- 09/09/2024
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
VIS Rating trong báo cáo mới nhất đánh giá rủi ro quản trị và rủi ro thanh khoản là hai rủi ro chính cho ngành ngân hàng.
Rủi ro quản trị và rủi ro thanh khoản
Theo VIS Rating, những sự kiện diễn ra đã gần đây cho thấy rủi ro quản trị phát sinh khi các cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng và trong các tập đoàn liên quan, từ đó có thể chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân.
Những mối liên kết chặt chẽ này gây ra rủi ro hoạt động và khiến ngân hàng dễ bị tổn thương hơn khi các tập đoàn lớn gặp vấn đề, tác động tới tâm lý thị trường cũng như thanh khoản toàn hệ thống.
Tiêu biểu là trường hợp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mối quan hệ chặt chẽ với tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Rủi ro phát sinh khi lãnh đạo nhà băng này bị bắt do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sự kiện đã tác động mạnh tới tâm lý người gửi tiền, qua đó đẩy ngân hàng nhanh chóng rơi vào tình trạng căng thẳng thanh khoản.
Các cuộc điều tra sau đó đối với SCB đã chỉ ra rằng, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã kiểm soát hơn 90% vốn cổ phần của ngân hàng và chiếm dụng vốn của ngân hàng thông qua các giao dịch cho vay với tổng giá trị giải ngân lên tới 1 triệu tỷ đồng cho các công ty liên quan trong suốt 10 năm. Phần lớn các khoản cho vay được đánh giá là khó có thể thu hồi.
Trước đó, vào năm 2015, các sự cố tại Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Toàn cầu (GP Bank) cũng diễn ra tương tự. Hoạt động của ngân hàng bị chi phối bởi một số ít cổ đông, và các ngân hàng tăng mạnh tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản và các dự án liên quan tới các cổ đông này.
Do sự suy giảm năng lực tài chính của các doanh nghiệp liên quan và dự án, các nhà băng đã phải gánh chịu nợ xấu tăng mạnh và thua lỗ kéo dài, cuối cùng dẫn tới việc mất khả năng thanh toán.
Nhìn chung, các ngân hàng tại Việt Nam dễ gặp rủi ro thanh khoản hơn so với các ngân hàng trong khu vực. Các ngân hàng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường từ kênh liên ngân hàng, nguồn vốn có xu hướng không ổn định và nhạy cảm với thông tin.
Theo thống kê của VIS Rating, các ngân hàng tại Việt Nam cũng có bộ đệm tài sản thanh khoản cao hạn chế, chỉ đạt 27% trên tổng tài sản để đáp ứng nghĩa vụ về nguồn vốn thị trường đến hạn. Con số này thấp hơn so với mức trung bình 31% của các ngân hàng trong khu vực.
Ngân hàng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro thanh khoản. Ảnh: VIS Rating.
Bộ đệm từ chính sách
Bên cạnh việc chỉ ra hai rủi ro chính của ngành ngân hàng là rủi ro quản trị và rủi ro thanh khoản, VIS Rating cũng cho biết kỳ vọng của mình về bộ đệm chính sách khi nhấn mạnh đặc thù của ngành ngân hàng. Kỳ vọng này được VIS Rating “cộng” vào xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng mà hãng đánh giá.
VIS Rating cho rằng, hỗ trợ từ Chính phủ là một yếu tố đặc thù dành cho các ngân hàng khi so sánh với xếp hạng của các tổ chức phi ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân khác, do tầm quan trọng của các ngân hàng đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như những ảnh hưởng tới thị trường tài chính và nền kinh tế khi một ngân hàng gặp vấn đề.
“Luật Các Tổ Chức Tín Dụng mới củng cố thêm kỳ vọng của chúng tôi về sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng”, VIS Rating cho biết. Ví dụ, các hướng dẫn mới bao gồm việc thêm các tiêu chí cụ thể liên quan đến khả năng thanh toán và tình hình thanh khoản của ngân hàng, chẳng hạn như bị rút tiền hàng loạt, sẽ được xem xét nhận sự can thiệp sớm từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thêm vào đó, các hướng dẫn cũng làm rõ hơn quyền hạn của NHNN trong việc xử lý các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt.
Được biết, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi và bổ sung, có hiệu lực từ 1/7/2024, đã quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn của một tổ chức tín dụng. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.”
Giới chuyên môn nhận định quy định này, trong ngắn hạn, sẽ phần nào ảnh hưởng nhiều đến việc cơ cấu tổ chức, quản trị nội bộ của các tổ chức tín dụng.
Tuy vậy, trong trung và dài hạn, quy định này sẽ góp phần giải quyết hạn chế việc sở hữu chéo, thao túng trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Nhờ đó quyền lực của các cổ đông lớn sẽ giảm bớt, các tổ chức tín dụng sẽ từng bước nâng cao nền tảng quản trị bền chắc hơn và giúp hạn chế hành vi lũng đoạn thị trường tài chính, đặc biệt là quyền huy động vốn và cấp tín dụng – mảng trụ cột và gần như “độc quyền” của các ngân hàng thương mại.
Sau khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, các ngân hàng đã đồng loạt công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Nhờ đó, các doanh nghiệp là cổ đông lớn sở hữu từ 10% cổ phần tại ngân hàng cũng minh bạch và rõ ràng hơn.
Dũng Phạm – TheLEADER