Là nhà quản lý, có thể bạn chưa quen định vị mức độ sáng tạo trong văn hóa doanh nghiệp mình, nếu vậy, hãy làm điều đó ngay. Các thương hiệu khổng lồ trên thế giới.

Chẳng hạn như doanh nghiệp điện tử Google hay Công ty quảng cáo Ogilvy & Mather đang chuyển hướng cách kinh doanh của họ và rõ ràng điều ấy đã mang đến những giá trị đích thực, cảở mặt lợi nhuận cuối năm lẫn cách tư duy của nhân viên, người tiêu dùng và toàn xã hội.

Gần đây, một hội nghị chuyên đề do các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ tổ chức tại thành phố New York với chủ đề ExpandMyBrand (Mở rộng thương hiệu của tôi) đã đưa ra những ý tưởng sau trong cách xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp sáng tạo và năng động.

Định vị doanh nghiệp là một đối tác

Các doanh nghiệp tầm cỡ thường tỏ ra chậm chạp trong cách phản ứng trước công nghệ mới và những cải tiến khác.Cả TripAdvisor và Amazon.com đều phải chịu đựng nhiều lời than phiền về việc rất nhiều thành viên của họ cố tình đăng tải những lời nhận xét không thành thực nhằm gia tăng hoặc hạ thấp điểm số của các khách sạn hoặc đầu sách.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp danh tiếng khác đang bắt tay chặt chẽ với các đối tác nhỏ hơn, chẳng hạn như các công ty phần mềm hoặc công nghệ xã hội, để bù đắp cho sự hạn chếấy.

Chẳng hạn, bộ phận RedWorks tại Ogilvy đang tận dụng mạng lưới toàn cầu làm đội ngũ sản xuất và thiết kế cho họ tại cả lĩnh vực truyền thông truyền thống lẫn kỹ thuật số.

Tất cả đều được xác lập như một nhóm sáng tạo chiến lược bao gồm rất nhiều đối tác cung cấp giải pháp cho Ogilvy và khách hàng của họ mà Ogilvy không nhất thiết phải sở hữu hay chịu trách nhiệm cho sự phát triển và sở hữu sự sáng tạo ấy.

Thay đổi môi trường làm việc

Làm thế nào để doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhỏ mới thành lập cho đến các doanh nghiệp toàn cầu tạo được một môi trường làm việc khuyến khích nhân viên sáng tạo?

Rất nhiều doanh nghiệp từ Ogilvy, Leo Burnett cho đến M&M’s Chocolate đã cố gắng nuôi dưỡng sự sáng tạo cho nhân viên bằng cách duy trì một không gian văn phòng mở hoàn toàn, không hề có vách ngăn hay phòng riêng của sếp, ngoại trừ phòng họp và căn-tin lắp đầy trang thiết bị giải trí!

Tương tự, hầu hết nhân viên cùng chia sẻ văn phòng tại Google, nơi vừa được tạp chí Fortune xếp hạng là doanh nghiệp số 1 thế giới để làm việc. Đến nay, Google vẫn gìn giữ công thức nổi tiếng 70/20/10 để kích thích sự sáng tạo trong nhân viên.

Có thể áp dụng tại tất cả các công ty, nguyên tắc trên cho rằng 70% thời gian nhân viên nên tập trung vào công việc chuyên môn của mình, 20% – tương đương một ngày trong mỗi năm ngày làm việc trong tuần, tập trung vào các dự án tiềm năng và 10% thời gian của nhân viên nên dành cho những ý tưởng điên rồ nhất, chẳng hạn xây dựng thang máy lên cung trăng!

Đừng quên rằng Gmail là một trong những ý tưởng điên rồ nhất, vốn từng được nảy sinh trong khoảng “thời gian bạc” mà các ông chủ Google dành cho nhân viên của mình để “vui đùa”.

Thuê mướn sự sáng tạo từ bên ngoài

Nghe có vẻ lạ nhưng đây là một trong những cách làm mới dành cho môi trường làm việc nuôi dưỡng sự cách tân.

Khác với cách quản lý nhân lực truyền thống trước đây, khi cỗ máy mệnh lệnh từ trên xuống luôn nỗ lực bắt các nhân viên của họ phải đi theo khuôn khổ nhất định, các doanh nghiệp giờ đây nỗ lực tạo ra một nhóm làm việc có đủ quyền hạn và trách nhiệm cần thiết để hoàn tất công việc. Khi ấy, người thực hiện công việc không nhất thiết phải là nhân viên trong công ty.

Nói cách khác, việc thuê mướn (outsource) từ bên ngoài trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp bạn phải vật vã trong việc sáng tạo là điều tốt. Sau đó, mới tính đến việc hấp thụ sự sáng tạo ấy vào trong doanh nghiệp để tiến hành những cải tiến sau này.

 

Theo doanhnhansaigon.vn