Hệ sinh thái số: Doanh nghiệp trong nước phải là nòng cốt

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, sau 21 năm phát triển, internet Việt Nam tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu mới. Đó là phải xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ nền tảng số do chính người Việt phát triển và làm chủ.

 

Phát biểu tại sự kiện Internet Day 2018, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định sự bùng nổ của công nghệ và internet đã mang đến các mô hình kinh doanh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ nước ngoài và mở rộng hoạt động xuyên biên giới.

“Tuy nhiên, chúng ta còn lúng túng về “luật chơi” để giải quyết được sự xung đột giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ (xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ là một ví dụ). Mặc dù các cơ quan quản lý nỗ lực điều chỉnh nhưng cần thừa nhận thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách đã không theo kịp”, Thứ trưởng Hưng nói.

Với quy mô dân số hơn 95 triệu người và 60% sử dụng internet, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về quy mô dân số và thứ 16 về số lượng người sử dụng internet. Những người Việt dành thời gian đáng kể cho các hoạt động trên mạng, trung bình gần 7 tiếng/ngày, đang đặt ra yêu cầu mới là làm thế nào phát triển hệ sinh thái số phục vụ nhu cầu này. Đây phải là hướng đi lâu dài và cần thiết để tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam.

 

Theo ông Hưng, sẽ có nhiều yếu tố buộc các loại hình dịch vụ phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Nhưng cần chú trọng hai yếu tố đóng vai trò chính trong sự thay đổi là trí tuệ nhân tạo (AI) và tính riêng tư (privacy). Khi DN buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm thu hút khách hàng, thì càng đòi hỏi privacy vì có liên quan đến con người và xã hội cũng như chính sách. “Các DN nội địa muốn tồn tại, phát triển, chiếm lĩnh thị trường và vươn ra bên ngoài không thể không quan tâm đến hai yếu tố này”, ông khuyến cáo.

 

Hệ sinh thái số: Doanh nghiệp trong nước phải là nòng cốt

 

Ông Vũ Minh Trí – Phó tổng giám đốc VNG cho rằng cần một chính sách tốt để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân cho người dùng, nếu hệ sinh thái số không đảm bảo tính riêng tư thì cộng đồng e ngại tham gia, nguồn dữ liệu vì vậy không được tải lên và sẽ thất bại. “Khi không có quy định cụ thể, rõ ràng thì dễ dàng vi phạm, như hiện nay việc bán dữ liệu người dùng khá phổ biến, mỗi ngày một người nhận cả chục cuộc gọi mời chào mua bất động sản, bảo hiểm… là vi phạm privacy”, ông Trí nói.

Theo ông Trí, một hệ sinh thái số cần có ba công nghệ lớn mà các DN tập trung, đó là dữ liệu lớn (big data) làm sao để lưu, quản lý và bảo mật dữ liệu; công nghệ máy học (machine learning); hay phân tích dữ liệu (data analytics) để có thể khai thác được nguồn tài nguyên dữ liệu. “Trong xu thế đó, chính sách nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, kết nối dữ liệu và giúp khai thác, phát triển đúng hướng, có khung pháp lý rõ ràng nói về khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu. Đây vẫn đang là thử thách lớn nhất của hệ sinh thái số”, ông Trí nói.

Dự báo đến năm 2020 có hơn 50 tỷ thiết bị IoT (internet vạn vật) kết nối và trung bình mỗi người trên thế giới sở hữu 6 thiết bị IoT, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Xu thế mới của hội tụ số là tất cả công nghệ mới ra đời sẽ định nghĩa lại cách kết nối đồ vật nhằm tạo nên một lượng dữ liệu khổng lồ để chọn lọc, khai thác và phát triển. Ông Trí nhận định nếu chỉ giới hạn hệ sinh thái số trong phạm vi mạng xã hội thì sẽ thiếu chú tâm vào xu thế vạn vật kết nối thông minh (smart things).

Thứ trưởng Hưng cho rằng để xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, DN trong nước cần đóng vai trò nòng cốt với các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội. Các DN lớn dẫn dắt thị trường, tạo nền tảng cho các DN nhỏ và DN khởi nghiệp sáng tạo cùng phát triển.

“Hệ sinh thái số Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi DN Việt cũng như hoạt động theo quy luật cung – cầu của thị trường. Các DN mạnh dạn đầu tư và kiên trì phát triển sản phẩm đủ sức cạnh tranh, Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi để hệ sinh thái số phát triển”, Thứ trưởng Hưng khẳng định.

HOÀNG DUY