- 28/03/2024
- Posted by: admin
- Categories: Pháp lý, Tổng hợp
Theo một số nghiên cứu quốc tế, giữa ESG và các chỉ số tài chính trong doanh nghiệp đang hình thành một mối liên kết chặt chẽ, mà ở đó các doanh nghiệp có chỉ số ESG tốt có thể gia tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, và tăng giá cổ phiếu.
Áp dụng tiêu chuẩn ESG để nâng hạng thị trường chứng khoán?
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Một trong những nội dung đáng chú ý là chỉ đạo của Thủ tướng về việc áp dụng thông lệ về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.
Theo đó, các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải lập báo cáo ESG – được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc tư vấn FPT Digital – công ty tư vấn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thuộc tập đoàn FPT nhận định, đây là chỉ đạo kịp thời, và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng về mọi mặt với thế giới, nhất là khi Việt Nam đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Khi nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, việc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cung cấp báo cáo ESG sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, đảm bảo việc phát triển bền vững trong một nền kinh tế hội nhập”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Chuyên gia FPT Digital cho rằng, điều này không chỉ giúp cải thiện hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, mà còn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề bền vững và trách nhiệm xã hội.
Dẫn chứng một số nghiên cứu quốc tế, ông Trần Đức Trí Quang – Giám đốc dữ liệu FPT IS – công ty cung cấp sản phẩm, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thuộc tập đoàn FPT cho biết, giữa ESG và các chỉ số tài chính trong doanh nghiệp đang hình thành một mối liên kết chặt chẽ.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Đại học Western vào năm 2021, các doanh nghiệp có chỉ số ESG tốt có thể gia tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí vốn và tăng giá trị thị trường cho doanh nghiệp.
Trái lại, việc “làm đẹp” chỉ số ESG có thể làm tăng nguy cơ sụp đổ trên thị trường chứng khoán, với các doanh nghiệp có quy trình quản lý yếu kém, theo Tạp chí Quản trị doanh nghiệp Ấn Độ.
Bên cạnh tác động lên các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, các nghiên cứu còn chỉ ra, ESG đóng vai trò quan trọng trong biến động thị trường chứng khoán và ảnh hưởng đến việc định giá doanh nghiệp.
Ngoài ra, minh bạch ESG cũng giúp giảm thiểu rủi ro thất bại trong các đợt IPO và gia tăng khả năng tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
“Việc tuân thủ ESG góp phần không nhỏ đến doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, sự minh bạch trong việc công bố các chỉ số phát triển bền vững là không thể tránh khỏi”, ông Trần Đức Trí Quang nhấn mạnh.
“Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp 50 năm, 100 năm”
Giám đốc dữ liệu FPT IS đánh giá, trong ngắn hạn, việc áp dụng báo cáo ESG có thể dẫn đến phản ứng bất đồng trên thị trường. Các nhà đầu tư và nhà phân tích sẽ phản ứng thận trọng khi thích nghi với những thông tin mới. Từ đây, giá cổ phiếu có thể trải qua “biến động” do tăng tính minh bạch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết đi đầu có thể phải chịu chi phí liên quan đến việc triển khai hệ thống báo cáo ESG, đào tạo nhân viên và đảm bảo tuân thủ. Những chi phí này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, việc áp dụng báo cáo ESG theo ông Quang sẽ giúp các doanh nghiệp thể hiện được cam kết với bền vững, cũng như thu hút các nhà đầu tư ưa chuộng doanh nghiệp có trách nhiệm.
“Doanh nghiệp áp dụng báo cáo ESG sẽ có năng lực quản trị rủi ro tốt hơn, và điều này tác động đến khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Qua đó gia tăng khả năng Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp 50 năm, 100 năm”, ông Quang khẳng định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tích hợp nguyên tắc ESG cũng thường cho thấy sự cải thiện trong hiệu suất hoạt động. Ví dụ như biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải và có chuỗi cung ứng bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp có xếp hạng ESG sẽ có ưu thế tiếp cận thị trường vốn. Các tổ chức tài chính ngày càng phân bổ quỹ dựa trên tiêu chí ESG, ưa chuộng các công ty có chiến lược và hành động cùng với hiệu quả rõ ràng.
Thực tế, đã những doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong việc cung cấp các báo cáo ESG tại Việt Nam như: FPT, Vinamilk, Vingroup, Thế Giới Di Động, Traphaco,… mặc dù thời gian qua việc cung cấp các báo cáo này chưa phải yêu cầu bắt buộc.
Tại Thế Giới Di Động, doanh nghiệp đã chủ động ban hành báo cáo ESG độc lập từ năm 2022. “Thông qua việc thực hành, triển khai các tiêu chuẩn ESG tại doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy việc công bố và chia sẻ minh bạch các dữ liệu trong báo cáo giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về các vấn đề ESG, từ đó đưa ra được những định hướng, chiến lược kinh doanh bền vững, hiệu quả”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Tất nhiên, thời gian đầu áp dụng ESG trong doanh nghiệp, lãnh đạo Thế Giới Di Động không phủ nhận sẽ có những tác động nhất định đến quá trình kinh doanh, sản xuất.
“Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo chúng tôi phải thay đổi cả về cách quản trị và vận hành doanh nghiệp theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế”, vị lãnh đạo nói.
Nhưng trong dài hạn, vị lãnh đạo tin tưởng vào việc doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ cơ chế quản trị bền vững hơn, vận hành hiệu quả và thu hút được dòng vốn đầu tư xanh.
“Doanh nghiệp sẽ kiểm soát rủi ro tốt hơn liên quan tới biến đổi khí hậu, phát triển con người và vận hành chuỗi cung ứng, song song đó gây dựng được thương hiệu bền vững, giúp thu hút và giữ chân người lao động, tăng cường uy tín với khách hàng và đối tác”, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho hay.
Làn sóng chuyển đổi xanh sẽ bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc tư vấn FPT Digital đánh giá, trong dài hạn, tất cả các ngành, nghề sẽ đều chịu áp lực chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sẽ có 3 ngành lớn chịu tác động về việc lập báo cáo ESG và xa hơn là xây dựng lộ trình ESG gồm: ngành công nghiệp và sản xuất, ngành năng lượng và môi trường, và ngành công nghệ.
Việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh là hoạt động dài hơi của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có một lộ trình bài bản.
Đầu tiên là việc xác định và đánh giá hiện trạng ESG trong doanh nghiệp, từ các chính sách điều hành, quy trình hoạt động, đến các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị.
Tiếp theo là xác định mục tiêu cam kết cụ thể và xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên các yếu tố mà doanh nghiệp muốn cải thiện, thiết lập các chỉ tiêu đo lường rõ ràng.
Cuối cùng là xây dựng và triển khai chiến lược ESG dựa trên các mục tiêu và cam kết, đồng thời doanh nghiệp liên tục đánh giá định kỳ nhằm cải thiện các chỉ số theo thời gian.
Về phía FPT IS, ông Trần Đức Trí Quang lưu ý thêm, chuyển đổi xanh không chỉ là việc doanh nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, mà còn là một quá trình thay đổi toàn diện trong tư duy và hành vi của toàn bộ tổ chức, nên đây sẽ là hành trình dài, và cần được tiến hành một cách nhất quán, xuyên suốt.
Tại FPT, song hành cùng với tăng trưởng doanh số và lợi nhuận, Tập đoàn này cho biết không ngừng nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững tiên tiến nhất.
Lãnh đạo tập đoàn quan niệm: ESG tạo thêm sức mạnh để FPT phát huy giá trị cốt lõi tiếp tục thực hiện sứ mệnh Tập đoàn toàn cầu trường tồn và hạnh phúc.
FPT là cổ phiếu công nghệ duy nhất được xếp trong danh mục 20 cổ phiếu thành phần chỉ số VNSI (chỉ số phát triển bền vững) do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đánh giá trong năm 2023, với tổng điểm ESG đạt 76%.
Là doanh nghiệp tư vấn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hàng đầu, FPT sớm đầu tư và chú trọng phát triển giải pháp toàn diện liên quan tới ESG như: dịch vụ tư vấn lộ trình chuyển đổi xanh, giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro giúp các doanh nghiệp tự động hoá, số hóa toàn bộ quy trình thu thập dữ liệu, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế.
Chia sẻ về hành trình chuyển đổi xanh tại Thế Giới Di Động, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết đã bắt đầu từ việc đơn giản nhất là sẵn sàng công bố thông tin về các hoạt động ESG hiện tại.
“Thế Giới Di Động đã bắt đầu từ việc công khai, minh bạch các hoạt động ESG ở Bản tin Phát triển bền vững hàng tháng, Báo cáo Phát triển bền vững hàng năm công bố tại chuyên trang Quan hệ cổ đông và các kênh truyền thông nội bộ đến mọi nhân viên”, vị lãnh đạo cho hay.
Song song đó, doanh nghiệp đã thay đổi cách thức quản trị, định hướng của mình theo hướng xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường, và đảm bảo tuân thủ các quy định về phát triển con người và quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thế Giới Di Động chủ động đưa các vấn đề phát triển bền vững, tài chính xanh vào quá trình xây dựng chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, các cuộc thảo luận của ban lãnh đạo cấp cao, cũng như truyền thông xuyên suốt để nâng cao nhận thức nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp.
Việt Hưng – TheLEADER