết kiệm được hơn 3,5 tỷ đồng/1 năm (bao gồm chi phí tuân thủ của cấp chi cục thuế).

Thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (cấp Tổng cục Thuế):

Nội dung đơn giản hóa: Bỏ quy định nộp sơ yếu lý lịch cá nhân trong thành phần hồ sơ và bổ sung hình thức chả chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế qua dịch vụ bưu chính.

Lý do: Gộp các thông tin cần thiết về cá nhân tại sơ yếu lý lịch cá nhân, bổ sung vào đơn đăng ký cấp chứng chỉ và bổ sung hình thức trả chứng chỉ để tạo thuận lợi cho người được cấp chứng chỉ.

Kiến nghị thực thi: Sửa Điều 13, 14, 15 Thông tư số 117/2012/TT-BTC và Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 51/2017/TT-BTC.

Chi phí tuân thủ tiết kiệm: hơn 51 triệu đồng/1 năm.

Thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, trường hợp nhà máy thủy điện nằm chung trên địa bàn các tỉnh (cấp cục thuế):

Lý do: Gộp vào thủ tục khai thuế GTGT chung cho các doanh nghiệp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2017/NĐ-CP về quy chế tài chính của EVN và sửa đổi Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định các công ty thủy điện thuộc EVN, EVN-GENCO thực hiện khai thuế GTGT theo nguyên tắc khấu trừ.

Kiến nghị: Sửa Thông tư số 156/2013/TT-BTC theo hướng cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN khai thuế GTGT sử dụng mẫu TK 01/GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Bãi bỏ thủ tục khai thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, trường hợp nhà máy thủy điện nằm chung trên 01 tỉnh (cấp cục thuế). 

Lý do: Gộp vào thủ tục khai thuế GTGT chung cho các doanh nghiệp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2017/NĐ-CP về quy chế tài chính của EVN và sửa đổi Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định các công ty thủy điện thuộc EVN, EVN-GENCO thực hiện khai thuế GTGT theo nguyên tắc khấu trừ.

Kiến nghị: Sửa Thông tư số 156/2013/TT-BTC theo hướng cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN khai thuế GTGT sử dụng mẫu TK 01/GTGT áp dụng chung cho các doanh nghiệp.

Kim Liên