Kinh tế đối mặt với khó khăn ‘kép’

Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với ‘tác động kép’ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao và những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kinh tế đối mặt với khó khăn ‘kép’
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc ngày 2/10 và dự kiến kéo dài đến ngày 8/10.

Trong số các vấn đề được bàn và cho ý kiến tại hội nghị lần này có tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024 – 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; tổng kết 10 năm thực hiện các nghị quyết về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 và xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024 cần đặt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, chưa từng có tiền lệ. Khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và dự báo.

Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế, xã hội.

Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với ‘tác động kép’ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao và những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

Tổng bí thư yêu cầu cần chú ý đến những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh. Bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc.

Từ đó xác định rõ ràng, đúng đắn quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản quan trọng, nhiệm vụ, giải pháp những tháng còn lại năm nay và năm sau.

Tổng bí thư cũng đề nghị Trung ương thảo luận về sự cần thiết, đúng đắn của thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024.

Về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Tổng bí thư nhấn mạnh trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Thế giới ngày nay đứng trước nhiều thời cơ và thách thức dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí tuệ nhân tạo và một số thành tựu công nghệ mới có khả năng thay thế con người, tạo ra khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ.

Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ vai trò và đóng góp của trí thức – nguyên khí quốc gia, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về chính sách xã hội trong 10 năm qua, Tổng bí thư cho biết đất nước đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên mọi miền đất nước được nâng lên.

Việt Nam đi đầu trong giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính sách xã hội được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ, mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân; thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm.

Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh, trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Quy mô, năng lực, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội được Nhà nước ưu tiên đầu tư, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia của toàn xã hội…

Nhật Hạ – TheLEADER