Quản trị công ty chuẩn để hút vốn ngoại: Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn bàng quan?

Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa cân nhắc nguyên tắc đối xử công bằng với tất cả cổ đông, trong đó có việc cung cấp thông tin cho cổ đông quốc tế bằng tiếng Anh – yêu cầu tối thiểu để được đánh giá trong Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS).

Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) là một trong những sáng kiến khu vực quan trọng nhất của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN nhằm mục tiêu xây dựng một thị trường vốn hội nhập của khu vực. Mục tiêu chính là nâng cao tiêu chuẩn quản trị của các công ty niêm yết đại chúng của các quốc gia trong khu vực, nhằm mang lại hình ảnh quốc tế uy tín hơn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy các doan nghiệp trở thành những tài sản đầu tư có giá trị.

Tuy nhiên theo đánh giá của bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc phụ trách Ban cố vấn chuyên môn của Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), mặc dù mong muốn thu hút nguồn vốn dồi dào từ quốc tế với chi phí rẻ hơn so với trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa cân nhắc nguyên tắc đối xử công bằng với tất cả cổ đông, đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho cổ đông quốc tế bằng tiếng Anh. Trong khi đây là điều kiện tối thiểu để có thể được đánh giá trong chương trình Thẻ điểm ASEAN.

“Mỗi quốc gia được đề cử ra 100 doanh nghiệp, nhưng trong kỳ đánh giá ACGS năm 2021, chúng tôi cũng chỉ đánh giá được 87 doanh nghiệp là những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu có tài liệu cổ đông bằng tiếng Anh, tăng khoảng 6% số lượng doanh nghiệp được đánh giá”, bà Hiền cho biết.

Trong kỳ đánh giá năm 2021, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục được xếp hạng là lớp Tài sản ASEAN. Công ty này cũng lập được cú đúp với việc được vinh danh trong ba công ty niêm yết có quản trị công ty tốt nhất Việt Nam, bên cạnh Công ty CP Dược Hậu Giang và Tập đoàn FPT.

Như vậy, hàng nghìn doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán vẫn đang rất bàng quan, không chỉ đối với việc tham gia đánh giá trong ACGS để tiếp cận được nguồn vốn chất lượng mà còn đối với việc nâng cấp chính mình, vượt lên trên tín tuân thủ trong công tác quản trị để hướng đến bền vững.

Theo bà Hiền, một trong những động lực lớn để doanh nghiệp cải thiện quản trị công ty chính là sự thay đổi của luật pháp. Tuy nhiên, nếu chỉ thực hành dựa trên tinh thần tuân thủ các quy định luật pháp ban hành thì sẽ không đủ cho doanh nghiệp vươn lên những thực hành quản trị tốt để sánh vai với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tăng điểm qua các kỳ đánh giá, hầu hết cũng chỉ đạt từ 45-70 điểm trên thang 130 điểm, tương đương 35-55% của mức điểm tối đa.

Cũng vì vậy mà đến nay, Việt Nam vẫn không có cải thiện về thứ hạng, vẫn xếp thứ sáu trong số 6 nước tham gia ACGS gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Bên cạnh việc chưa cung cấp được tài liệu cổ đông bằng tiếng anh, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều vấn đề khi soi chiếu từ thẻ điểm quản trị ASEAN.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến kỳ đại hội cổ đông dù đây là thời điểm hiệu quả nhất để thực hiện nguyên tắc quản trị vượt trên tuân thủ và đáp ứng các kỳ vọng mới, ví dụ như cho phép cổ đông có thể tham gia và thực thi quyền ra quyết định ngay cả khi không đến Việt Nam tham dự kỳ đại hội, xem xét các thông lệ tổ chức như trực tiếp kết hợp trực tuyến (hybrid) hay cho bỏ phiếu điện tử….

Nhiều doanh nghiệp chưa phân quyền và trách nhiệm cho các thành viên HĐQT và tổ công tác trong việc cải thiện quản trị công ty vượt trên tuân thủ vì chưa coi nó là mục tiêu quan trọng. Trong thời gian tới, HĐQT sẽ không chỉ thực thi quản trị công ty mà còn đảm bảo nâng cao chất lượng thực hành ESG (môi trường – xã hội và quản trị).

Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng nhiều các quỹ đầu tư định hướng mục đích đầu tư vào các dự án hay các doanh nghiệp hướng đến ESG phát triển bền vững và kiểm soát biến đổi khí hậu. Điều này đem lại cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng các chuẩn mực về ESG và chống biến đổi khí hậu.

Bà Hiền bổ sung, các thành viên HĐQT chưa chú ý cập nhật các nguyên tắc quản trị công ty vượt trên tuân thủ để cải thiện ngay trong ngắn hạn. Bà cho rằng, những doanh nghiệp thực hiện được điều này luôn bắt kịp xu thế mới và kịp thời có chương trình cũng như chính sách hành động.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, mặc dù đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mức trước đại dịch, các nước ASEAN chỉ nhận được 11% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu. Điều này có nghĩa là các nước ASEAN đã không thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều như mức cần thiết để tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Thực tế này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có quản trị công ty tốt theo tiêu chuẩn quản trị công ty quốc tế để thu hút đầu tư.

Đây là động lực để các công ty đại chúng tại Việt Nam cải thiện hiệu quả quản trị công ty, đặc biệt là cân nhắc về quản trị và xã hội môi trường ESG để có thể thu hút đầu tư kể cả từ các nhà đầu tư quốc tế đến từ châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia khác.

“Dù sẽ có rất nhiều thách thức nhưng chúng ta có thể nghĩ đến từ hôm nay về tương lai khi các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trở thành tài sản đầu tư đáng giá không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực dựa trên việc tham chiếu kết quả của thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN”, VIOD chỉ ra.

Tùng Anh – TheLEADER