Động cơ chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế

Khi dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hạn chế, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ kinh tế, như mở rộng an sinh xã hội hay đầu tư công.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong kết luận sau tham vấn mới nhất về kinh tế Việt Nam nhận định rằng, trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các hỗ trợ cho nền kinh tế, nếu quá trình phục hồi chậm hơn dự kiến.

Đơn cử, chính phủ có thể mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, và xem xét hỗ trợ tiền mặt nhanh chóng cho các hộ gia đình nghèo.

Nếu tình trạng bất ổn hiện tại gây ra thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế và lĩnh vực tài chính, Việt Nam có thể xem xét hỗ trợ có mục tiêu, bao gồm cả những nhà phát triển bất động sản tái cơ cấu.

Để tối ưu chi phí, IMF khuyến nghị cần đưa ra ngân sách tạm thời, có cơ chế kiểm soát và giám sát rủi ro từ các khoản bảo lãnh hoặc các khoản nợ tiềm tàng khác.

Động cơ chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế
Theo IMF, chính phủ có thể mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, và xem xét hỗ trợ tiền mặt nhanh chóng cho các hộ gia đình nghèo. Ảnh: Hoàng Anh

Trong trung hạn, tổ chức này lưu ý, Việt Nam cần nỗ lực huy động nguồn thu để đảo ngược xu hướng giảm thuế, và tạo thêm không gian để thúc đẩy chi tiêu xã hội, giải quyết những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng.

Nguồn thu từ thuế của Việt Nam đã suy giảm đáng kể từ mức cao nhất vào cuối những năm 2000, trái ngược với xu hướng của các nước trong khu vực dù thuế suất của Việt Nam gần bằng mức trung bình.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024 sẽ giúp tăng nguồn thu từ thuế, nhưng cũng sẽ đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện môi trường đầu tư.

Việt Nam có thể nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thuế tối thiểu toàn cầu, do thường cấp các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đa quốc gia để thu hút FDI, bao gồm cả việc giảm thuế thu nhập.

Tác động của mức thuế cao hơn có thể được bù đắp bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường nguồn nhân lực.

IMF khuyến nghị, tăng cường khuôn khổ tài chính và quy trình giải ngân sẽ tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả của chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, kế hoạch của Việt Nam trong thúc đẩy thực hiện đầu tư công được đánh giá cao, nhưng cũng cần tháo gỡ các nút thắt.

Chính sách tiền tệ cần thận trọng

IMF lưu ý, rủi ro với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn gia tăng. Theo đó, chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sự ổn định tài chính – vĩ mô và thúc đẩy cải cách sâu rộng, để giải quyết những điểm dễ bị tổn thương và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và bao trùm trong trung hạn.

“Tiếp tục tăng cường năng lực là rất quan trọng để hỗ trợ các cải cách”, tổ chức này nhấn mạnh.

Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả rủi ro lạm phát, chính sách tiền tệ vẫn cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và dư địa chính sách còn hạn chế.

IMF khuyến nghị các bước đi tiến tới tỷ giá linh hoạt hơn và khuyến khích tiếp tục đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này, cùng với hiện đại hoá khuôn khổ chính sách tiền tệ.

Cùng với đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính bằng cách củng cố các đệm vốn, xóa bỏ dần các quy định cho phép gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, và xử lý nợ xấu đang gia tăng.

Việt Nam cũng cần phải cải tiến bộ công cụ của các cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn và quản lý khủng hoảng ngân hàng, thông qua tăng cường các khuôn khổ xử lý ngân hàng và cấp thanh khoản khẩn cấp.

Phương Anh – TheLEADER