- 10/10/2017
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Công nghệ đang tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới giúp giải quyết các vấn đề của thị trường lao động, nhưng cũng tạo áp lực lên lớp lao động thiếu kỹ năng cần thiết, khiến họ đối mặt với nguy cơ bị máy móc thay thế.
Từ cuối cuộc suy thoái toàn cầu đã có một sự điều chỉnh tư duy xã hội khi thế giới đối mặt với thực tế rằng nền kinh tế sẽ không thể phục hồi “bình thường”. Áp lực làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập ít đi đã đánh thức tiềm năng thật sự của con người.
Áp lực của số hóa
Đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ về thị trường lao động – nguồn vốn con người trong “kỷ nguyên nhân tài”. Có 4 tác động lớn trên toàn cầu đang làm thay đổi thế giới công việc:
Sự chuyển biến về nhân khẩu học và cách quản trị nhân tài. Xu hướng già hóa dân số và tỉ lệ dân số giảm khiến thực trạng nguồn nhân lực dồi dào sẽ không còn nữa.
Theo báo cáo của UN, đến năm 2050 sẽ có 33 quốc gia có dân số già hóa hơn cả Nhật hiện tại. Đối mặt với sự thiếu hụt lao động, doanh nghiệp và những nhà chính sách cần phải tư duy khác đi về vấn đề nguồn lực.
Ví dụ tại Nhật, nơi có tới 25% dân số trên 65 tuổi, chính phủ đã có “cú huých” để nhiều phụ nữ và người lớn tuổi quay lại thị trường lao động. Chiến dịch này của Thủ tướng Abe đã đem lại dấu hiệu tích cực cho lực lượng lao động tại Nhật.
Khi nhân tài là yếu tố then chốt cho phát triển, các công ty cần có phương pháp bền vững hơn, giúp lao động nâng cấp kỹ năng và thích nghi với thế giới công việc thay đổi nhanh chóng; thúc đẩy và giúp đỡ lao động nữ nắm giữ các vị trí quan trọng; tận dụng các nguồn tài nguyên nhân lực chưa hoặc ít được khai thác như người lớn tuổi, người nhập cư, người khuyết tật…
Quyền lựa chọn của cá nhân được mở rộng hơn. Thời đại ngày nay người lao động có vô số lựa chọn việc làm với chỉ vài cú nhấp chuột.
Đặc biệt lớp tuổi từ 18 – 34 mong muốn theo đuổi nhiều công việc và thay đổi định hướng phát triển vài lần trong đời làm việc. Đặc điểm này mang lại cho con người nhiều lựa chọn hơn, linh hoạt hơn.
Người sở hữu các kỹ năng phù hợp có nhiều cơ hội, họ có thể quản lý nghề nghiệp và đòi hỏi mức lương tốt hơn; trong khi những lao động thiếu kỹ năng cần thiết sẽ phải đấu tranh vì nguy cơ bị thay thế.
Doanh nghiệp nào tạo ra càng nhiều cơ hội đào tạo, càng có cơ hội thu hút và giữ chân nhân tài.
Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Số hóa, robot, trí thông minh nhân tạo và thực tế ảo đang tác động đến môi trường làm việc.
Có đến 45% công việc do con người làm hiện nay có thể được tự động hóa bằng công nghệ. Năm 2010, một báo cáo chỉ ra rằng có tới 47% các nghề của Mỹ có khả năng được máy móc thay thế trong 10-20 năm tới.
Nếu tuân theo dòng chảy lịch sử, những ngành công nghiệp mới và các cơ hội mới được tạo ra sẽ áp đảo số bị mất đi, nhưng sự chuyển dịch này sẽ nhức nhối và kéo dài hàng thập niên.
Nhưng công nghệ cũng cho ra đời những mô hình công việc mới, giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của thị trường lao động.
Một ước tính của PwC cho thấy 5 mảng sẽ phát triển tột bậc trong nền kinh tế chia sẻ: tài chính ngân hàng, dịch vụ nhân sự trực tuyến, cho thuê chỗ ở, đi chung xe và nghe nhạc – xem video trực tuyến, từ 15 tỷ USD doanh thu hiện nay lên 335 tỷ USD vào năm 2025. Đây chỉ là một trong vô số các giải pháp đang xuất hiện, nhưng trên hết, chính sự khéo léo của con người sẽ đem lại nhiều công nghệ mới giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Yêu cầu ngày càng tinh vi của khách hàng. Với thuật ngữ “phân tích con người” – những đánh giá hành vi và tư duy cũng như hệ thống thông tin nhân sự ngày càng đa dạng, chi tiết – doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về nhân lực và suy tính chiến lược về tuyển dụng nhân tài.
Tôi cho rằng tương lai của việc làm không nhất thiết phải đánh đổi giữa con người và máy móc, sự phát triển của kỷ nguyên số là cơ hội để chính phủ của nhiều nước có thể tạo nhiều việc làm mới, càng nhiều người có cơ hội đón nhận việc làm khi họ được trang bị thêm kỹ năng thông qua chiến lược đào tạo của chính phủ và doanh nghiệp.
Thách thức với thị trường lao động Việt Nam
Trong Đối thoại cấp cao APEC về phát triển nguồn nhân lực tháng 5/2017 tại Hà Nội, chúng tôi có nhắc tới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới thị trường lao động và tương lai việc làm của các nước trong khu vực.
Các đại biểu đồng thuận rằng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới lực lượng lao động nhưng tùy thuộc vào sự phát triển và đặc thù mỗi quốc gia. Những nước có nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng đầu tiên, còn những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì các tác động sẽ xảy ra từ từ.
Báo cáo ILO 2016 cho thấy, 86% lao động dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc do tác động của ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất trong 2 thập kỷ tới. Một báo cáo khác về viễn cảnh nguồn lực ASEAN 2016, Việt Nam có tỷ lệ lao động tay nghề thấp nhiều nhất, hơn 40% so với 9% (Thái Lan) và 8% (Singapore).
Tôi xin nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng 4.0, khả năng học hỏi – tiêu biểu cho sự mong muốn và khả năng học tập các kỹ năng mới để có thể duy trì giá trị trong công việc – sẽ là phép thử cân bằng tuyệt vời. Việc đào tạo và tái đào tạo kỹ năng cũng như hướng nghiệp cho người lao động Việt Nam trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, để đảm bảo họ không bị “thay thế bởi máy móc”.
Công nghệ đang tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới có thể giúp giải quyết những vấn đề của thị trường lao động hiện tại. Ví dụ sự ra đời của nền kinh tế tự do “gig economic” với hàng ngàn việc làm ngắn hạn được tạo ra khi hình thành các start-up công nghệ như Uber, Lyft, AirBnB, Grab…
Chính tiềm lực con người là nhân tố cốt lõi tác động đến năng suất và sự cải tiến, đồng thời quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà làn sóng khởi nghiệp đang phát triển tại Việt Nam và có những chính sách từ chính phủ ủng hộ cho xu hướng này.
Xét về mặt tích cực, trí tuệ con người kết hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới sẽ làm cho thế giới của chúng ta ngày càng trở nên thịnh vượng hơn.