Nóng ‘cuộc chiến’ nhân sự: Tuyển khó, giữ cũng khó!

Nhu cầu tìm việc, chuyển việc của người lao động ở hầu hết ngành nghề đều cao, dự báo sự sôi động của thị trường việc làm trong nửa đầu năm 2023.

Doanh nghiệp “khát” nhân sự

Kết thúc năm 2022, khoảng 40,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát “Thị trường tuyển dụng 2022 & nhu cầu tuyển dụng 2023” của TopCV phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô dưới 25 nhân viên.

Theo đánh giá từ đại diện các doanh nghiệp này, số lượng hồ sơ ứng viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng và ứng viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng chuyên môn là hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Hơn một nửa trong số 2.200 doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ đẩy mạnh tuyển dụng trong năm 2023. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp có quy mô 1.000 – 2.999 nhân viên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dược phẩm/y tế/công nghệ sinh học và nông nghiệp dự kiến sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trong năm 2023.

27,9% doanh nghiệp dự kiến tăng ngân sách tuyển dụng trong năm 2023. Mức thay đổi ngân sách tuyển dụng dự kiến trong năm 2023 sẽ tăng/giảm cùng chiều với mức thay đổi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Theo quy mô doanh nghiệp, mặc dù chỉ xếp vị trí thứ ba về mức tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng nhưng quy mô từ 100-299 nhân viên có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng ngân sách tuyển dụng nhiều nhất. Mức tăng ngân sách tuyển dụng dự kiến trong năm 2023 ở mức thấp nhất được ghi nhận tại các doanh nghiệp dưới 25 nhân viên.

Ngược lại, quy mô từ 500-999 nhân viên có tỷ lệ doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng và giảm ngân sách tuyển dụng nhiều nhất. Theo lĩnh vực hoạt động, bảo hiểm là lĩnh vực sở hữu tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch tăng ngân sách tuyển dụng nhiều nhất. Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm ngân sách tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2023.

Kinh doanh/bán hàng, IT phần mềm và marketing/truyền thông/quảng cáo dự kiến là ba vị trí tiếp tục được tuyển dụng nhiều nhất năm nay tại các doanh nghiệp.

Nhân viên trên 3 năm kinh nghiệm là lực lượng lao động được ưu tiên tuyển dụng năm nay thay vì nhóm ít năm kinh nghiệm như trước đây. Kinh nghiệm thực tế là điều mà hầu hết doanh nghiệp quan tâm ở CV ứng viên. Tiếp đến là các thông tin về kỹ năng mềm của ứng viên với hơn một nửa doanh nghiệp lựa chọn.

Nóng “cuộc chiến” giành nhân sự
Mức thay đổi nhu cầu tuyển dụng trong năm 2023 theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn: TopCV

Tuyển khó, giữ cũng khó

Ở chiều ngược lại, 73,9% trong số hơn 3.000 người lao động được khảo sát cho biết đang chủ động tìm việc và 19,9% đang tham khảo để chuyển việc trong sáu tháng tới. Điều này mở ra một nguồn ứng viên cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các giải pháp để giữ chân người lao động tránh tình trạng “chảy máu chất xám” khi nhân viên của họ cũng chính là ứng viên tiềm năng của các doanh nghiệp khác. Tại thời điểm khảo sát, có tới 95,9% người lao động sẵn sàng đón nhận cơ hội việc làm mới ngay cả khi đang có việc. 70,3% người lao động cập nhật thông tin việc làm mới hàng ngày/hàng tuần ngay cả khi đang có việc.

Có thể thấy, khi nền kinh tế bắt đầu khôi phục trở lại, hầu hết người lao động dù đang có việc làm, vẫn mong muốn tìm kiếm cơ hội để phát triển. Xu hướng thích an toàn, tìm một công việc ổn định hiện nay không được nhiều người lao động đánh giá cao so với trước đây.

Thế hệ Z chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người đang chủ động tìm việc và tham khảo để chuyển việc trong sáu tháng tới. Dự báo, trong nửa đầu năm 2023, đây sẽ là nhóm người lao động có sự chuyển dịch công việc mạnh mẽ.

Hành chính/văn phòng, kỹ sư, marketing/truyền thông/quảng cáo là ba ngành nghề có tỷ lệ người lao động chủ động tìm việc cao nhất tại thời điểm khảo sát. Bên cạnh đó, IT phần mềm, nhân sự, khách sạn/nhà hàng được dự báo sẽ có biến động nguồn nhân lực lớn trong nửa đầu 2023.

Thực tập sinh là cấp bậc có nhu cầu tìm việc cao nhất. Theo sau đó là cấp bậc quản lý/trưởng phòng. Cấp bậc dự kiến có tỷ lệ người lao động chuyển việc nhiều nhất là nhóm nhân viên có kinh nghiệm dưới 2 năm.

Giám đốc là nhóm có nhu cầu chuyển việc ít nhất. Dự báo trong nửa đầu năm nay, đây là nhóm người lao động ổn định, có tần suất chuyển việc ít hơn so với các cấp bậc còn lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc để chiêu mộ nhóm giám đốc trong thời gian tới là thách thức không nhỏ của người làm tuyển dụng nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Nhóm người lao động chưa có kinh nghiệm và dưới 1 năm kinh nghiệm là đối tượng chủ động tìm việc nhất tại thời điểm khảo sát. Bên cạnh đó, nhóm người lao động trên 5 năm kinh nghiệm cũng có tỷ lệ đang chủ động tìm việc cao. Đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đang tìm kiếm các vị trí đòi hỏi nhiều kinh nghiệm như quản lý, chuyên gia…

Nhóm người lao động có kinh nghiệm từ 1-3 năm dự báo sẽ là đối tượng có nhiều sự thay đổi về công việc trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 khi tỷ lệ người tham khảo để chuyển việc trong 6 tháng tới chiếm tỷ lệ cao.

Nóng “cuộc chiến” giành nhân sự 1
Nhu cầu tìm việc của người lao động trong năm 2023. Nguồn: TopCV

Nhân viên sẵn sàng rời đi nếu công việc ít có khả năng phát triển

Theo khảo sát của TopCV, công việc hiện tại ít có khả năng phát triển; mức lương, thưởng, đãi ngộ không tương xứng với năng lực; quy trình, chính sách công ty không rõ ràng, minh bạch là ba lý do hàng đầu khiến người lao động muốn thay đổi công việc nhiều nhất.

Ngoài ra, mong muốn chuyển việc cũng xuất phát từ một số lí do khác như: văn hóa công ty không phù hợp; doanh nghiệp phá sản/cắt giảm nhân sự; mối quan hệ không tốt với sếp/đồng nghiệp; có những thông tin xấu về tình hình kinh doanh của công ty…

Thống kê ảnh hưởng của mỗi lý do đến từng cấp bậc cho thất, công việc hiện tại ít có khả năng phát triển là yếu tố có tác động lớn nhất đến nhóm nhân viên có kinh nghiệm dưới 2 năm.

Đối với các yếu tố mức lương, thưởng, đãi ngộ, nhìn chung đều quan trọng với tất cả các cấp bậc. Trong đó, nhân viên có kinh nghiệm trên 2 năm và giám đốc là hai nhóm bị tác động bởi yếu tố này nhiều hơn cả.

Thực tập sinh và nhân viên mới đi làm dưới sáu tháng là nhóm có tỷ lệ cao nhất trong nhóm rời bỏ công việc vì quy trình, chính sách công ty không rõ ràng, minh bạch. Đây cũng là hai nhóm cấp bậc có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất vì văn hóa công ty không phù hợp, mối quan hệ không tốt với sếp/đồng nghiệp và doanh nghiệp phá sản/cắt giảm nhân sự.

Xét về hành vi tìm việc, nhóm thực tập sinh và nhóm nhân viên mới đi làm dưới 6 tháng chú trọng yếu tố môi trường làm việc nhất. Nhân viên có kinh nghiệm dưới 2 năm, nhân viên có kinh nghiệm trên 2 năm, trưởng nhóm và giám đốc đặt yếu tố mức lương cứng hấp dẫn lên hàng đầu. Trong khi đó nhóm quản lý/trưởng phòng quan tâm nhất tới nội dung công việc phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Từ cấp thực tập sinh tới trưởng nhóm đều được thu hút bởi 5 yếu tố giống nhau (khác về thứ tự). Tuy nhiên lên tới cấp quản lý/trưởng phòng và cấp giám đốc, người lao động chú trọng thêm yếu tố thương hiệu doanh nghiệp.

Dành lời khuyên cho doanh nghiệp muốn thu hút nhân tài, TopCV cho rằng, doanh nghiệp nên đa dạng hóa nguồn ứng viên và gia tăng số lượng ứng viên tiềm năng để giải quyết tình trạng thiếu hồ sơ ứng viên; đưa ra các chính sách lương, thưởng và đãi ngộ mang tính cá nhân hoá; xây dựng bản mô tả công việc thực tế, rõ ràng, đánh trúng tâm lý đối tượng ứng viên mục tiêu; đầu tư cho hoạt động truyền thông thương hiệu tuyển dụng,…

Để giữ chân nhân tài, doanh nghiệp nên: thiết kế các chương trình đào tạo nội bộ, phát triển năng lực và kỹ năng của người lao động; xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng cho từng vị trí nhân sự trong công ty; đưa ra chính sách lương, thưởng và đãi ngộ phù hợp; xây dựng và thực hiện các quy trình, chính sách trong công ty minh bạch, rõ ràng; tinh gọn các hoạt động chấm công, tính lương, phê duyệt đơn từ trong doanh nghiệp với sự hỗ trợ từ các nền tảng công nghệ…

Tùng Anh – TheLEADER