Nhức nhối vấn đề mất việc làm

Thất nghiệp và thiếu việc làm đang là vấn đề nan giải trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm sau đại dịch và bất ổn từ tình hình thế giới.

Hơn 500.000 lao động mất, thiếu việc làm

Sau đại dịch Covid-19, những bất ổn địa chính trị và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu đang đặt ra những vấn đề rất lớn đối với thị trường lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, tính đến cuối tháng 5, tổng số lao động mất việc làm, giãn việc, thiếu việc khoảng 506 nghìn người, trong đó có 270 nghìn người mất việc.

Chất vấn bộ trưởng tại phiên họp trước Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng tỷ lệ lao động mất việc làm đang là vấn đề rất nhức nhối.

Theo số liệu thống kê, đến hết quý I/2023, cả nước có 149.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tăng gần 13% so với quý trước. Lao động mất việc tập trung ở các tỉnh như Đồng Nai 32.600 người, Bình Dương 21.700, Bắc Ninh 14.000 và Bắc Giang khoảng 7.700 người.

Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn. Ba tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực này tăng lên 1,75% so với 1,52% của quý trước.

Mười nhóm ngành nghề đang sụt giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất mạnh, bao gồm du lịch, nhà hàng và khách sạn; dệt may và da giày; xây dựng và bất động sản… Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất với 49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đại biểu Tráng A Dương, đoàn tỉnh Hà Giang, tình trạng lao động mất việc làm đang ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Đời sống công nhân, người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, lao động mất việc đã dẫn đến làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần lan rộng. Trong khi đó, đây là bảo hiểm nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống về lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, đoàn tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, năm 2023 kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động thương binh và xã hội lại cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm thấp. Bà Nga cho rằng, nếu không đánh giá được đúng các số liệu này sát với thực tiễn để đưa ra giải pháp kịp thời, sẽ rất khó để đưa ra dự báo và giải pháp cho thị trường lao động trong thời gian tới.

Nhức nhối vấn đề lao động mất việc làm
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung
Thừa nhận thực trạng lao động mất việc làm trong nước đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, ông Dung cho biết, hiện bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25 %.

Nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống, việc làm của người dân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hiện thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6 % so với quý IV/2022. Tuy nhiên, mức lương và thu nhập của người lao động hiện đang ở mức thấp, đời sống khó khăn, đặc biệt là lao động nữ.

“Cùng sinh hoạt, ăn cơm cùng công nhân, tôi thấy hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm cũng hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về”, ông Dung chia sẻ.

Cần giải pháp căn cơ “cứu” doanh nghiệp

Trước bối cảnh làn sóng mất việc đang ngày càng gia tăng, ông Dung khẳng định, đây là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, “miếng ăn, giấc ngủ” hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động cả nước.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp căn bản đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn tỉnh Bình Định, sau lưng mỗi người lao động mất việc là cả một gia đình. Trong khi đó, khó khăn của doanh nghiệp và người lao động hiện đang gặp phải còn nghiêm trọng hơn cả giai đoạn dịch Covid-19 rất nhiều. Chính vì vậy, những ảnh hưởng của việc lao động thất nghiệp đến vấn đề an sinh xã hội là rất lớn.

Trong giai đoạn Covid -19, cả nước đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người lao động, do đó, đại biểu Hạnh đề xuất, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ nên xem xét một gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn tỉnh Hà Nam) cũng cho rằng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cần có quy định cụ thể để phát huy tốt hơn vai trò bệ đỡ trong công tác an sinh xã hội trước bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động thất nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này là tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sẽ giúp tạo việc làm cho người lao động, hạn chế lao động mất việc làm.

Thực trạng các doanh nghiệp khó khăn, số lượng đơn hàng giảm chính là nguyên nhân chính gây gia tăng lao động mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nhiều doanh nghiệp trước mắt mới chỉ giảm giờ làm, nghỉ việc không lương để giữ chân lao động. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, nếu tình hình thị trường không có những chuyển biến tích cực, kinh tế tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm lao động và thu hẹp sản xuất.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp về tài chính hỗ trợ doanh nghiệp như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế, phí, tháo gỡ vướng mắc về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phục hồi.

Phương Linh – TheLEADER