Cần tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Tuần đầu tiên của tháng 7/2023, lãi suất huy động VND tại các ngân hàng vẫn tiếp tục được điều chỉnh giảm. Từ ngày 7/7/2023, OCB giảm 0,3%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 6,8%//năm; kỳ hạn 9 tháng còn 7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng cũng chỉ ở mức 7,1%/năm.

Thống kê sơ bộ đến ngày 7/7/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được các ngân hàng đưa về mức 3,4-4,75%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 5-7,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng khoảng 6,3-7,6%/năm. Mức lãi suất 8% gần như không còn trên bảng biểu lãi suất của các ngân hàng. Xu hướng giảm lãi suất ngày càng nhanh sau lần giảm lãi suất điều hành thứ tư của NHNN từ đầu năm đến nay.

Mặc dù đã bốn lần giảm lãi suất điều hành nhưng trong nửa cuối năm, kịch bản NHNN có thể hạ lãi suất điều hành lần thứ năm trong quý III/2023 vẫn được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Những tín hiệu tích cực từ lạm phát hạ nhiệt, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là cơ sở để NHNN cân nhắc điều chỉnh giảm thêm lãi suất điều hành. HSBC Việt Nam vừa dự báo, trong quý III/2023, lãi suất điều hành có thể sẽ giảm thêm 0,5%/năm, đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4%/năm, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022. Đồng quan điểm, Standard Chartered cũng cho rằng, NHNN sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5%/năm, xuống 4% trong quý III/2023, bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Riêng bộ phận phân tích của Ngân hàng UOB dự đoán lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 1 điểm %/năm trong quý III năm 2023.

Có thể nói giảm lãi suất không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp, nền kinh tế mà của cả hệ thống ngân hàng. Bởi ngân hàng huy động vốn để cho vay chứ không muốn vốn tồn kho, gia tăng chi phí hoạt động. Các ngân hàng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Không phủ nhận giảm lãi suất giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh canh, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn, nhưng trong thời điểm này, theo một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia điều đó không phải là tất cả. Theo báo cáo nghiên cứu gần đây khảo sát 10 nghìn doanh nghiệp thì gần 60% doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ đó là đơn hàng. Không có đơn hàng hoặc ít buộc họ phải thu hẹp sản xuất. Muốn kích cầu tín dụng phải giải quyết cầu nền kinh tế từ sản xuất kinh doanh lẫn tiêu dùng.

Những khó khăn của doanh nghiệp theo giới chuyên môn cần phải được nhận diện, đánh giá đầy đủ, từ đó mới có giải pháp trúng và đúng. Bởi nếu chỉ tập trung giảm lãi suất mà không giải quyết rốt ráo các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp thì không những không kích cầu tín dụng mà còn tiềm ẩn những rủi ro trên cho thị trường. Báo cáo HSBC vừa công bố cũng đã lưu ý, dù 6 tháng đầu năm lạm phát đã được khống chế rất tốt, nhưng rủi ro giá cả tăng lên vẫn tồn tại, chủ yếu do các áp lực từ phía giá thực phẩm. Nếu lạm phát quay đầu tăng lên, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro “xói mòn” lãi suất thực.

Một yếu tố rủi ro đến lãi suất khác cũng cần được chú ý trong thời gian tới là câu chuyện của tỷ giá. Khi chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng tiếp tục thu hẹp, áp lực tỷ giá tăng trở lại.

Tại buổi làm việc mới đây với Hiệp hội DNNVV dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định, không thể riêng ngành nào, hoặc chính sách nào giải quyết được hết tất cả các vấn đề. Mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các DNNVV; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác… Nếu triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, lãnh đạo NHNN tin rằng, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn.

Về phía NHNN, Thống đốc khẳng định, thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và bám sát diễn biến kinh tế, tiền tệ, tích cực triển khai các giải pháp từ phía Ngành Ngân hàng cũng như phối hợp các bộ, ban ngành để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Vũ – thoibaonganhang.vn