- 27/04/2023
- Posted by: admin
- Categories: Lãnh đạo & Quản lý, Nhân sự
Freelancer – những lao động tự do, đơn lẻ – đang ngày càng chuyên môn hóa và đảm nhận nhiều công việc quan trọng của doanh nghiệp.
Sự phát triển của thị trường freelancer
Freelancer vốn đã quen thuộc với nhiều doanh nghiệp. Đây là những lao động tự do có kỹ năng chuyên môn để thực hiện một số công việc chuyên ngành, sẵn sàng “cấp cứu” khi doanh nghiệp cần.
Với ưu điểm không bị gò bó, làm việc tự do dần trở thành xu hướng nghề nghiệp được nhiều người theo đuổi. Theo thống kê từ Ngân hàng thế giới (World Bank) cập nhật đến tháng 2, ước tính thế giới có khoảng 1,57 tỷ nhân sự freelancer trên tổng 3,38 tỷ lực lượng lao động toàn cầu. Tại Mỹ, số lượng freelancer hiện là 73,3 triệu (theo Statista), dự đoán con số này sẽ tiếp tục tăng và vượt 90,1 triệu người vào năm 2028 (theo Edelman Intelligence).
Đó không phải là tất cả. Đội ngũ lao động tự do đang có những bước phát triển không chỉ về lượng, mà còn chứng tỏ sự tăng trưởng về chất. Điển hình tại Mỹ, có đến 43% chuyên gia thuộc Gen Z và 46% chuyên gia thuộc nhóm Millennials đang làm công việc tự do, theo khảo sát từ Upwork.
Bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Dịch vụ Nhân sự thuê ngoài, Công ty tư vấn nhân sự Talentnet cho rằng sau làn sóng từ chức và sa thải, một phần người lao động, trong đó có nhiều lao động chất lượng cao không tiếp tục tìm kiếm công việc mới tại doanh nghiệp mà lựa chọn con đường làm việc tự do khiến số lượng lẫn chất lượng freelancer tăng lên đáng kể. “Freelancer hiện tại không còn là công việc ‘tay trái’, mà dần trở thành lựa chọn nghề nghiệp có tính toán và cân nhắc của người lao động”, bà Trân nói.
Theo chuyên gia nhân sự, việc biết cách nâng cao kỹ năng và định vị thương hiệu cá nhân sẽ giúp các freelancer tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Trong đó, có 2 nhóm freelancer tác động lớn đến doanh nghiệp. Thứ nhất là nhóm “freelancer cố vấn”, thường bao gồm những nhân sự thuộc thế hệ X. Họ có thể là các chuyên gia sắp hoặc đang bước vào giai đoạn nghỉ hưu nhưng vẫn muốn cống hiến. Với kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy trong nhiều năm làm việc, nhóm nhân sự cấp cao này có thể trở thành nhóm tư vấn cấp cao dài hạn, giúp doanh nghiệp hoạch định chính sách và đào tạo chuyên sâu.
Thứ hai là nhóm “freelancer chuyên môn” – phần lớn thuộc Gen Y, Gen Z. Đây là nhóm freelancer có năng lực, có thể xử lý khối lượng công việc phức tạp và chuyên môn hoá cao, là “ngôi sao” được nhiều doanh nghiệp săn đón cho các dự án lớn.
Để đón đầu làn sóng freelancer, bà Ngọc Trân cho rằng doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án nhận diện, tiếp nhận để thu hút những ứng viên tiềm năng về đội.
Làm sao để tận dụng nguồn lực freelancer
Sau những biến động của thị trường nhân sự, vấn đề tối ưu chi phí vận hành cùng sự gia tăng chất lượng freelancer khiến tư duy tuyển dụng của doanh nghiệp thay đổi. “Các doanh nghiệp đã cởi mở hơn trong việc sử dụng freelancer cho các nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, quá trình sử dụng freelancer cũng góp phần thay đổi trải nghiệm làm việc, thúc đẩy tinh thần học hỏi của những nhân sự nội bộ”, bà Ngọc Trân nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trước mắt, bà Ngọc Trân cũng cảnh báo 3 rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng freelancer. Cụ thể, khi freelancer tiến sâu vào những phạm vi công việc nội bộ, đồng nghĩa những thông tin doanh nghiệp và nguồn tài nguyên buộc phải công khai, tiềm ẩn những rủi ro về tính bảo mật.
Bản chất công việc của freelancer là sự tự do, không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý của doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng đến khả năng quản lý và kiểm soát công việc của HR và người quản lý.
Tùy vào từng tính chất công việc mà mỗi freelancer sẽ nhận khối lượng công việc và mức lương khác nhau, vấn đề lương, thưởng cũng cần phải tối ưu.
Để giải quyết những rủi ro, tránh các xung đột có thể xảy ra cho cả 2 bên, bà Trân gợi ý doanh nghiệp tận dụng dịch vụ nhân sự thuê ngoài, thay thế nhóm freelancer trung hạn (6 tháng trở lên). Việc này sẽ giúp tối ưu hóa chi phí và quỹ thời gian doanh nghiệp đầu tư cho điều phối nhóm lao động này. Đồng thời, với chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy, dịch vụ nhân sự thuê ngoài cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động như giúp doanh nghiệp “ghi điểm” với các khoản lương, thưởng đúng quy định pháp luật. Doanh nghiệp và bộ phận HR có thời gian tập trung vào hoạt động chính của doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh doanh hiệu quả hơn.
Chuyên gia nhân sự cho rằng một freelancer chất lượng cao và gắn bó với doanh nghiệp cũng tương đương với một người lao động chính thức, toàn thời gian. Nếu doanh nghiệp quan tâm và đầu tư đúng mức thì nguồn lực tự do này có thể là một “nhân viên”, tuy không thường trực nhưng lại hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp.
Hoàng Anh – VNExpress