- 09/04/2024
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Một loạt doanh nghiệp đã công bố thay đổi lợi nhuận sau kiểm toán báo cáo tài chính 2023. Theo đó, cả Novaland, Lộc Trời, Xây dựng Hòa Bình, Gỗ Trường Thành, Đầu tư LDG, Năm Bảy Bảy, … đều bị điều chỉnh giảm lãi sau kiểm toán.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đã được phần lớn các doanh nghiệp niêm yết công bố. Trong đó không ít trường hợp đã bị kiểm toán điều chỉnh doanh thu và chi phí dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh so với số liệu công ty tự lập trước đó.
Ở lĩnh vực bất động sản, đáng chú ý, Tập đoàn Novaland ghi nhận lãi ròng năm 2023 giảm gần 200 tỷ đồng sau khi báo cáo được PwC kiểm toán. Số liệu thay đổi đến từ biến động về lợi nhuận trong công ty liên kết và lợi nhuận gộp.
Cụ thể, PwC đã thực hiện bổ sung trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại công ty liên kết trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.
Mới đây nhất, Nhà Thủ Đức công bố báo cáo tài chính kiểm toán với việc lỗ ròng thêm 14 tỷ đồng, qua đó nâng mức lỗ ròng cả năm lên 62 tỷ đồng.
Công ty giải trình nguyên nhân là chi phí tài chính tăng 27% so với báo cáo tự lập, do trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư; chi phí quản lý tăng 4% do tăng trích lập dự phòng. Thêm nữa, lãi khác gần 5 tỷ đồng chuyển thành lỗ khác gần 1 tỷ đồng do điều chỉnh từ hoạt động thanh lý tài sản.
Trước Nhà Thủ Đức, Công ty CP Đầu tư LDG cũng ghi nhận khoản lỗ tăng thêm 153 tỷ đồng, dẫn đến mức lỗ cả năm được đẩy lên hơn 527 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán và chi phí quản lý lần lượt tăng 40% và 222% so với báo cáo tự lập.
Trong giải trình, LDG cho biết đơn vị kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo công ty công bố trước đó.
Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng ghi nhận khoản lãi sau thuế 1,1 tỷ đồng năm 2023, giảm 87% so với báo cáo tự lập (lãi 8 tỷ đồng) do chi phí quản lý và chi phí khác tăng.
Nổi bật trong ngành xây dựng là trường hợp của Xây dựng Hòa Bình, theo báo cáo kiểm toán, khoản lỗ sau thuế tăng thêm 333 tỷ đồng lên 1.115 tỷ đồng. Kết quả này khiến lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình lên 3.240 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 93 tỷ đồng.
Giải thích sự chênh lệch lớn giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tự lập, Xây dựng Hòa Bình cho biết, một trong các nguyên nhân là giá các bất động sản được công ty định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc dẫn tới mức chênh lệch giá trị 2.319 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán với lợi nhuận sau thuế giảm tới 93,8%, tương đương giảm 250 tỷ đồng so với báo cáo tự lập – đánh dấu mức lãi ròng thấp nhất của tập đoàn kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM.
Theo giải trình, Tập đoàn Lộc Trời cho biết nguyên nhân chủ yếu là do các khoản giảm trừ doanh thu giảm 19,4 tỷ đồng và ngược lại giá vốn hàng bán tăng 15,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, lợi nhuận từ công ty liên kết bị điều chỉnh giảm tới 99,8%, tương ứng giảm 315,3 tỷ đồng do việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập.
Tập đoàn Gỗ Trường Thành cũng vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó.
Mức biến động mạnh nhất là chi phí khác khi tăng từ 8,5 tỷ đồng lên đến 92 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến công ty đang báo lãi sau thuế 4 tỷ đồng trên báo cáo tự lập chuyển thành “lỗ ngược” 144 tỷ đồng do các khoản thu hồi/phạt bổ sung về thuế hàng chục tỷ đồng.
Có thể thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên đa phần bị điều chỉnh giảm bởi quan điểm thận trọng của các công ty kiểm toán trong việc đánh giá lại các khoản chi phí dự phòng, lợi nhuận khác, … không có nhiều biến động trong hoạt động kinh doanh chính – vốn yêu cầu cao hơn về tính minh bạch thông tin, hồ sơ và ít có sự đột biến.
Trong hoạt động kế toán, kiểm toán, nguyên tắc thận trọng luôn được xem là yêu cầu cơ bản và lâu đời nhất. Theo đó, thận trọng là việc phán đoán, xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để lập các ước tính kế toán trong điều kiện không chắc chắn, chỉ được ghi nhận từ khi có chứng cứ về khả năng có thể xảy ra.
Mặc dù vậy, vì nhiều lý do, mục đích khách quan và chủ quan, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “thận trọng” trong lập báo cáo tài chính, dẫn tới biến động mạnh về kết quả kinh doanh sau kiểm toán, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang giao dịch.
Đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận “bốc hơi” phần lớn, hoặc chuyển lãi sang lỗ, đây lại trở thành tin xấu không chỉ với bản thân doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn tới kết quả của các nhà đầu tư chứng khoán.
Dũng Phạm – TheLEADER