- 10/02/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Theo Statista, Việt Nam hiện có hơn 260 công ty khởi nghiệp fintech đang cung cấp nhiều loại dịch vụ với đối tượng khách hàng đa dạng. Mặc dù tăng trưởng nhanh cả về tốc độ và quy mô, thị trường khởi nghiệp fintech của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển và thu hút nhà đầu tư.
Là quốc gia phát triển nhanh nhất về fintech trong khu vực
Năm 2021, trong số 6 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường dịch vụ tài chính số (DFS) khiêm tốn nhất với chỉ 1 tỷ USD, chiếm 6% quy mô thị trường khu vực.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 – 2025, thị trường DFS của Việt Nam dự kiến sẽ đạt quy mô 3,8 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 38%, vượt qua tốc độ của Singapore và trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng dịch vụ tài chính số nhanh nhất khu vực.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của dịch vụ tài chính kỹ thuật số của Việt Nam được dự đoán ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Về giá trị thương vụ, theo ghi nhận của Statista, tổng lượng tiền đầu tư vào dịch vụ tài chính số của Việt Nam năm 2022 ước tính đạt 22,6 tỷ USD, ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 23,4% trong giai đoạn 2020 – 2024. Dự báo, trong tương lai, tổng giá trị các thương vụ đầu tư trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.
Dù chín muồi nhưng vẫn còn dư địa để phát triển
Sự thay đổi nhanh chóng về thói quen thanh toán và quản lý tài sản của người dân cùng với sự phát triển như vũ bão của thị trường thương mại điện tử đã mang lại tiềm năng lớn đối với những công ty khởi nghiệp ngành fintech tại Việt Nam.
Theo Statista, Việt Nam hiện có hơn 260 công ty khởi nghiệp fintech đang cung cấp nhiều loại dịch vụ với đối tượng khách hàng đa dạng. Mặc dù tăng trưởng nhanh cả về tốc độ và quy mô, thị trường khởi nghiệp fintech của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển và thu hút nhà đầu tư. Lí do của chính của hiện tượng này đó là nhiều lĩnh vực đáng chú ý trong thị trường này vẫn cần được nhanh chóng lấp đầy.
Giá trị thương vụ đầu tư thấp tạo điều kiện thích ứng nhanh
Bối cảnh giãn cách, cách li xã hội trong thời kỳ COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam diễn ra nhanh hơn. Trong 3 năm liên tiếp từ 2020 – 2022, số lượng thương vụ đầu tư vào công nghệ tài chính của Việt Nam liên tục tăng, từ 8 lên 14 thương vụ (chiếm 6% số thương vụ fintech ở Đông Nam Á).
Trong năm vừa qua, giá trị cấp vốn của các thương vụ fintech được công bố tại Việt Nam đạt 137,9 triệu USD, chiếm 2,3% giá trị các thương vụ trong khu vực.
Có thể thấy, tuy số lượng thương vụ tăng lên, giá trị thương vụ năm 2022 lại thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh của năm 2021 (562,2 triệu USD) và 2019 (426,2 triệu USD), nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với năm 2020 (0,98 triệu USD).
Sự chậm lại trong nguồn vốn đầu tư trong thời gian gần đây cho thấy vấn đề tài chính mà các công ty khởi nghiệp fintech đang phải đối mặt trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Khi đối mặt với sự thay đổi, các nhà đầu tư sẽ tập trung hơn vào vấn đề lợi nhuận và thận trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư.
Mặt khác, việc giảm giá trị các thương vụ vào năm 2022 có thể sẽ không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực, bởi vì với lượng đầu tư thấp hơn, các doanh nghiệp sẽ phải kiện toàn bộ máy và hành động hiệu quả hơn, chú trọng hơn nữa vào lợi nhuận, với mục tiêu đạt được sự phát triển bền vững.
Động lực tăng trưởng chính
Là một đất nước có tỷ lệ sử dụng Internet cao, số lượng người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn tương đối thấp, việc áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng, các công ty khởi nghiệp fintech tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.
Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư rót vốn, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế fintech phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, người dân hình thành thói quen không dùng tiền mặt
Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 70%.Thêm vào đó, thay vì tiền mặt, ví điện tử và mã QR đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến đối với nhiều người Việt Nam hiện nay.
Theo Statista, vào năm 2023, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam được dự báo sẽ cao thứ 4 Đông Nam Á, vượt qua Singapore và Malaysia. Ngoài ra, Việt Nam gần đây cũng đã đánh bại các quốc gia phát triển khác, bao gồm Vương quốc Anh, Đức và Hoa Kỳ, về tỷ lệ thanh toán qua máy POS di động nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh trong công chúng.
Nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng
Trong số 6 thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước có tỷ lệ khách hàng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng cao nhất. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn đối với các công ty khởi nghiệp fintech trong nước.
Các ngân hàng truyền thống luôn là một lựa chọn tốn kém và bất tiện đối với đại bộ phận dân số chưa bao giờ sử dụng và tiếp cận với các dịch vụ này. Vì vậy, những phân khúc fintech hiện tại như thanh toán kỹ thuật số và tài chính vi mô (các dịch vụ tài chính dành cho cá nhân hoặc nhóm người có thu nhập thấp, thất nghiệp) tạo điều kiện cho các khách hàng dễ dàng sử dụng các dịch vụ tài chính.
Thêm vào đó, chính phủ Việt Nam cũng đang quan tâm thúc đẩy sự tham gia tài chính của những người chưa sử dụng ngân hàng, nhằm tăng cường tỷ lệ người tham gia vào nền kinh tế chính thức. Điều này cũng góp phần giúp cho thị trường fintech trở nên tiềm năng hơn.
Theo Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2022 của quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans
TheLEADER