- 08/02/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết bất động sản và năm 2022, lĩnh vực này vẫn chiếm trên 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Tại hội nghị với doanh nghiệp bất động sản ngày 8/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, nhà điều hành không siết chặt tín dụng bất động sản và xem ngành này bình đẳng như các lĩnh vực khác.
Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn cấp tín dụng cho bất động sản với mức tăng trưởng cao và dư nợ lớn năm qua. Với các dự án, phương án vay vốn khả thi, giới ngân hàng cho vay theo đúng quy định. Nhà điều hành chỉ kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng với một số phân khúc bất động sản có rủi ro cao như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn có tính đầu cơ dẫn đến tình trạng bong bóng.
Theo số liệu từ cơ quan này, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cuối năm 2021 và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tính đến cuối 2022, bất động sản chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế – là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, nguồn vốn tập trung chủ yếu vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng (chiếm gần 69%). Cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm hơn 31% (tăng 11,5% so với đầu năm).
Xét về phân khúc bất động sản, dư nợ giải ngân cho nhu cầu nhà ở chiếm hơn 62%, quyền sử dụng đất chiếm gần 21%, khu công nghiệp và khu chế xuất gần 2,7%, khác là 13,8%.
Thực tế, năm 2022, tín dụng tăng trưởng đổ dồn vào hết 6 tháng đầu 2022 với mức tăng trưởng mạnh nhất trong chục năm. Nhiều ngân hàng sử dụng hết hạn mức được cấp trong khi chưa được cấp thêm “room” mới khiến những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp, người dân không thể tiếp cận vốn.
Lãnh đạo của một ngân hàng cũng từng nhận định, kênh trái phiếu doanh nghiệp “đóng băng” khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp bất động sản đổ dồn tìm tới ngân hàng. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng khó lòng đáp ứng được nhu cầu lớn của lĩnh vực này khi “miếng bánh” có hạn và phải phân bổ cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng hằng năm phải song hành nhiệm vụ kiểm soát cân đối vĩ mô như cung tiền, lạm phát…
Hiện nay, theo báo cáo của các ngân hàng, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP HCM, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Do đó, để tháo gỡ, theo Ngân hàng Nhà nước, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các bộ, ngành liên quan.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng để vừa đảm bảo an toàn hệ thống vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn vốn chảy vào bất động sản thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Còn phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn sẽ kiểm soát chặt rủi ro.
Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng yêu cầu giới ngân hàng kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của ngân hàng…
Hiện nay, một trong những giải pháp mà doanh nghiệp bất động sản kiến nghị là cho phép tái cơ cấu các khoản vay đến hạn.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM đang đề nghị cách làm tương tự tái cơ cấu các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Việc này giúp họ không bị chuyển nhóm nợ xấu và vẫn tiếp cận được vốn vay để thực hiện các dự án dang dở.
Theo Quỳnh Trang – VNExpress