Việc áp dụng các quy trình quản trị từ những bậc thầy đi trước cũng khó giúp nhà lãnh đạo thành công trừ khi họ trực tiếp “lâm trận”.

Sau thư điện tử (Gmail), công cụ tìm kiếm, bản đồ… thì gần đây, Google lại chia sẻ với thế giới một công cụ miễn phí khác, đó là công cụ hỗ trợ quản trị nhân sự mang tên re:Work (Rework.withgoogle.com). Công cụ này được xem là hỗ trợ tối đa cho nhà quản trị trong các công việc cơ bản như tổ chức một cuộc họp, theo dõi dữ liệu nhân sự hay xác lập các mục tiêu trong công việc…

Nhận định về công cụ mới này của Google, John Van Reenen – Giáo sư giảng dạy quản trị tại Massachusetts Institute of Technology (Mỹ) cho biết, đây có thể sẽ là một công cụ tốt giúp Google mở rộng đối tượng khách hàng của mình. Tuy nhiên, nhược điểm của công cụ này là khó có thể giúp nhà quản trị trở nên xuất sắc khi chủ yếu sao chép quy trình quản trị rập khuôn từ số đông những nhà quản trị khác.

Cụ thể, trong một nghiên cứu được John Van Reenen cùng các cộng sự của ông thực hiện, dựa trên việc nghiên cứu trực tiếp 12.000 công ty tại 34 quốc gia, đã chỉ ra rằng, dù có sử dụng một công thức quản trị được sao chép theo hình mẫu, quy trình, phương thức quản trị từ những người rất thành công trước đó, cũng không chắc có thể tạo ra thành công cho chính chúng ta khi “lâm trận”.

“Chúng tôi nhận ra rằng, một nhà quản trị xuất sắc có thể giúp doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình ngành là 25%, tạo ra năng suất làm việc cao hơn trung bình 75%. Thế nhưng trong 10% nhà quản trị xuất sắc nhất từ hơn 12.000 nhà quản trị chúng tôi đã nghiên cứu lại không có một hình mẫu cụ thể, một quy trình rập khuôn nào”, ông chỉ ra.

Tạo niềm tin nơi nhân viên và duy trì nhiệt huyết làm việc là những điều không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được. Và giữa hàng trăm cách giải quyết hai vấn đề trên, John Van Reenen nhận ra, những nhà lãnh đạo thành công là người có cách xử lý tốt nhất trong điều kiện hiện có chứ không phải áp dụng các quy trình quản trị rập khuôn.

Vấn đề một: Niềm tin về sự an toàn

Paul Santagata – chuyên viên cấp cao của Google, cho rằng một trong những điều tiên quyết nhà quản trị cần tạo ra cho đội ngũ của mình là tạo cho họ lòng tin, cụ thể là tạo cho họ niềm tin về sự an toàn trong công việc và trong cuộc sống.

“Một đội ngũ muốn đi tới đích, phải có lòng tin vào sự an toàn. Tôi nhận ra rằng các nhà quản trị đạt thành tích cao có vô số biểu hiện khác nhau, nhưng thực sự họ chỉ cố hướng tới một vấn đề: tạo ra sự an toàn về mặt tâm lý cho nhân viên. Nhân viên khi xin việc phải có niềm tin rằng người sếp tương lai của họ sẽ là lựa chọn an toàn nhất giúp họ hoàn thành được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Nhân viên trong công ty phải có niềm tin rằng những gì họ đang làm, dưới sự giám sát của sếp, là cách an toàn nhất để họ có được thành công…” – Paul Santagata bày tỏ trên trang Harvard Business Review.

Đồng tình với quan điểm trên, Laura Delizonna – Giám đốc phụ trách huấn luyện tại công ty tư vấn Wisdom Labse cũng cho rằng, an toàn là một trong những trạng thái tạo ra sự sáng tạo lớn nhất, đồng thời cũng là một trong những điều tạo ra động lực thôi thúc con người mạnh mẽ nhất trong cuộc sống.

Bởi theo Laura Delizonna, tất cả chúng ta đều có bản năng hướng tới những điều an toàn cho mình. Đó là cơ chế phòng vệ tự nhiên, biểu hiện bằng nỗi sợ, sợ độ cao, sợ rắn, sợ bóng đêm…

“Nếu nhà quản trị có thể tạo ra một niềm tin về sự an toàn cho nhân viên, anh ta có thể giữ chân nhân sự lâu hơn bình thường, có thể thúc đẩy họ vượt qua nhiều giới hạn mới” – Laura Delizonna nhìn nhận – “Tuy mục tiêu có thể giống nhau, nhưng để thực hiện được, nhà quản trị phải thật sự hiểu nhân viên của mình là ai để có cách tiếp cận phù hợp”.

Theo Laura, trong nhiều tổ chức, một nhà quản trị tạo được tâm lý an toàn có thể là một người như Napoléon Bonaparte hay Alexandros Đại đế, những vị vua trong hình ảnh một đấng cứu thế, vị kỷ và đầy quyền lực, nhưng trong nhiều tổ chức, nhà quản trị có thể lại là người bình dị, khiêm tốn, chẳng có lấy một bài báo ca ngợi như Darwin Smith” (Darwin Smith là cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Kimberly-Clark, người được Jim Collins – tác giả quyển Từ tốt đến vĩ đại – Good to Great – đánh giá là một trong 10 nhà quản trị xuất sắc nhất mà ông từng chứng kiến).

Vấn đề hai: Luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết

Để nhà quản trị có thể luôn giữ được sự nhiệt huyết, mạnh mẽ và tỉnh táo trong công việc, truyền được nó lên nhân sự, giúp tổ chức không ngừng phát triển, không phải là một việc dễ dàng.

Theo Art Markman – Giáo sư tâm lý học tại University of Texas (Mỹ), bí quyết để luôn giữ được sự nhiệt huyết không phải nằm ở cấu trúc tổ chức, thách thức trong công việc, các mối quan hệ của nhà quản trị… mà nằm ở cách nhà quản trị nghỉ ngơi, tạm quên đi công việc của mình để làm mới bản thân.

“Thời gian nghỉ ngơi là để chúng ta nạp năng lượng trước khi sử dụng trở lại trong văn phòng. Bởi bất kể bạn là ai, nếu làm việc quá nhiều ngày liên tiếp, bạn sẽ rơi vào trạng thái công việc giả tạo, tức cứ ngồi ở bàn làm việc mà không làm được gì cả” – Art Markman chia sẻ trên trang Harvard Business Review.

Art Markman nêu ra hai phương pháp để nghỉ ngơi thật hiệu quả, là tập trung vào một thứ khác hoặc thay đổi môi trường làm việc xung quanh: “Thứ nhất, hãy hướng não của bạn vào một việc khác, để nó thôi suy nghĩ về công việc. Có vô số cách giúp thực hiện việc này, như đọc một quyển sách bạn thích, tập thể thao, chăm sóc gia đình hay làm từ thiện…”, ông nói.

Thứ hai, hãy tạo cho bạn một môi trường không có chút liên kết nào với công việc. Đó có thể là ngôi nhà của bạn, với “điều luật” không kiểm tra email ở nhà. Cũng có thể là Facebook của bạn, nơi không bàn chuyện công việc, chụp hình công việc. Hay đó là một chuyến đi du lịch mà không mang theo điện thoại…

“Chọn cách nào là tùy thuộc vào chúng ta, nhưng hãy nhớ, bất cứ thiết bị máy móc nào cũng phải bảo dưỡng định kỳ, và bạn cũng không phải ngoại lệ””, Art Markman chia sẻ.

PHẠM TÚ