- 10/05/2024
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Mặc dù có sự cải thiện, yếu tố quản trị của nhiều ngân hàng Việt vẫn ở mức hạn chế so với các nước khu vực.
Nhận định này vừa được Sáng kiến Tài chính công bằng Việt Nam (FFV) đưa ra khi khảo sát 11 ngân hàng thương mại trong cam kết thực hành ESG (Môi trường – xã hội – quản trị) theo chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể, yếu tố quản trị – G ghi nhận sự cải thiện tốt nhất so với khảo sát gần nhất vào năm 2020.
Các ngân hàng thương mại được khảo sát đều công bố công khai các chính sách liên quan đến chống tham nhũng, bảo vệ khách hàng, thuế, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở các mức độ khác nhau.
Tuy vậy, yếu tố quản trị của các ngân hàng Việt, với điểm trung bình 2, vẫn thấp hơn so với ngân hàng ở một số nước ASEAN như Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Trong bốn chủ đề thuộc yếu tố quản trị, phòng chống tham nhũng, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các ngân hàng tại Việt có sự cải thiện nhiều nhất, theo sau là bảo vệ khách hàng và thuế.
Ngoài quản trị, các ngân hàng này cũng ghi nhận sự cải thiện so với năm 2020 nhưng vẫn còn mờ nhạt về cả yếu tố môi trường (E) và xã hội (S).
Cụ thể, ít ngân hàng thương mại cam kết chính sách công khai về chủ đề thiên nhiên và biến đổi khí hậu tương thích với những chuẩn mực quốc tế.
Các cam kết công khai về bình đẳng giới, quyền con người, quyền lao động có sự cải thiện hơn so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.
Chỉ có một số ít ngân hàng thương mại Việt Nam có cam kết công khai về quyền con người và quyền lao động.
Ngân hàng dẫn đầu
So sánh giữa hai kỳ khảo sát cho thấy chín ngân hàng đã cam kết chính sách ESG nhiều hơn. Điểm ESG của các ngân hàng này đã tăng lên so với năm 2020 cho thấy những bước tiến tích cực trong việc công bố cam kết chính sách ESG .
Sự thay đổi nhiều nhất thuộc về VPBank, Vietinbank, Vietcombank và Techcombank, theo sau là BIDV, VIB, Agribank, MSB và Eximbank.
Tuy vậy, mức độ cải thiện này khác nhau ở từng ngân hàng và trong từng chủ đề thuộc ba yếu tố.
FFV cho biết thêm, trong số ngân hàng tham gia phân tích, những ngân hàng thương mại có các cam kết chính sách công khai về ESG tương thích với chuẩn mực quốc tế nhiều nhất là VPBank, HDBank, Vietinbank và VIB.
Tiếp theo đó là BIDV, Agribank, Vietcombank, MSB và Techcombank.
Tuy vậy, các cam kết chính sách công khai về ESG chủ yếu mới chỉ tập trung đề cập đến hoạt động vận hành nội bộ và chính sách về hoạt động tài trợ hoặc đầu tư của chính các ngân hàng thương mại.
Việc công bố các chính sách về ESG dành cho các doanh nghiệp nhận tài trợ, vốn vay, nhận vốn đầu tư từ ngân hàng hầu như chưa được thể hiện công khai để có thể tiếp cận được.
Cùng với đó, phần lớn nội dung của những cam kết ESG được tìm thấy trong báo cáo thường niên. Do vậy, các công bố cam kết ESG thiếu tính ổn định và rời rạc cũng như khiến khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan khác khó tiếp cận hơn.
Một số ngân hàng có tuyên bố về các tiêu chí ESG trong báo cáo thường niên 2018 nhưng nội dung đó lại không được đề cập trong báo cáo thường niên những năm sau.
FFV khuyến nghị các ngân hàng trước hết cần tham khảo và lựa chọn phương pháp đánh giá ESG phù hợp để có thể rà soát thực trạng và mức độ công bố thông tin.
Cùng với đó, các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch và thực hiện áp dụng trong hoạt động vận hành và kiểm soát thực thi ESG.
Các ngân hàng cũng cần thực hiện việc công bố thông tin ESG với các nội dung mà ngân hàng đã có chính sách và đang thực hiện. Những nội dung này nên tương thích hoặc tiệm cận đến các chuẩn mực quốc tế và trong khu vực.
Theo FFV, các ngân hàng thương mại nên đẩy mạnh việc công bố những chính sách của mình đối với doanh nghiệp nhận tín dụng, nhận đầu tư về những cam kết ESG.
“Các ngân hàng thương mại chỉ có thể cải thiện ESG khi có chiến lược rõ ràng và hệ thống quản trị hiệu quả và quản trị hướng đến bền vững, có tính đến yếu tố E và S”, FFV nhấn mạnh.
Do đó, ngân hàng cần có những định hướng về chiến lược có lồng ghép các chủ đề ESG trong chính sách và trong triển khai dựa trên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.
Để làm được điều này, FFV đề xuất các ngân hàng có một bộ phận hoặc nhân sự chuyên trách chịu trách nhiệm về ESG để nghiên cứu và tham vấn xây dựng lộ trình chính sách.
FFV khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn, công ước quốc tế.
FFV đề xuất mức độ áp dụng bộ tiêu chuẩn chung trong có thể từ mức khuyến khích trong hai năm đầu và chuyển sang bắt buộc hoặc thành điều kiện trong các hoạt động ở các năm tiếp theo.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng và công bố các tiêu chí về phân loại xanh trong lĩnh vực tín dụng và đầu tư, FFV khuyến nghị.
Phương Anh – TheLEADER