Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định lao động

Doanh nghiệp cần cập nhật những quy định mới về lao động để tránh vi phạm.

Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt 15 đến 30 triệu đồng. Người sử dụng lao động có hành vi buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người lao động sẽ bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.

Đây là một trong những quy định pháp luật mới nhất về lao động được bà Trần Thị Thanh Minh, Giám đốc Công ty Luật KPMG tại Hà Nội cập nhật trong Hội nghị Luật lao động 2023 do câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức mới đây.

Các quy định mới chủ yếu nằm trong Nghị định 12 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở.

Nghị định 12/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động với chín hành vi bị xử phạt mới.

Người sử dụng lao động không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Luật Lao động thì có thể bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.

Tuyển người vào tập nghề để làm việc với thời hạn tập nghề quá 3 tháng sẽ bị xử phạt 50 đến 70 triệu đồng.

Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng quy định thì sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian: nghỉ ốm, nghỉ điều dưỡng, nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động, đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra…thì sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.

Không bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới theo một trong các trường hợp: tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, các chế độ khác… thì sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Không lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng 1.000 người lao động nữ trở lên sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt 50-75 triệu đồng.

Nghị định 12 cũng tăng mức xử phạt đối với 10 hành vi. Chẳng hạn, tăng mức phạt từ 20-25 triệu đồng lên 50-75 triệu đồng với hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, tập nghề vào hoạt động trái pháp luật. Mức tăng này cũng áp dụng cho hành vi tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những công việc được pháp luật cho phép.

Thay vì chỉ bị phạt 2-5 triệu đồng, hành vi không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế thưởng sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Mức tăng lớn nhất từ 500 nghìn – 1 triệu đồng lên 10 – 20 triệu đồng áp dụng cho hành vi không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh. Không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt lên đến 75 triệu đồng thay vì chỉ 1 triệu đồng như trước đây.

Quy định khác mà các doanh nghiệp cần lưu ý được bà Minh nhấn mạnh là Nghị định 38/2022/NĐ-CP và Nghị định 24/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, mức lương tối thiểu theo tháng tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu trước đó. Trong đó, vùng II là 4,1 triệu đồng/tháng; vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng; vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng.

Nghị định 38 cũng bổ sung mức lương tối thiểu theo giờ. Vùng I đến IV có mức lương tối thiểu theo giờ thứ tự là: 22,5 nghìn đồng, 20 nghìn đồng; 17,5 nghìn đồng và 15,6 nghìn đồng.

Nghị định mới cũng quy định danh mục địa bàn bốn vùng. Việc áp dụng địa bàn vùng còn có thể được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo các nguyên tắc quy định tại khoản 3, điều 3 của Nghị định 38.

Bên cạnh đó, Nghị định 24 quy định tănh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Bà Minh cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chú ý đến Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, tất cả hoạt động trong quy trình xử lý dữ liệu cá nhân đều phải có sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp luật có quy định khác. Doanh nghiệp chú ý trong việc lập và lưu giữ hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân; bố trí nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm; vấn đề lưu giữ/xử lý thông tin người lao động sau khi chấm dứt quan hệ lao động. Doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng trong hợp đồng giữa người sử dụng lao động với bên thuê ngoài liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú ý Thông tư 02/2023/TT-BYT với việc bổ sung “bệnh Covid-19 nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Nghị định này cũng bổ sung các phụ lục hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp và biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2.

Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH quy định tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Ngoài ra, Thông tư 25 năm 2022 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội quy định lập sổ trang cấp, theo dõi việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; định kỳ hàng năm tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để lập kế hoạch mua sắm, bao gồm cả dự phòng; khuyến khích thực hiện số hoá việc theo dõi, cấp phát phù hợp với ứng dụng công nghệ thông tin.

Tùng Anh – TheLEADER