Quản trị rủi ro tài chính trong bối cảnh mới

Chú trọng vào quản trị rủi ro tài chính, rủi ro tỷ giá là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền như hiện nay.

Mặc dù có những dự báo khá tích cực về một số chỉ số tài chính – tiền tệ Việt Nam năm 2023 như tăng trưởng huy động vốn từ 8% lên 10%, cung tiền từ 6,15% tăng lên 10%, chứng khoán tăng trên 13% và dự trữ ngoại hối sẽ phục hồi trở lại trên 105 tỷ USD nhưng TS. Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng BIDV cũng chỉ ra một số dấu hiệu không mấy khả quan cần chú ý, trong đó có việc nợ xấu tiếp tục tăng từ 1,92% trong năm ngoái lên khoảng 2-2,2% trong năm nay.

Những chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm qua để giảm áp lực tỷ giá và kiểm soát lạm phát trước những biến động tiêu cực của thị trường tài chính và thị trường vốn toàn cầu cộng hưởng với các vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán đã khiến thị trường Việt Nam đối diện với vấn đề thanh khoản eo hẹp hơn, lãi suất tăng, tiếp cận vốn khó khăn hơn, nhất là qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

6R cho doanh nghiệp

Trước bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông Lực cho rằng, mô hình 6R vẫn còn mang nhiều giá trị cho các doanh nghiệp. Đó là Respond – thích ứng linh hoạt; Recover – phục hồi càng nhanh càng tốt; Restructure – tái cấu trúc; Re-invent – đổi mới, sáng tạo, gồm cả chuyển đổi số; Risk management – quản lý rủi ro; Resilience – tăng tính tự cường, sức đề kháng; khả năng chống chịu các cú sốc.

Chia sẻ trong chương trình Café quản trị tháng 5/2023 do Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp (VACD) tổ chức, ông Lực cũng cho rằng các doanh nghiệp cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá… đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá dàn trải, đòn bẩy tài chính quá lớn nên trở tay không kịp khi gặp vấn đề. Nhiều dự án triển khai gấp trong khi chưa hoàn thiện về mặt pháp lý nên rất khó chuyển nhượng.

Doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, tín dụng… Theo đánh giá của ông Lực, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá thờ ơ. Dù việc tiếp cận còn khó khăn nhưng ông cho rằng các doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ khi có cơ hội.

Cần có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 2023 – 2024, nếu có. Bên cạnh đó là đa dạng hóa nguồn vốn (tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, REIT…)

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân sự công nghệ thông tin và chuyển đổi số, và văn hoá doanh nghiệp. Việc thích ứng và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, công nghệ, dữ liệu… cũng là điều mà các doanh nghiệp cần chú trọng trong bối cảnh biến động như hiện nay.

Dành lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Lực còn nhấn mạnh rằng đối diện thách thức nhưng không quên đón đợi cơ hội từ tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn. Một ví dụ điển hình là việc xuất khẩu dệt may của Bangladesh đã lấy lại vị thế từ Việt Nam trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm mạnh nhờ xanh hoá ngành dệt may.

Doanh nghiệp cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: tăng trưởng, lợi nhuận trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính và cần phát triển bền vững.

Quản trị rủi ro tài chính trong bối cảnh mới
Chương trình Café quản trị tháng 5/2023 do Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức

Cần có khung xử lý khủng hoảng ngân hàng

Dù sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng ở Mỹ và ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ được đánh giá là tác động không quá lớn đến thị trường Việt Nam nhưng cũng để lại những cảnh báo và bài học nhất định cho các cấp quản lý khi những rủi ro trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế ngày càng gia tăng.

Ông Lực cho rằng, cần ưu tiên nâng cao năng lực giám sát, phát hiện rủi ro của từng tổ chức tài chính, doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để có thể phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn, tăng tính minh bạch của hệ thống tài chính.

Hai là quyết tâm đẩy nhanh hoàn thiện thể chế đối với hệ thống tài chính; xây dựng cơ chế xử lý khủng hoảng, vai trò bảo hiểm tiền gửi, cho vay cuối cùng cũng cần rõ nét hơn, vấn đề giáo dục tài chính và quyền lợi của người tiêu dùng tài chính cũng cần được quan tâm thực hiện.

“Năm nay sửa luật tín dụng nhưng tôi thấy còn nhiều vấn đề chưa được bàn thảo”, ông Lực đặt vấn đề.

Chẳng hạn như việc quản lý giám sát tập đoàn tài chính, ngân hàng số (fintech) chưa được bàn đến nhiều trong khi bất động sản và ngân hàng lại có vẻ hơi siết quá chặt, sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.

Sắp tới, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có ngân hàng thương mại. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (quy định hiện hành là 25%). Nhiều doanh nghiệp cho biết hạn mức quá thấp, không vay được, phải đi vay hợp vốn nhưng cũng không dễ dàng.

Ông Lực cũng cho biết, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa đề cập đến khung xử lý khủng hoảng ngân hàng. Có một chương nói về xử lý tình huống khi khách hàng rút tiền nhiều cùng lúc (vấn đề thanh khoản) nhưng chưa đủ. Việt Nam cần khung xử lý khủng hoảng để có thể giảm thời gian xử lý từ vài năm xuống còn vài tháng, trong khi bên Mỹ hiện chỉ mất vài ngày.

“Hiện luật đang đi theo hướng rất truyền thống, rất khó để theo kịp”, ông Lực nói.

Việt Nam cũng cần quan tâm hơn đến kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính, nhất là mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán/tổ chức tài chính phi ngân hàng – bất động sản;

Từ vụ sụp đổ của các ngân hàng Mỹ và Credit Suisse cho thấy, cần nâng cao vai trò và hiệu quả truyền thông, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm những thông tin sai lệch, thất thiệt làm suy giảm niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro đạo đức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhạy cảm, nhiều biến động phức tạp.

Bên cạnh đó, cần chú trọng nhiều hơn vào công tác giáo dục tài chính và nên có một hiệp hội/tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính hiện chiếm tới một nửa dân số Việt Nam.

Tùng Anh – TheLEADER