- 05/08/2017
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Các trào lưu công nghệ thay đổi nhanh chóng đã gây sức ép lên các mô hình kinh doanh truyền thống, đòi hỏi chính sách phải thay đổi kịp thời để quản lý và điều phối, tạo hành lang phát triển, nếu không vô hình trung trở thành lực cản của sự tiến bộ.
Nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) xuất phát từ mô hình kinh doanh dựa vào nền tảng công nghệ, đã được đề cập nhiều năm nay tại Việt Nam, hiện cũng không còn là khái niệm dành riêng cho Uber, Grab hay Airbnb mà đang áp dụng vào nhiều lĩnh vực. Nhưng tranh cãi gần ba năm qua về Uber hay Grab vẫn chưa ngã ngũ. Liệu quan điểm thị trường thay đổi ra sao và cơ chế pháp lý thế nào để ứng xử phù hợp, sau thời gian dài chỉ ứng phó lúng túng, còn mang tính cục bộ doanh nghiệp hoặc địa phương.
Cho đến tuần rồi, chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc về những xung đột lợi ích của Uber, Grab với taxi truyền thống, hoạt động thiếu công bằng và gây thất thu thuế vẫn còn nóng ở diễn đàn Quốc hội. Văn bản trả lời của Chính phủ khẳng định: “Mỗi việc thí điểm đều có tác động 2 mặt: tích cực hoặc tiêu cực… Chính phủ sẽ điều hành và phát huy việc ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Nhìn lại thị trường, 3 năm qua các mô hình kinh doanh vận tải Việt Nam cũng dần thay đổi đã đưa nhiều dịch vụ mới gia nhập thị trường, nhưng chưa thể nói thành công hay thất bại. Đến nay đã có 7 đơn vị trong nước được cấp phép cung ứng dịch vụ tương tự Uber và Grab: Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam với V.Car; Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội với Thanh Cong Car; Công ty cổ phần Sun Taxi với S.Car; Công ty Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao với Vic.Car; Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển với Home Car; tập đoàn Mai Linh với M.car; Công ty Thương mại và Dịch vụ Linh Trang – Taxi Long Biên với LB.car.
Vậy tại sao Uber hay Grab trở thành điển hình (case study) tranh cãi về pháp lý và sự cạnh tranh? Trước tiên, mô hình này tác động đến bề nổi ở lĩnh vực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế: lĩnh vực logistics. Chi phí logistics Việt Nam quá cao và mô hình mới nhanh chóng được cư dân các thành phố lớn chấp nhận. Dịch vụ mới như “kẻ phá bĩnh” thị trường truyền thống vốn chưa đủ sức bắt kịp các trào lưu kinh doanh hiện đại nhưng cũng cho thấy các chính sách quản lý phải vất vả trước các nền tảng công nghệ mới.
Liệu trong tương lai gần Việt Nam sẽ ứng phó thế nào với các mô hình phát sinh tương tự? Dịch vụ kinh doanh chia sẻ hiện đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, từ dịch vụ chia sẻ vận tải – kho bãi; tài chính với cho vay theo nhóm, kết nối vay vốn ngang hàng; bất động sản qua mô hình (co-working) cho thuê văn phòng hay du lịch với thuê chung nhà; dịch vụ nhân sự với chia sẻ nhân viên hay dọn việc nhà… Nhiều ngành đang chịu áp lực thay đổi hoàn toàn (như taxi truyền thống) và một số đang chịu tác động vừa phải từ quá trình chuyển đổi này.
Các công ty ra đời sau vận dụng công nghệ để khởi tạo thị trường và nguồn lực mới ngay trên nền tảng cũ. Họ dùng công nghệ kết nối các nguồn lực và phổ cập hóa dịch vụ đến tầng lớp ít có khả năng và cơ hội tiếp cận nhất. Một cơ chế tốt sẽ tạo ra không gian kinh doanh mới thúc đẩy toàn thị trường lớn lên thay vì đi “giật” miếng bánh cũ. Nếu không cơ chế phát triển lành mạnh, trong tương lai không chỉ Vinasun hay Mai Linh phản ứng với Uber, Grab mà các ông chủ khách sạn có thể phản ứng với mô hình AirBnB hay nhà kinh doanh văn phòng có thể là rào cản với co-working; các ngân hàng hay công ty tài chính có khả năng phản ứng với các dịch vụ cho vay theo nhóm…
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, các dịch vụ chia sẻ phòng lưu trú như mô hình AirBnB nếu vận dụng thành công sẽ huy động nguồn lực lớn nhà ở trong dân phục vụ lưu trú, tạo ra một phân khúc mới mà không lo ngại giẫm chân lên các phân khúc khác, góp phần tạo nên bộ mặt đa dạng của ngành du lịch. Nhưng chính sách quản lý phải phù hợp, việc hoạt động tự phát có những rủi ro, nhất là với du khách nước ngoài, chưa kể các yếu tố về an toàn du lịch, dịch vụ, thất thu thuế…
Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện CyberAgent Ventures tại Việt Nam, cho rằng giá trị cuối cùng của các công ty khởi nghiệp mới là tạo ra sản phẩm dịch vụ mà người dùng cảm thấy phù hợp nhất với chi phí họ bỏ ra.
Các xu hướng kinh doanh đang dần thay đổi, được điều chỉnh và tiến hóa khôn lường trên nền các ý tưởng mới dựa vào công nghệ. Thêm vào đó, cùng một nền tảng nhưng người chiến thắng thị trường do ở cách triển khai mới, cách tiếp cận thị trường khác và cách vận hành trên cơ sở cầu khách hàng là gì để tạo ra mô hình mới sáng tạo hơn.
Như vậy chính sách pháp lý chỉ có thể kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh, tác động tiêu cực, đảm bảo thị trường lành mạnh, an toàn về lao động, trách nhiệm thuế, các thể thức hợp đồng và phương pháp bảo vệ người tiêu dùng. Việc tranh cãi chấp nhận hay không chấp nhận Uber, Grab nói riêng hay những phương thức kinh doanh trên nền công nghệ nói chung làm bộc lộ những khó khăn trong thúc đẩy phát triển. Sự biến đổi liên tục của công nghệ sẽ còn tiếp tục tạo ra thách thức mới, khó thể thỏa mãn xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa hiện đại và truyền thống, giữa quyền lợi và sự tiến bộ.