Mặc dù nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có kế hoạch và cam kết ESG, các doanh nghiệp vẫn cần thêm các chiến lược hành động cụ thể để tạo ra kết quả hữu hình, thay vì chỉ dừng lại ở “ý định tốt”, theo PwC.

Kết quả khảo sát của PwC cho thấy có tới gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG ( bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong 2 – 4 năm tới, trong đó, có tới gần 45% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG.

Tuy vậy, hiện trạng lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt lại không mấy tích cực.

Dữ liệu cho thấy gần 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có lãnh đạo ESG trong tổ chức, gần 1/3 cho biết hội đồng quản trị không tham gia vào các vấn đề ESG.

Không chỉ vậy, hơn 40% cho biết chương trình ESG được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải trách nhiệm duy nhất của họ, theo báo cáo của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

ESG – Đã đến lúc tư nhân phải biến ý định thành hành động

PwC khuyến nghị chủ doanh nghiệp cần tiên phong dẫn dắt các sáng kiến ESG, và trở thành hình mẫu lãnh đạo trong việc xây dựng doanh nghiệp bền vững và trách nhiệm.

Lợi nhuận và mục đích thực hành ESG đi song hành với nhau, do đó, đây là cơ hội đặc biệt để doanh nghiệp tạo nên các tác động tích cực vượt trội so với việc thực hiện những hoạt động từ thiện truyền thống.

Việc thực hành ESG có thể giúp các doanh nghiệp đạt được thành công lâu dài, giảm thiểu rủi ro, phát triển danh tiếng và thúc đẩy đổi mới hiệu quả, và từ đó, tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Động lực để tư nhân thực hành ESG

PwC trong báo cáo cho biết, hai động lực lớn nhất thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành ESG đến từ mục tiêu cải thiện hình ảnh thương hiệu và uy tín (78% lựa chọn), và duy trì cạnh tranh trên thị trường (63% lựa chọn).

Áp lực từ nhà đầu tư và cổ đông (40%), mục tiêu thu hút và giữ chân nhân tài (37%) cũng là yếu tố thôi thúc doanh nghiệp thực hành ESG.

So với các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp tư nhân linh hoạt hơn trong việc báo cáo về tác động và hiệu quả thực hành ESG của mình.

Như vậy, thay vì tập trung vào việc tuân thủ quy định, các doanh nghiệp tư nhân có thể tập trung tìm hiểu các tác động của doanh nghiệp đến các bên liên quan, xác định các rủi ro và cơ hội tăng trưởng từ các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

ESG – Đã đến lúc tư nhân phải biến ý định thành hành động 1

Các doanh nghiệp tư nhân có thể làm chủ câu chuyện ESG của mình thông qua mục đích và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể tạo sự đồng thuận một cách tự nhiên với các bên liên quan thông qua việc tập trung vào các giá trị lâu dài, tài sản bền vững với mục tiêu tạo dựng di sản doanh nghiệp.

PwC nhấn mạnh thực hành ESG là một quyết định mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, bởi sự tập trung chú ý vào ESG sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị.

Hơn nữa, việc đưa ESG vào hoạt động thực tiễn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn, từ đó, cũng khuyến khích sự đổi mới và hiệu quả vận hành.

Làm gì để nắm bắt cơ hội?

Khi hỏi về những yếu tố ngăn cản doanh nghiệp tư nhân cam kết ESG, 60% đề cập đến việc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, việc nâng cao kỹ năng vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các công ty, khi báo cáo cho thấy hơn một nửa vẫn chưa quan tâm đến việc đào tạo về ESG.

Theo PwC, việc nâng cao năng lực sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ESG của tổ chức thông qua truyền đạt, hành động, và kỹ năng đa ngành.

Cụ thể, việc truyền đạt trong nội bộ các mục tiêu ESG một cách minh bạch sẽ giúp xây dựng một văn hóa tạo sự tin tưởng trong tổ chức, thúc đẩy sự ủng hộ của nhân viên đối với kết quả ESG và mục tiêu của công ty.

Cùng với đó, việc nâng cao năng lực nhân viên theo định hướng mục tiêu doanh nghiệp sẽ tạo động lực để họ hành động, hợp tác và thúc đẩy tiến bộ, đổi mới.

Không chỉ vậy, việc nâng cao năng lực ESG sẽ mang lại cho nhân viên cơ hội phát triển cả về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, sáng tạo và giải quyết vấn đề.

Những kỹ năng này có thể giúp nhân viên đương đầu với sự phức tạp của các vấn đề ESG, tham gia vào các cuộc đối thoại chuyên sâu và đóng góp vào các mục tiêu ESG của tổ chức.

Theo Phương Anh – TheLEADER