HR – bộ phận thúc đẩy chỉ số đổi mới, sáng tạo

Ngoài giỏi hành chính, thạo chăm sóc sức khỏe – tinh thần nhân viên, bộ phận HR (quản trị nhân sự) còn thúc đẩy năng lực đổi mới, sáng tạo.

Năm 2011, khi mở chi nhánh mới tại Australia và cần tìm lượng lớn nhân viên, thay vì đăng tin tuyển dụng theo cách truyền thống, công ty nội thất Ikea đã lồng chi tiết “Career Instructions” (hướng dẫn nghề nghiệp) vào bảng hướng dẫn lắp ghép trong mỗi sản phẩm bán ra.

Theo chuyên trang Trendhunter, cách tuyển dụng độc đáo này giúp họ thu hút hơn 4.285 ứng viên, dễ dàng lấp đầy 280 vị trí cần tuyển mà không tốn bất kỳ chi phí quảng cáo nào. Nhân sự mới đa phần là “fan” Ikea hoặc luôn quan tâm, ấn tượng tốt với thương hiệu.

Chiến dịch tuyển dụng của Ikea là ví dụ điển hình cho thấy HR (Human Resources – quản trị nhân sự) mang đến “làn gió đổi mới”. Bắt đầu từ điểm chạm tuyển dụng, đơn vị này vừa tìm được nhân sự phù hợp, vừa truyền văn hóa sáng tạo của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Ikea đã thành công thu hút rất nhiều ứng viên nhờ cách tuyển dụng phi truyền thống: lồng tin tuyển dụng vào trong hướng dẫn lắp ráp sản phẩm nội thất của thương hiệu.
Ikea thu hút nhiều ứng viên nhờ cách tuyển dụng phi truyền thống: lồng tin tuyển dụng vào tờ hướng dẫn lắp ráp sản phẩm nội thất. Ảnh: Ikea

Các chuyên gia cho rằng đơn vị, tổ chức nên kiến tạo môi trường cởi mở, thúc đẩy giao tiếp, làm việc nhóm và thường xuyên tổ chức hoạt động cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm ở nhân viên… góp phần biến đổi mới thành nét đặc trưng (hoặc DNA) trong doanh nghiệp.

Nhằm khuyến khích nhân viên liên tục sáng tạo, bộ phận nhân sự tại Electrolux ra mắt OnE – không gian ảo, nơi nhân viên có thể gửi ý tưởng thiết kế mới hoặc tham gia thử thách sáng tạo bất kỳ lúc nào. Ý tưởng hay nhất sẽ được khen thưởng, hỗ trợ chuyển đổi thành dự án thật.

Ông Jack Nguyễn – Phó tổng giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet – nhận định: “Trên thực tế ở bất kỳ doanh nghiệp nào, HR là bộ phận duy nhất phụ trách con người và văn hóa – yếu tố chi phối năng lực đổi mới, sáng tạo của tổ chức.

Theo ông Jack, dám dấn thân, nghĩ khác để thử nghiệm ý tưởng mới là cách HR tạo nên những điều kỳ diệu. “Nỗ lực này không chỉ giúp họ đem đến sự đổi mới cho tổ chức, mà còn xây dựng tinh thần đổi mới chính mình.

Claude Silver – thuộc công ty truyền thông sáng tạo VaynerMedia – là ví dụ cho sự thay đổi này. Từ vị trí HR, nhờ liên tục có sáng kiến mới giúp nhân viên hạnh phúc hơn, cô được lãnh đạo tin tưởng trao vai trò đặc biệt – Chief Heart Officer (Giám đốc hạnh phúc).

KPI dành cho Claude Silver là mức độ hạnh phúc của nhân viên. Cô đang từng ngày giúp VaynerMedia trở thành môi trường làm việc trong mơ của nhiều chuyên viên truyền thông toàn cầu.

Hành trình bứt phá của Claude Silver là động lực cho tất cả HR đang ấp ủ mong muốn thay đổi, làm mới bản thân. Không cần tự bó mình trong bản mô tả công việc, HR có thể tận dụng điểm mạnh cá nhân và ý tưởng mới làm những điều mình giỏi, yêu thích, mà vẫn đem lại giá trị cho tổ chức.

Theo ông Jack Nguyễn: “Biết đâu sau ‘Giám đốc Hạnh phúc’, HR toàn cầu sẽ còn chào đón thêm những ‘Trưởng phòng tuyển dụng sáng tạo’ hay ‘Chủ tịch quyền lợi’. Không có bất kỳ giới hạn nào cho điều HR có thể làm, chỉ cần họ luôn ươm trong mình tinh thần đổi mới”.

Duy trì góc nhìn linh hoạt, liên tục cập nhật sáng kiến thúc đẩy đổi mới sẽ giúp HR làm mới bản thân mỗi ngày. Những sáng kiến này có thể tìm thấy thông qua kết nối với bộ phận nhân sự các công ty giàu sức sáng tạo, hoặc tận dụng khóa học nhân sự uy tín, hội thảo quốc tế.

“Khi thay đổi chính bản thân, HR sẽ đem đến giá trị cộng hưởng cho tập thể, góp phần đưa đổi mới trở thành năng lực cốt lõi của doanh nghiệp”, ông Jack Nguyễn nói thêm.

Vạn Phát – VNExpress