Ngân hàng Thế giới: Những yếu tố làm chậm tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước suy yếu đang làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, kinh tế sẽ tăng tốc vào nửa cuối năm và những năm tiếp theo, theo Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng trong nước và bên ngoài.

Cụ thể, nhìn từ bên ngoài, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể tiếp tục làm giảm sức cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam – có quy mô ước bằng khoảng 50% GDP.

Cùng với đó, những bất định kéo dài trên thị trường tài chính toàn cầu có khả năng lại làm dấy lên căng thẳng trong khu vực ngân hàng trên toàn cầu. Điều này càng khiến cho các nhà đầu tư né tránh rủi ro và không khuyến khích đầu tư – bao gồm cả đầu tư vốn FDI vào Việt Nam, Ngân hàng Thế giới phân tích trong bản cập nhật kinh tế mới nhất “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”.

Ngân hàng Thế giới: Những yếu tố làm chậm tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Không chỉ vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển quy mô lớn, nhằm chống lạm phát kéo dài, có thể nới rộng chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Điều này có thể gây áp lực về tỷ giá đối với đồng nội tệ.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang và thiên tai liên quan đến khí hậu có thể làm gia tăng rủi ro theo hướng không khả quan cho Việt Nam, thông qua giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng lên.

Nhìn từ trong nước, theo Ngân hàng Thế giới, khu vực tài chính đang đối mặt với những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và tiến hành đổi mới.

Tổ chức này dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 4,7% trong năm nay, giảm mạnh so với con số 8% của năm ngoái, sau đó tăng dần lên mức 5,5% vào năm 2024, và đạt 6,0% vào năm 2025.

Các giải pháp khuyến nghị

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.

Bà cũng khuyến nghị, ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn.

Ngân hàng Thế giới trong báo cáo nhấn mạnh, nền kinh tế gặp khó khăn do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng đòi hỏi phải có những hỗ trợ chính sách chủ động.

Ngân hàng Thế giới: Những yếu tố làm chậm tăng trưởng kinh tế Việt Nam 1
Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể tiếp tục làm giảm sức cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Thứ nhất, do dư địa tài khóa còn dồi dào, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn rõ rệt.

Theo đó, các bước đi nhằm đẩy nhanh và cải thiện hiệu suất triển khai đầu tư công sẽ giúp giải quyết những hạn chế phát sinh về hạ tầng để phục vụ tăng trưởng, bao gồm nhu cầu đầu tư cấp thiết cho mạng lưới truyền tải điện, cũng như nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Những bước đi đó có thể bao gồm việc xác định chỉ tiêu giải ngân đầu tư, và đảm bảo hiệu lực thực thi, trách nhiệm giải trình ở các cấp chính quyền khác nhau để hoàn thành chỉ tiêu; tập trung cao độ để giải ngân các chương trình đầu tư quan trọng của quốc gia; cho phép có sự linh hoạt trong các quy định về phân bổ ngân sách; và cho phép được linh hoạt phần nào để thực hiện một số hoạt động đấu thầu sớm trước khi phân bổ ngân sách.

Bên cạnh đầu tư công, các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại, thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội, cũng là cách để hỗ trợ cho tổng cầu.

Thứ hai, hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nên được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng dư địa để nới lỏng thêm không còn nhiều.

Thứ ba, đợt cải cách cơ cấu mới cần được thực hiện, để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện nguyện vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Trong trung hạn, theo Ngân hàng Thế giới, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chẳng hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu bằng cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh. Thuế carbon và các công cụ tài khóa khác, nếu được triển khai, có thể khuyến khích các ngành công nghiệp giảm phát thải carbon, và áp dụng các biện pháp bền vững hơn.

Đồng thời, chính sách tài khóa có thời hạn nhằm khuyến khích tiêu dùng xanh, như ưu đãi thuế hoặc trợ giá cho các sản phẩm thân thiện sinh thái, có thể là cách khuyến khích các cá nhân lựa chọn sản phẩm theo cách có ý thức về môi trường.

Kiều Mai – TheLEADER