- 02/03/2023
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Ngân hàng Nhà nước tăng hút ròng trên thị trường mở khiến lãi suất liên ngân hàng bằng tiền đồng lên cao hơn lãi suất USD.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong tuần trước đã đảo chiều tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, theo thống kê của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research). Riêng lãi suất qua đêm chốt tuần ở ngưỡng 6%, tăng 1,4%. Chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD duy trì ở trạng thái dương.
Diễn biến này xuất phát từ xu hướng hút ròng của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây. Tuần trước, cơ quan quản lý tiếp tục hút ròng qua kênh hoạt động thị trường mở (OMO). Cụ thể, 140.550 tỷ đồng được phát hành trên kênh tín phiếu, ở kỳ hạn 7 và 91 ngày. Kết tuần, cơ quan quản lý hút ròng 43.700 tỷ đồng, tăng so với tuần trước đó.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên 31.700 tỷ, trong khi khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu là 160.550 tỷ đồng.
“Ngân hàng Nhà nước đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn chuẩn bị cho cuộc họp Fed vào tháng 3 tới đây”, Nhóm phân tích SSI Research bình luận.
Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất vay vốn của các nhà băng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) khi các nhà băng thiếu lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước (mỗi ngân hàng đều phải duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc theo quy định). Mức lãi suất này duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống ở trạng thái khá hạn chế, điều này có thể gây áp lực lên lãi suất huy động và cho vay tại thị trường dân cư (thị trường 1).
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay niêm yết tại nhiều ngân hàng điều chỉnh nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế, theo nhóm phân tích.
Ở chiều huy động, lãi suất niêm yết cao nhất cho khách hàng cá nhân tại các nhà băng là 9,5% trên năm (giảm 0,5-1% so với cao điểm cuối năm 2022) và 7,4% trên năm với nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, lãi suất niêm yết dành cho khối khách hàng tổ chức chưa có nhiều sự thay đổi, từ 6,5-8,5% ở kỳ hạn 12 tháng.
Một số chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho vay (giảm từ 1-2%) từ các ngân hàng thương mại được công bố, tuy nhiên, điều này mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ, với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số nhóm ngành cụ thể.
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang trong khoảng 10-10,5% cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12% cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%.
Theo Minh Sơn – VNExpress