- 11/07/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Trong bối cảnh thương mại vẫn gặp khó dù ngành dịch vụ tiếp tục giữ vững động lực, HSBC đã giảm dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam từ 5,2% xuống còn 5%, với kỳ vọng ba tháng cuối năm sẽ chứng kiến sự phục hồi đáng kể.
Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của ngân hàng HSBC, với tốc độ tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý II/2023 của Việt Nam đã vượt qua mức kỳ vọng 3,8% của thị trường.
Tuy nhiên, điều đó không thể làm lu mờ những thách thức ngày càng gia tăng.
Đơn cử, thương mại – một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam – đã dần suy yếu từ quý cuối năm ngoái. Sự suy giảm ngành sản xuất phản ánh rõ ràng những thách thức thương mại ngày càng gia tăng mà Việt Nam phải đối mặt.
Bà đánh giá mặc dù tốc độ tăng trưởng sản xuất trong quý II là một bất ngờ tích cực, yếu tố này chỉ đóng góp tối thiểu vào tăng trưởng. Cùng với đó, thương mại vẫn chưa tìm thấy lối thoát, khi chưa thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Xuất khẩu đã tiếp tục sụt giảm hai chữ số trong quý vừa qua, trong đó, đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ đã giảm tới 20% so với cùng kỳ, phản ánh tính nghiêm trọng của suy thoái thương mại.
Xuất khẩu thuỷ sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất khi kinh tế thế giới khó khăn. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản trong nửa đầu năm chỉ đạt gần 4,2 tỷ USD, thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hai mặt hàng chủ lực là xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm trước, và cá tra đạt doanh thu xuất khẩu trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo hiệp hội này, ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩutôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên.
Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ và các mặt hàng hải sản khác có tín hiệu xấu đi trước những áp lực thiếu nguyên liệu và sự kiểm soát ngày càng chặt của thị trường nhập khẩu, điển hình là thị trường EU, liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm và qui định chống khai thác IUU.
“Chúng tôi kỳ vọng những thay đổi sớm nhất trong xu hướng thương mại sẽ diễn ra vào khoảng quý IV/2023, nhưng sẽ theo hướng ổn định trước, rồi mới xuất hiện bất kỳ sự gia tăng rõ rệt nào đối với các lô hàng. Nói cách khác, Việt Nam còn phải chịu một chu kỳ suy thoái thương mại kéo dài, đặc biệt là khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi trở nên nghiêm trọng hơn vào quý III/2023”, bà Yun Liu nhận định.
Về lạm phát, vị chuyên gia cho rằng rủi ro tăng giá vẫn kéo dài, khi đà lạm phát thực phẩm đã tăng trong tháng 6, phản ánh qua giá thịt heo tăng.
Cùng với đó, tác động của El Nino cho thấy cần phải theo dõi sản xuất nông nghiệp một cách chặt chẽ, đặc biệt là với các loại lương thực thiết yếu như gạo.
Hy vọng ở quý IV
Trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, Chính phủ đã tăng cường nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế.
Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II, khi trong vòng chưa đầy ba tháng, đã cắt giảm lãi suất điều hành ba lần. Trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, thì đồng VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang “xói mòn”, bà Yun Liu lưu ý.
Bà nói thêm: “Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng. Chúng tôi cũng kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch”.
Về mặt tài khóa, Việt Nam cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ tài khóa khác nhau, với mức độ gần như tương đương với những biện pháp được ban hành trong đại dịch.
Các biện pháp bao gồm giảm 2% thuế VAT cho một số lĩnh vực đã được Quốc hội thông qua gần đây, hoãn nộp thuế đối với các loại thuế khác nhau trong 3-6 tháng, cũng như cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế liên quan đến thiếu hụt nguồn thu và thực thi.
Kiều Mai – TheLEADER