- 11/06/2024
- Posted by: admin
- Category: Nhân sự
Tiêu chí DE&I (đa dạng, bình đẳng và hòa nhập) là chìa khóa giúp doanh nghiệp, tổ chức tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, giúp nhân sự thuộc mọi độ tuổi, quốc tịch, thể trạng hay xu hướng tính dục được phát huy tối đa giá trị bản thân.
Cuối tháng 5 vừa qua, Schneider Electric Việt Nam lần đầu tiên được nhận giải thưởng Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024 và lần thứ tư nhận chứng nhận nơi làm việc tốt bởi tổ chức Great Place To Work.
Thành quả của Schneider Electric Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực về trao quyền cho nhân viên, thích ứng tốt với các xu thế công việc mới, còn có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DE&I) được doanh nghiệp này tích cực thực hành trong nhiều năm nay.
Chiến lược áp dụng các tiêu chí của DE&I giúp Schneider Electric Việt Nam tạo ra môi trường làm việc lành mạnh cho mọi nhân sự, bất kể thế hệ, giới tính, thể trạng hay xu hướng tính dục. Đây là chìa khóa giúp giữ chân nhân tài trong một lĩnh vực tương đối “kén người” là quản lý năng lượng và tự động hóa.
Từ bình đẳng giới đến DE&I
Câu chuyện bình đẳng giới từ lâu đã nhận được mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ ban hành các chính sách, cơ chế công nhận năng lực, trao quyền và bảo vệ nhân sự nữ khỏi các tình huống dễ gây tổn thương, không ít doanh nghiệp lồng ghép yếu tố bình đẳng giới vào các chiến dịch truyền thông, tiếp thị để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Tuy nhiên, không chỉ nữ giới mà nhiều nhóm nhân sự khác cũng rất dễ bị tổn thương trong môi trường làm việc, chẳng hạn như người LGBT, người khuyết tật. Bên cạnh đó, khi làm việc chung, những xung đột không đáng có hoàn toàn có thể nảy sinh giữa những nhóm nhân sự có sự khác biệt về thế hệ, quốc tịch.
Giải pháp “một màu”, tức là chỉ tuyển dụng một nhóm nhân sự với những tiêu chí nhất định không liên quan đến năng lực công việc, chẳng hạn doanh nghiệp chỉ tuyển nam giới, chỉ tuyển người ở độ tuổi trên 30… có thể là giải pháp hạn chế những xung đột kể trên.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Forbes, doanh nghiệp có đội ngũ lao động đa dạng có khả năng đạt lợi nhuận cao hơn 35% so với doanh nghiệp “một màu”. Nghiên cứu của Havard Business Review cũng chỉ ra, khả năng chiếm lĩnh thị trường mới cao hơn 70% ở những doanh nghiệp đảm bảo tính đa dạng về nhân sự.
Bởi lẽ, mỗi nhân sự thuộc thế hệ, giới tính hay khuynh hướng tính dục khác nhau có thể sở hữu những thế mạnh riêng.
Chẳng hạn, một nhân sự trẻ thuộc thế hệ Z có thể dễ dàng thích ứng với các xu thế mới để lên kế hoạch cho những dự án truyền thông sáng tạo và đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Trong khi đó, một nhân sự gạo cội có thể dùng kinh nghiệm để nhanh chóng giải quyết những tính huống khó khăn bất ngờ phát sinh trong công việc.
Hoặc, doanh nghiệp có đội ngũ nhân sự thuộc LGBT có thể dễ đưa ra các giải pháp đưa sản phẩm tiếp cận tốt hơn tới người tiêu dùng LGBT. Trong khi đó, các nhân sự khác dù không mang tư tưởng kỳ thị nhưng có thể tạo ra những chi tiết, nội dung vô tình gây hiểu nhầm, tổn thương, xuất phát từ việc không thực sự thấu hiểu cộng đồng LGBT.
Đơn cử như nhiều hình ảnh hào nhoáng, hạnh phúc về cặp đôi đồng tính được doanh nghiệp sử dụng trong chiến dịch tiếp thị đã vấp phải một số phản đối từ nhóm các nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT. Lý do đưa ra là những hình ảnh đẹp đẽ đó vô tình khiến công chúng quên đi những thực tế tiêu cực mà cộng đồng này phải đối diện.
Chính vì lý do đó, thời gian gần đây, khái niệm DE&I được đưa ra như một giải pháp nhằm tôn trọng sự khác biệt và dung hòa chúng lại trong một tổ chức, doanh nghiệp. Giải pháp này giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả năng lực của mỗi cá nhân, đồng thời hóa giải xung đột, mâu thuẫn không đáng có trong công việc.
Nhờ vậy, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), DE&I đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thông qua cải thiện năng lực quản trị, thu hút và giữ chân nhân tài, tiếp cận thị trường mới, chứ không chỉ dừng ở một mục tiêu mang tính đạo đức.
Thực tế chứng minh điều đó tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đơn vị duy nhất đạt chứng chỉ EDGE Leed, một chứng chỉ toàn cầu về DE&I tại nơi làm việc.
Theo bà Trần Minh Hường, Giám đốc nhân sự Standard Chartered Việt Nam, áp dụng các tiêu chí DE&I vào thiết kế chính sách nhân sự giúp người lao động tại ngân hàng này có nhiều cảm hứng để phát triển bản thân, phục vụ khách hàng, đối tác với tâm thế tích cực nhất.
Thay đổi từ tổ chức, doanh nghiệp tới xã hội
Là một tổ chức phi lợi nhuận, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) Việt Nam luôn tìm kiếm giải pháp hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập như một phần không thể thiếu trong xã hội. Bà Trần Thúy Quỳnh Ngân, Quản lý truyền thông DRD Việt Nam, cho biết, lời giải cho bài toán đó được xác định là yếu tố DE&I.
Cụ thể, theo bà Ngân, DRD Việt Nam thành lập riêng một bộ phận chuyên tư vấn về DE&I cho doanh nghiệp. Thông qua bộ phận đó, DRD Việt Nam tạo ra cầu nối giữa lao động khuyết tật và cộng đồng doanh nghiệp, tư vấn và đồng hành với doanh nghiệp về việc sử dụng lao động là người khuyết tật để tạo ra lợi ích chứ không chỉ là một hoạt động mang tính thiện nguyện.
Kết quả, các doanh nghiệp, nhà tài trợ nếu như trước đây chỉ tìm đến DRD Việt Nam để trao quà bằng tiền và hiện vật thì nay đã đồng hành với những hoạt động hỗ trợ mang tính lâu dài và bền vững hơn, chẳng hạn như học bổng, hỗ trợ vốn.
Bởi lẽ, nhà tài trợ và doanh nghiệp không còn tư duy coi người khuyết tật là đáng thương, không có khả năng làm việc. Thay vì trao những món quà vật chất vốn không có ý nghĩa dài hạn, họ sẵn sàng hỗ trợ người khuyết tật phát huy giá trị, qua đó hòa nhập tích cực vào tổ chức và xã hội.
Bên cạnh người khuyết tật, người thuộc nhóm LGBT cũng dễ chịu tổn thương tại nhiều tập thể, từ trường học, không gian công cộng đến cơ sở y tế và nơi làm việc, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE).
Khảo sát chỉ ra, 30% người LGBT từng bị từ chối việc làm. Trong trường hợp được tuyển dụng, họ tiếp tục gặp các thách thức khác như phân biệt đối xử trong tiền lương, cơ hội thăng tiến, thậm chí chịu đánh giá tiêu cực một cách vô lý từ cấp trên và đồng nghiệp.
Tuy nhiên, nếu có một môi trường làm việc văn minh hơn, nhân sự LGBT có thể phát huy nhiều giá trị. Điển hình tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), nơi vị chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung luôn tôn trọng, quan tâm đến nhân sự LGBT đang làm việc tại doanh nghiệp.
Điều đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại PNJ, mặt khác cũng giúp khai phá tiềm năng, năng lực của những nhân sự LGBT một cách hiệu quả.
Dù vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cộng đồng LGBT phải đối mặt nhưng được quan tâm, ủng hộ tại nơi làm việc phần nào giúp người LGBT tự tin và bản lĩnh hơn trên con đường vượt thách thức, chứng tỏ giá trị của bản thân và đóng góp cho xã hội.
Phạm Sơn – TheLEADER