- 24/04/2023
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Chính phủ cam kết sẽ đưa ra giải pháp hỗ trợ đảm bảo lợi thế cạnh tranh, ổn định hoạt động đối với doanh nghiệp FDI trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Nói về việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, theo trụ cột 2 của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội, bày tỏ lo ngại sẽ làm gia tăng chi phí, tạo ra thách thức đối với các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung.
Điều này càng đáng để lưu tâm trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, sức cạnh tranh ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Theo ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam, Chính phủ cần có biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sự hiện diện tại Việt Nam khi áp dụng thuế suất tối thiểu toản cầu.
Nhìn nhận những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp FDI, trao đổi với Chính phủ tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Kapoor, Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, đề xuất, Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng những tác động của chính sách thuế tối thiểu, từ đó đưa ra giải pháp kịp thời để đảm bảo bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp nếu không còn ưu đãi đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khuyến nghị, Việt Nam cần có thêm những chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư khi áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Từ phía địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng liệt kê việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ là thách thức đối với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong việc thu hút vốn FDI, bởi những ưu đãi thuế nhằm thu hút FDI không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư nữa.
Trước đó, trao đổi với Bộ Tài chính, đại diện một số doanh nghiệp FDI đề nghị Chính phủ có thể áp dụng hình thức hỗ trợ đầu tư bằng tiền mặt, với khoản tiền trích ra từ phần thuế bổ sung thu được sau khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được thực thi, giống như một số quốc gia trên thế giới đang có chủ trương áp dụng.
Nhiều chuyên gia kinh tế lại đưa ra quan điểm, chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam chấm dứt ưu đãi thuế, một hình thức thu hút đầu tư được xem là thiếu bền vững, gây ra nhiều gánh nặng cho ngân sách cũng như tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI. Thay vào đó là những chính sách ưu đãi mang tính “dài hơi” và có tác động bền vững như cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ…
Ghi nhận ý kiến của các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đề cao tuân thủ pháp luật và luôn chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung quốc tế, bao gồm cam kết về thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Trước nguy cơ thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định, xây dựng lộ trình áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định sẽ sớm đưa ra giải pháp thu hút đầu tư, bao gồm hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI. Chính sách hỗ trợ này được đưa ra trên cơ sở không vi phạm các quy định, cam kết quốc tế và đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Một số hình thức hỗ trợ có thể kể đến như hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ; phát triển nhà ở cho công nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nhân lực…
Theo Hoàng Đông – TheLEADER