Giải mã tăng trưởng ngành logistics qua các chỉ số kinh tế

10 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 600 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 8%, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự tăng trưởng trở lại của các chỉ số kinh tế và sự hỗ trợ của Chính phủ đã tạo động lực cho toàn ngành vận tải, trong đó có thị trường logistics phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Các chỉ số kinh tế khả quan

Ngành logistics đã phục hồi mạnh mẽ sau những ngày khó khăn của đại dịch Covid-19 và dần hoạt động trở lại bình thường. Nhìn chung, các doanh nghiệp logistics trên thị trường đang quay lại đà phát triển, với tốc độ tăng trưởng dao động từ 12-15%, tùy ngành nghề kinh doanh.

Với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt xấp xỉ 23% trong giai đoạn 2020-2022 và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai, Nextrans dự đoán vào năm 2030, quy mô thị trường dịch vụ logistics tại Việt Nam sẽ ước đạt khoảng 73,6 tỷ USD.

Giải mã tăng trưởng ngành logistics qua các chỉ số kinh tế
Quy mô thị trường logistics Việt Nam 2018 – 2022 (Nguồn: Nextrans)

Tại Việt Nam, tổng chi phí logistics chiếm khoảng 20% GDP và chi phí vận chuyển chiếm từ 30-40% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ chiếm 9-15%. Chênh lệch lớn về chi phí này cho thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thị trường logistics.

Trong 5 năm qua, tổng số vốn các doanh nghiệp khởi nghiệp huy động được đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 102%. Trong đó, vào năm 2022, số vốn tài trợ của các doanh nghiệp này đạt 75,4 triệu USD. Dự báo lạc quan cho toàn thị trường cũng được thể hiện qua sự tăng trưởng của giá trị giao dịch trung bình.

Giải mã tăng trưởng ngành logistics qua các chỉ số kinh tế 1
Tổng giá trị đầu tư vào thị trường logistics giai đoạn 2018 – 2022 (Nguồn: Nextrans)

Động lực tăng trưởng chính

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng

Theo Fitch Solution, trong vòng 10 năm tới, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,0%/năm cho đến năm 2031. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo ra những lợi ích thiết thực, trong đó EVFTA là một ví dụ điển hình.

Định vị mình là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam đã và đang tập trung giám sát, cải thiện năng suất và cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Với vị trí địa lý của mình, cũng như những dấu ấn trong chuỗi cung ứng khu vực, Việt Nam đang được hưởng những lợi ích nhất định từ các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thương mại quốc tế bùng nổ thúc đẩy dịch vụ chuyển phát nhanh

Động lực chính của việc mở rộng ngoại thương trong nước là sự tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới cùng với tốc độ toàn cầu hóa ngày càng nhanh. Nhiều người tiêu dùng thích mua các mặt hàng từ các trang web nước ngoài do thiếu sản phẩm ở thị trường nội địa, hay những điều kiện về khả năng chi trả và chất lượng tốt hơn.

Do đó, khối lượng bưu kiện quốc tế nhập khẩu tăng lên khiến cho các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới tăng lên, thúc đẩy dịch vụ giao hàng nhanh trên toàn quốc phát triển

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2022, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trên GDP đã vượt mức 200%. Sự phát triển về quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam chính là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của các dịch vụ thương mại quốc tế và dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước.

Nhiều nhu cầu trên thị trường chưa được đáp ứng

Theo đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp của Nextrans, mặc dù tình trạng thiếu tài xế có thể vẫn tiếp diễn, nhưng công suất ngành logistic sẽ phục hồi về mức trước đại dịch; đồng thời, chi phí hàng không và đường biển sẽ giảm. Thương mại điện tử cũng có thể sẽ phát triển chậm hơn. Những điều này có thể sẽ có tác động không nhỏ đến số lượng thương vụ và giá trị đầu tư.

Tuy vậy, sự thiếu hiệu quả trong lĩnh vực logistic hiện tại có thể sẽ mang lại cho các công ty khởi nghiệp một điểm khởi đầu mới. Đầu tiên, ngành logistics đang đòi hỏi những công nghệ tự động hóa với năng lực và hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó, không đi ra ngoài xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp logistics cũng cần chú trọng nhiều hơn vào hoạt động khử carbon, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cuối cùng, các công ty khởi nghiệp cũng sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những đổi mới về những thủ tục pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp giao hàng chặng cuối, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi và quản lý vận tải chung.

Theo Hoàng An – TheLEADER