- 01/03/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Sự bất định của nền kinh tế thế giới, bên cạnh những rủi ro, luôn có cơ hội mới cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Đó là điều mà các chuyên gia chỉ ra tại một hội thảo mới đây của Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (iEIT) về cơ hội kinh doanh năm 2023.
Cơ hội không thiếu
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban phân tích tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế thế giới rất bất định với căng thẳng/xung đột địa chính trị; Rủi ro đối với thương mại và đầu tư toàn cầu chưa lắng xuống khiến các rào cản về chính sách thương mại và đầu tư được coi là vấn đề lớn hơn Covid-19; Đà tăng lãi suất bất định hơn trong năm 2023 (khác với năm 2022)… Cùng với đó CMCN 4.0 và kinh tế số dẫn đến cuộc đua tranh giữa các nền kinh tế trở nên rõ hơn, cộng với gia tăng sự đối đầu giữa phát triển công nghệ và tư duy quản lý, kể cả ở các nước phát triển. Tuy nhiên, “suy thoái, khó khăn, khủng hoảng… không phải hoàn toàn xấu vì trong mọi thời điểm đều có cơ hội”, ông Dương nhận định.
Đơn cử, các xu hướng mới trên thế giới đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) hợp tác, tham gia chuỗi giá trị. Như xu hướng hợp tác về phát triển bền vững đang được nhiều nước đặt ra với mục tiêu chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và các mô hình có sức chống chịu với biến đổi khí hậu theo yêu cầu thực hiện COP26, COP27 và cắt giảm khí thải; Hay xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo; Tăng quyền cho phụ nữ trong tương lai… cũng sẽ mở ra cơ hội mới.
Bên cạnh đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã đặt các quốc gia, DN trước bài toán đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà thực chất là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự dịch chuyển này không còn là tính toán riêng của nhà đầu tư, mà có thể có động lực từ các chính phủ. Một số nước phương Tây muốn thúc đẩy quá trình dịch chuyển đầu tư… Mỹ gia tăng hợp tác với các nước liên minh nhằm định hướng lại dòng vốn đầu tư, phát triển hạ tầng và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới sau đứt gãy do dịch Covid-19 cũng đang tạo cơ hội cho các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Dương cũng chỉ ra quá trình các nước dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc sẽ không dễ dàng bởi thị trường lớn này vẫn duy trì sự hấp dẫn nhất định. Trung Quốc đã nới lỏng các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy xu hướng mới trong chuyển dịch đầu tư là đa dạng hóa, thay vì dịch chuyển hoàn toàn.
Nâng cao năng lực, đón đầu cơ hội
Chuyên gia tài chính Nguyễn Phương Hoa nhận định: “Chúng ta đi sau có khi lại là cơ hội trong thương mại, hợp tác quốc tế. Các nước kém phát triển và đang phát triển còn nhiều cơ hội tăng trưởng”. Kỳ vọng triển khai hiệu quả hơn các FTA của Việt Nam từ năm 2023 và cơ hội mới từ việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sôi động hơn với nhiều kịch bản mở rộng thành viên hay đàm phán/nghiên cứu nâng cấp các FTA của ASEAN với các đối tác… đang khiến nhiều quỹ đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tìm kiếm DN Việt Nam để hợp tác không chỉ về sản xuất, thương mại mà cả về ý tưởng.
Cơ hội là thế, nhưng bà Phương Hoa cũng chỉ ra yếu tố quan trọng nhất để DN phát triển là ổn định được dòng tiền. Xu hướng giảm phụ thuộc, không có nghĩa là “làm cả, ăn tất” bởi mỗi quốc gia, khu vực có một lợi thế riêng, vấn đề là tìm đối tác, dựa vào nhau cùng gia tăng lợi nhuận chuỗi cung ứng, đồng thời tránh được tính độc quyền. Và để tham gia các chuỗi giá trị này, DN phải chuẩn hóa tốt chính mình từ công tác quản trị, con người, đặc biệt là công nghệ để nâng cao năng lực của để tiệm cận vào mặt bằng đầu tư chung của nhà đầu tư thế giới.
Giá trị của DN sẽ phải bao gồm cả năng lực quản trị, công nghệ, nhân lực chứ không phải chỉ là con số tổng tài sản. DN phải chuẩn bị trước để tận dụng cơ hội, chờ có cơ hội mới bắt đầu nâng cao năng lực thì đã muộn. Chuyển đổi số cũng là câu chuyện không chỉ phải làm mà cần làm nhanh để đưa ra các quyết định nhanh hơn. DN cũng cần đầu tư nghiên cứu, phát triển tạo ra sản phẩm của riêng mình, tìm thị trường ngách để khẳng định giá trị của mình nhưng tốc độ phải nhanh.
Đồng thuận quan điểm trang bị lợi thế cạnh tranh là rất quan trọng, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, đến từ Công ty Base.vn nhấn mạnh, công nghệ không chỉ mang tính thiết yếu mà nó đang trở thành lợi thế của DN. Thực chứng giai đoạn Covid vừa qua, trong khi nhiều DN mất thị phần, phá sản thì có một nhóm DN nhờ công nghệ đã thích ứng và phát triển hơn. Nhìn nhận năm 2023 là thời điểm phù hợp phát triển cho các DN áp dụng công nghệ, song bà Ánh cũng chỉ ra vẫn còn cơ hội cho các DN chưa kịp đầu tư bằng việc đi thuê công nghệ để vừa vận hành tối ưu theo yêu cầu quản lý, hoạt động, vừa cắt giảm chi phí vận hành.
Ông Phạm Việt Hùng, Trưởng phòng xuất nhập khẩu CTCP Đồng Tâm, chỉ ra DN phải tạo chữ tín để làm ăn lâu dài với đối tác nhập khẩu. Bên cạnh đó, thay vì chờ khách hàng đến tìm như trước, DN cần chủ động nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng để có chiến lược định vị sản phẩm vào thị trường mục tiêu. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Bởi hiện nhiều sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp nhưng khó xuất khẩu vì thương hiệu quốc gia yếu.
Theo Nhất Thanh – thoibaonganhang.vn