Động lực để kinh tế khởi sắc vào cuối năm

Nền kinh tế được kỳ vọng đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay.

Kinh tế Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2023 “tắc nghẽn” khi GDP chỉ tăng 3,72%. Thị trường bất động sản đóng băng, tiêu dùng suy yếu, tín dụng và xuất nhập khẩu sụt giảm khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 gặp nhiều thách thức.

Mặc dù vậy, nền kinh tế được kỳ vọng đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đánh giá, có 3 động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm.

Đầu tiên là nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với mức chung của thế giới, các tín hiệu gần đây cho thấy lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên. Các doanh nghiệp FDI không phải chịu tác động từ chính sách lãi suất cao hay việc thiếu hụt thanh khoản của Việt Nam trong giai đoạn trước.

Động lực thứ hai là vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 hơn 267 nghìn tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Động lực cuối cùng, theo ông Nghĩa, đến từ cầu tiêu dùng, dù tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có sự sụt giảm nhẹ trong nửa đầu năm song giai đoạn cuối năm có nhiều tiềm năng tăng mạnh.

“Việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh hơn cùng với yếu tố mùa vụ trong dịp mua sắm cuối năm chắc chắn sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế”, ông Nghĩa nhìn nhận.

Mặt khác, ông Nghĩa cho rằng, lãi suất vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm, hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp nhất là với mặt bằng lãi suất cho vay. Kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã tiến hành giảm 4 lần lãi suất điều hành, đưa mức lãi suất quay lại thời điểm trước dịch Covid-19.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Hoàng Sơn Giám đốc Chiến lược thị trường thuộc Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) chia sẻ, mức lãi suất đã đến cực điểm khi lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay.

Điều này đã phản ánh lên thị trường chứng khoán – nơi có xu hướng đi trước nền kinh tế. Chứng khoán đã bật tăng rất mạnh thời gian qua và ông Sơn cho rằng những chuyển biến tích cực cũng sẽ sớm phản ánh lên nền kinh tế giai đoạn cuối năm nay.

“Đầu tư công sẽ là điểm nhấn quan trọng, hiện còn khoảng 20 tỷ USD cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Đây sẽ là nguồn vốn mồi quan trọng thúc đẩy cả tiêu dùng cũng như tăng trưởng tín dụng”, ông Sơn nhận định.

Dữ liệu của VPBankS ghi nhận nền kinh tế đang có sự phục hồi, đà suy giảm của PMI chậm lại, sản xuất công nghiệp có sự hồi phục. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số PMI ở mức dưới 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp nhưng đã tăng lên tiến sát đến mốc 50 điểm.

Xuất nhập khẩu cũng đang trên đà hồi phục trong ba tháng gần đây. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2023 đạt 374,6 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hoá ước tính xuất siêu 15 tỷ USD. Sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu là nguyên nhân chính khiến giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia từ VPBankS cho rằng, giá trị xuất khẩu đang có xu hướng tăng trưởng tháng sau so với tháng trước nhờ việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại.

Điểm sáng nữa là lạm phát của Việt Nam ở mức thấp, chính sách tiền tệ đang đi từ thắt chặt sang nới lỏng hơn, trở thành yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong khi Mỹ tiếp tục thắt chặt cũng gây áp lực lên tỷ giá. Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục tăng khi Fed vẫn dự kiến còn một lần tăng lãi suất nữa. Mặc dù vậy, tỷ giá có thể chỉ căng thẳng trong quý 3 và sẽ hạ nhiệt dần kể từ cuối năm 2023.

“Cho đến cuối năm tỷ giá sẽ chỉ dao động không quá 2%, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5-5,5% trong năm 2023”, ông Sơn nhận định.

Trần Anh – TheLEADER