Các kết quả nghiên cứu trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng cho thấy, chưa tồn tại mối quan hệ rõ ràng giữa quy mô hội đồng quản trị cũng như sự kiêm nhiệm với giá trị công ty. Nghiên cứu lựa chọn vấn đề “Tác động của quy mô hội đồng quản trị và sự kiêm nhiệm đến giá trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh” để xem xét tác động của quy mô hội đồng quản trị và sự kiêm nhiệm của giám đốc điều hành đến giá trị doanh nghiệp các công ty ở Việt Nam, nhằm đóng góp thêm bằng chứng thực nghiệm ở thị trường Việt Nam cũng như với các thị trường mới nổi.

Cơ sở lý thuyết

Trên thế giới, đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của sự kiêm nhiệm giám đốc điều hành và chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) như: Donaldson và Davis (1991) với mẫu nghiên cứu 337 công ty từ 7 nhóm ngành trong 500 công ty Fortune ở Mỹ năm 1987; Lam và Lee (2008) kiểm định mối quan hệ giữa việc kiêm nhiệm 2 vị trí giám đốc điều hành và Chủ tịch HĐQT với giá trị công ty ở 128 công ty niêm yết ở Hồng Kông năm 2003. Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa quy mô HĐQT và sự kiêm nhiệm lên giá trị công ty như: Nghiên cứu của Rouf (2011), Amarijit và Neil Mathur (2011).

Tại Việt Nam, nghiên cứu “Quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN: Minh chứng thực nghiệm từ các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX)”, của Võ Hồng Đức và Phan Bùi Gia Thủy (2013) cho thấy, quyền kiêm nhiệm có tác động tương quan cùng chiều, có ý nghĩa thống kê lên hiệu quả hoạt động. Ngược lại, quy mô HĐQT có tác động tương quan ngược chiều có ý nghĩa thống kê lên giá trị DN. Lê Quang Cảnh, Lương Thái Bảo và Nguyễn Vũ Gia Hùng (2015) thực hiện nghiên cứu quản trị công ty với hiệu quả hoạt động các DN tư nhân lớn ở Việt Nam với mẫu là 500 DN tư nhân lớn ở Việt Nam trong năm 2013 cho thấy, quản trị công ty tốt sẽ mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn cho DN; Sự độc lập của HĐQT không ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động. Trong bối cảnh nền kinh tế năng động nhưng kém minh bạch như Việt Nam thì việc kiêm nhiệm 2 vị trí giám đốc điều hành và chủ tịch HĐQT có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động các DN.

Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp được thu thập từ các bảng báo cáo tài chính đã kiểm toán, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị và điều lệ công ty của các DN niêm yết có đầy đủ số liệu liên quan đến các biến cần thu thập Tobin’s Q, Quy mô HĐQT, sự kiêm nhiệm, quy mô công ty, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và Tốc độ tăng trưởng tiềm năng ngoại trừ các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trên HSX từ năm 2010 – 2016. Sau khi loại bỏ các công ty không đầy đủ dữ liệu, kết quả còn lại 214 công ty niêm yết trong khoảng thời gian 7 năm được sắp xếp thành bảng cân đối với tổng cộng 1.498 quan sát.

Mô hình nghiên cứu

Để đo lường ảnh hưởng của quy mô HĐQT và sự kiêm nhiệm lên giá trị DN, kế thừa từ các nghiên cứu trước tác giả sử dụng biến phụ thuộc là Tobin’s Q đại diện cho giá trị DN và 2 biến độc lập đó là quy mô HĐQT và sự kiêm nhiệm. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng 3 biến kiểm soát là quy mô công ty, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và tiềm năng tăng trưởng.

Mô hình nghiên cứu xem xét tác động của quy mô HĐQT và sự kiêm nhiệm của Chủ tịch HĐQT và giám đốc điều hành đến giá trị công ty của các công ty niêm yết trên HSX như sau:

Qi,t = β0 + β1*BSi,t + β2*CDi,t + β3*ROAi,t + β4*FSi,t + β5*PGi,t + ε

Trong đó:

β0 là hằng số của phương trình hồi quy;

β 1, β2, β3, β4, β5 lần lượt là tham số của các biến Quy mô HĐQT, Sự kiêm nhiệm, Lợi nhuận trên tổng tài sản, Quy mô DN và Tiềm năng tăng trưởng.

Qi,t là giá trị DN công ty i trong thời gian t.

ε là phần dư.

Kết quả nghiên cứu

Phân tích tương quan và đa cộng tuyến

Để kiểm định sự tương quan giữa biến phụ thuộc với biến độc lập và giữa các biến độc lập với nhau, tác giả sử dụng ma trận hệ số tương quan. Bảng 1 thể hiện ma trận tương quan giữa các biến độc lập với nhau, hệ số tương quan giữa các biến độc lập đều nhỏ hơn 0.8, giao động từ 0.01 đến 0.66 trong đó cặp biến ROA và PG có hệ số tương quan khá cao cụ thể là 0.6591. Do đó, có thể có hiện tượng đa cộng tuyến giữa hai biến này.

Bảng 1: Ma trận tương quan
BS CD FS ROA PG
BS 1.0000
CD 0.0535 1.0000
FS 0.2491 -0.0215 1.0000
ROA 0.0328 -0.0386 -0.0946 1.0000
PG 0.1062 -0.0335 0.0024 0.6591 1.0000

Nguồn: Tác giả tính toán

Để kiểm tra thực sự có xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến giữa hay biến ROA và PG hay không, tác giả tiến hành kiểm định hệ số phóng đại phương sai (hệ số VIF). Kết quả của kiểm định hệ số VIF được mô tả trong Bảng 2 cho thấy, hệ số VIF trung bình là 1.35 trong đó các hệ số VIF của ROA, PG là 1.8, của BS, FS là 1.08 và của CD là 1.01 hệ số VIF của tất cả các biến đều rất nhỏ và nhỏ hơn 5 chứng tỏ mô hình không bị đa cộng tuyến.

Bảng 2: Kiểm tra đa cộng tuyến bằng hệ số VIF
Biến Hệ số VIF
ROA 1.8
PG 1.8
BS 1.08
FS 1.08
CD 1.01
Trung bình VIF 1.35

Nguồn: Tác giả tính toán

Phân tích hồi quy

Tác giả tiến hành chạy mô hình hồi quy đa biến để phân tích mối quan hệ giữa quy mô HĐQT và sự kiêm nhiệm lên giá trị DN. Đầu tiên tác giả kiểm định mối quan hệ giữa quy mô HĐQT và sự kiêm nhiệm lên giá trị DN chạy hồi quy hồi quy gộp (Pooled OLS). Tuy nhiên, để khắc phục hiện tượng không tính đến những yếu tố không quan sát được gắn liền với từng công ty trong mẫu nghiên cứu của Pooled OLS, tác giả tiếp tục xem xét việc hồi quy mô hình bằng các mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) và mô hình ảnh hưởng cố định (FEM). Bảng 3 là bảng mô tả kết quả hồi quy theo 3 phương pháp Pooled OLS, REM và FEM.

Lựa chọn mô hình phù hợp

Sau khi chạy mô hình theo các phương pháp Pooled OLS, FEM và REM. Bài nghiên cứu tiến hành kiểm định lựa chọn mô hình thích hợp nhất trong ba phương pháp. Kết quả kiểm định cho thấy, Prob > chi2 = 0.0000 > 0.05. Điều này cho thấy, mô hình FEM thích hợp hơn so với mô hình REM.

Khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan

Để tiến hành khắc phục các khuyết tật vừa kiểm tra đó là phương sai sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan, bài viết dùng phương pháp ước lượng hiệu chỉnh sai số dữ liệu bảng  (PCSE – Panel-Corrected Standard Errors) cho mô hình nghiên cứu. Bảng 4 trình bày kết quả mô hình hồi quy theo phương pháp PCSE.

Kết luận và một số đề xuất

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Thứ nhất, quy mô HĐQT có mối quan hệ ngược chiều với giá trị DN (đo lường bằng Tobin’s Q) các công ty niêm yết trên HSX trong giai đoạn 2010-2016 với mức ý nghĩa thống kê là 1%.

 sự kiêm nhiệm của giám đốc điều hành và chủ tịch HĐQT có tương quan dương với giá trị DN (đo lường bằng Tobin’s Q) các công ty niêm yết trên HSX trong giai đoạn 2010-2016 có ý nghĩa thống kê ở mức 5%.

Thứ ba, quy mô công ty có mối quan hệ cùng chiều lên giá trị DN (đo lường bằng Tobin’s Q) các công ty niêm yết trên HSX trong giai đoạn 2010-2016 với mức ý nghĩa thống kê là 1%.

Thứ tư, tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) có tác động ngược chiều lên giá trị DN (đo lường bằng Tobin’s Q) các công ty niêm yết trên HSX trong giai đoạn 2010-2016 với mức ý nghĩa thống kê là 1%.

Cuối cùng, tiềm năng tăng trưởng (PG) có ảnh hưởng tích cực lên giá trị DN đo lường bằng Tobin’s Q) các công ty niêm yết trên HSX trong giai đoạn 2010-2016 với mức ý nghĩa thống kê là 1%.

Dựa vào kết quả nghiên cứu nói trên, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT cũng như gia tăng giá trị DN cho các DN niêm yết ở thị trường chứng khoán Việt Nam, cần lưu ý:

Về quy mô HĐQT: Các DN không nên có nhiều thành viên HĐQT vì số thành viên HĐQT càng tăng thì giá trị DN càng giảm, do đó quy mô HĐQT lớn không phải là lựa chọn tốt cho các DN ở Việt Nam.

Về sự kiêm nhiệm của giám đốc điều hành và chủ tịch HĐQT: Ở Việt Nam sự kiêm nhiệm giám đốc điều hành và chủ tịch HĐQT sẽ mang lại lợi thế khi quyền lực tập trung sẽ giúp phản ứng mau lẹ trong sự thay đổi năng động và thông tin bất cân xứng ở môi trường kinh doanh Việt Nam. Khi giám đốc điều hành cũng là chủ tịch HĐQT khiến họ toàn tâm, toàn ý bảo vệ lợi ích của cổ đông, giám sát ban điều hành và thực hiện tốt công tác quản trị, việc kiêm nhiệm cũng tạo điều kiện thuận lợi khi tập trung sự lãnh đạo hỗ trợ giám đốc điều hành quản lý công ty tốt hơn. Do đó, tác giả đề xuất các doanh nghiệp nên nên để cấu trúc lãnh đạo hợp nhất (Chủ tịch HĐQT cũng là Giám đốc điều hành).

Về quy mô công ty, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và tiềm năng tăng trưởng: Các DN nên mở rộng quy mô, mở rộng hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác cả trong và ngoài nước để có thêm các tài sản, đặc biệt tài sản cố định có công nghệ hiện đại cũng như tận dụng trình độ quản lý, tài sản và thị trường của các đối tác nhằm nâng cao giá trị DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Đoàn Ngọc Phúc và Lê Văn Thông, Tác động của quản trị DN đến hiệu quả hoạt động của DN sau cổ phần hóa ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 203, tháng 5/2014;

2. Lê Quang Cảnh, Lương Thế Bảo và Nguyễn Vũ Tùng, Quản trị DN với kết quả hoạt động của các DN tư nhân lớn ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 215, tháng 5/2015;

3. Phan Bùi Gia Thủy, Trần Đức Tài, Trần Thị Tú Anh, Ảnh hưởng của đặc điểm tổng giám đốc điều hành đến hiệu quả hoạt động DN, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh – số 55 (4) 2017;

4. Võ Hồng Đức và Phan Bùi Gia Thủy, Quản trị công ty và hiệu quả hoạt động DN: Minh chứng thực nghiệm từ các công ty niêm yết, Tạp chí Phát triển kinh tế , số 275, tháng 9/2013;

5. Kumar, N., & Singh, J. P. (2012), Outside directors, corporate governance and firm performance: Empirical evidence from India, Asian Journal of Finance và Accounting.